Nghiên cứu phân tích mối liên hệ vùng
Bộ Xây dựng góp ý Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm các nội dung liên quan đến thành phần hồ sơ và các căn cứ lập quy hoạch, phân tích đánh giá hiện trạng, dự báo, định hướng, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị, nông thôn và nhà ở...
Trong đó, đối với nội dung phân tích đánh giá hiện trạng, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu phân tích bối cảnh quốc tế, trong nước, mối liên hệ vùng với các tỉnh lân cận, trong vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, với quốc tế (Campuchia) để nhận định về vai trò của tỉnh trong thời điểm hiện tại. Bổ sung các phân tích về thổ nhưỡng, địa chất xây dựng để hỗ trợ đánh giá đất thuận lợi xây dựng và đất sản xuất nông nghiệp và thành phần dân số lao động trong các ngành - lĩnh vực.
Nghiên cứu, khai thác các phân tích về hiện trạng của tỉnh Đồng Tháp tại Quy hoạch vùng ĐBSCL làm cơ sở đề xuất định hướng quy hoạch. Ví dụ các nội dung nghiên cứu về đa dạng sinh học, thổ nhưỡng, chế độ thủy văn, nước ngầm… Trong đó, đặc biệt quan tâm hệ thống thủy văn, thủy lợi, tình trạng thiếu nước, hạ mực nước ngầm dẫn đến sụt lún đồng bằng. Bổ sung các thông tin đánh giá về văn hóa, đặc trưng bản địa để khai thác cho các quan điểm định hướng trong quy hoạch.
Phân tích, nêu bật vai trò, điểm mạnh yếu của hệ thống đô thị trong đánh giá chung về hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn. Khai thác lợi thế của sông Tiền trong vận tải hàng hóa, do kết nối hiệu quả một đầu nối ra cửa khẩu quốc tế, một đầu nằm trong tứ giác đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, từ đó phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo cấu trúc xương cá. Cần có phân tích kỹ hơn về tiềm năng, động lực phát triển, chất lượng đô thị, có luận giải về nguyên nhân nhóm đô thị cửa khẩu phát triển yếu, những hạn chế của hệ thống đô thị trung tâm vùng.
Trên cơ sở các văn bản, quy định pháp luật về phân loại đô thị, phát triển đô thị, tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần rà soát tổng thể, bổ sung các đánh giá phân loại đô thị đối với hệ thống đô thị của tỉnh. Trên cơ sở quy mô diện tích và dân số đô thị rà soát, đề xuất các quy hoạch hành chính lãnh thổ, làm cơ sở thực hiện mở rộng, sắp xếp các đơn vị hành chính đô thị trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh.
Xem xét, bổ sung đánh giá tổng quát việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, định hướng về phát triển đô thị thời kỳ trước làm cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh.
Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện đối với các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang…) trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01/01/2019 (đang còn hiệu lực), làm cơ sở để thực hiện tích hợp quy hoạch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ. Bổ sung đánh giá hiện trạng giao thông đô thị; hệ thống bến xe và hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Xác định các điểm nghẽn về phát triển các ngành, lĩnh vực
Theo Bộ Xây dựng, để đảm bảo bao quát đủ các ngành, đủ cơ sở thực hiện công tác điều hành, quản lý nhà nước của các lĩnh vực, các ngành trong tỉnh. Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch xây dựng chỉ được lập, phê duyệt trong địa bàn tỉnh. Do đó, nội dung Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp cần đưa ra các định hướng mang tính yêu cầu làm cơ sở để triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch xây dựng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh.
Các nội dung phục vụ quản lý nhà nước phải được thể hiện rõ trong nội dung Quy hoạch tỉnh, các yêu cầu quản lý cụ thể hơn sẽ được quy định ở các đồ án cấp thấp hơn, đặc biệt đối với các hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn và đầu tư xây dựng của từng địa bàn trong tỉnh.
Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá cũng như các đề xuất định hướng, giải pháp cho khu vực nông nghiệp cũng như cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chưa tạo ra sự khác biệt với các tỉnh lân cận để có thể tạo ra các bứt phá, để trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản như mục tiêu và tầm nhìn đã đặt ra.
Cần phải tìm ra các sản phẩm cây trồng, vật nuôi đặc trưng, các tiềm năng khác biệt về vị trí địa lý, quỹ đất, kết nối hạ tầng chiếm ưu thế vượt trội của tỉnh đối với các tỉnh lân cận. Đồng thời, xác định các điểm nghẽn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản để có giải pháp khai thông, phát huy tiềm năng khai thác các sản phẩm, đặc điểm khác biệt để thúc đầy sự phát triển của tỉnh đạt được mục tiêu đặt ra.
Về năng lượng tái tạo, cần nghiên cứu cụ thể về các chính sách năng lượng tái tạo. Lưu ý, đất năng lượng tái tạo cần phải sử dụng đa chức năng, không nên quan niệm sử dụng đất chỉ cho chức năng năng lượng tái tạo.
Đánh giá khả năng thực hiện định hướng phát triển đô thị
Về tỷ lệ đô thị hóa, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ các luận cứ, khả năng nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, dân số đô thị đảm bảo phù hợp thực tiễn phát triển và nguồn lực của địa phương trong giai đoạn tới.
Nghiên cứu, đề cập mô hình mạng lưới đô thị, mối quan hệ với mạng lưới bên ngoài, quan hệ nội tại và quan hệ với các không gian nông nghiệp - nông thôn. Bổ sung cơ sở, phân tích để đề xuất nhận định về tính chất, tổ chức không gian từng đô thị và các định hướng đảm bảo sinh thái và cảnh quan, bảo tồn, phát triển hành lang sông trong phát triển đô thị.
Bổ sung nội dung đánh giá khả năng thực hiện định hướng phát triển đô thị, đơn vị hành chính đô thị của tỉnh trong thời gian tới đúng quy định pháp luật và phù hợp với thực tế phát triển. Rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng phát triển, xác định các chỉ tiêu chính phát triển đô thị, các tiêu chuẩn, tiêu chí cần đạt được để thực hiện nâng loại đô thị theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, nội dung Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, đề nghị bổ sung mục tiêu, giải pháp về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để đảm bảo công tác an sinh xã hội; rà soát để đảm bảo đồng bộ, thống nhất các nội dung liên quan đến nhà ở giữa đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh; đặc biệt cần đánh giá tình hình sử dụng đất ở, đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu diện tích đất xây dựng các loại nhà ở trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và diện tích đất ở bố trí trong Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030.
Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tỉnh Đồng Tháp thuộc vùng Đồng Tháp Mười là khu vực chịu ảnh hưởng do tác động của lũ sông Mê Kông. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung các giải pháp về cao độ nền, phân chia lưu vực thoát nước. Nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn để cụ thể hóa Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030
Cân nhắc, xem xét giảm chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt để phù hợp với quan điểm sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm theo Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Bổ sung vị trí, quy mô và bản đồ quy hoạch hệ thống cấp nước, cơ sở xử lý nước thải, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng liên huyện trên địa bàn.