Ngày 26/12, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, cùng đại diện lãnh đạo một số cục, vụ chức năng của Bộ Xây dựng, và toàn thể cán bộ, nhân viên của Viện Kiến trúc Quốc gia.
Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2024, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng ủy, ban lãnh đạo Viện Kiến trúc Quốc gia đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, điều hành thực hiện đúng kế hoạch tiến độ các công việc, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định, hoàn thiện và tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp cho bộ máy, nhằm đáp ứng tốt nhất các chức năng nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2024, Viện Kiến trúc Quốc gia đã triển khai và hoàn thành các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, bảo tồn, bảo tàng và phát triển nền kiến trúc quốc gia; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến thông tin về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng…
Phát huy thế mạnh về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất sẵn có, Viện Kiến trúc Quốc gia đã đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, người lao động trong Viện và ngành kiến trúc xây dựng.
Đối với công tác đào tạo tiến sĩ, Viện Kiến trúc Quốc gia thường xuyên cập nhật các thông tư mới của Bộ GD&ĐT, bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Năm 2024, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức thành công 4 hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho 04 nghiên cứu sinh.
Đối với công tác đào tạo nâng cao năng lực, Viện Kiến trúc Quốc gia là một trong những cơ sở tiên phong trong hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Năm 2024, Viện tổ chức thành công 3 kỳ thi sát hạch với 500 kiến trúc sư tham gia.
Viện Kiến trúc Quốc gia tiếp tục kết nối chuyên gia trong nước để thực hiện các công việc chuyên môn và triển khai kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học, truyền thông và tư vấn kiến trúc quy hoạch tại các địa phương...
Viện còn tích cực hợp tác với các tổ chức nước ngoài để phát triển các dự án kiến trúc, nghệ thuật; trao đổi và hợp tác đào tạo trong lĩnh vực kiến trúc.
Bên cạnh việc tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, Viện Kiến trúc Quốc gia cũng tích cực tham gia các cuộc thi nhằm quảng bá thương hiệu của Viện Kiến trúc Quốc gia…
Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động của Viện Kiến trúc Quốc gia cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như một số công việc được xử lý chưa thực sự hiệu quả; nguồn việc của một số đơn vị còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự nhuần nhuyễn, đồng bộ; quy chế quản lý nội bộ có nhiều nội dung không còn phù hợp; năng lực thiết bị cũng còn nhiều hạn chế... ảnh hưởng tới hoạt động chung của Viện.
Sắp xếp tinh gọn bộ máy, hướng tới tự chủ hoàn toàn
Phát biểu tại Hội nghị, TS.KTS Hồ Chí Quang - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia khẳng định, năm 2025, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ cấu tổ chức đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực kiến trúc tại Luật Kiến trúc năm 2019 và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương xây dựng, lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; danh mục công trình kiến trúc có giá trị; phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc, luận cứ khoa học để định hướng phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động phản biện xã hội thông qua phê bình kiến trúc; xây dựng bản sắc kiến trúc mới của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật.
Ngoài ra, tập trung rà soát xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc, trọng tâm là phát triển bền vững đô thị; nhà ở đô thị và nông thôn, kiến trúc xanh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
Bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; nghiên cứu và hệ thống hoá kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn ghi nhận những nỗ lực của Viện Kiến trúc Quốc gia với việc hoàn thành nhiều đầu công việc, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Thứ trưởng nhấn mạnh cần nhận thức đầy đủ hơn vị thế của Viện Kiến trúc Quốc gia - là cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, do đó cần quan tâm phát triển lĩnh vực kiến trúc; cũng như hướng tới tự chủ hoàn toàn, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời tổ chức các hoạt động tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiến trúc; triển khai các đề tài, dự án mới; tích cực tham gia vào nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; quan tâm nhiều hơn và kiện toàn công tác đảng, đoàn thể; nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên.
Thứ trưởng cơ bản thống nhất với phương hướng công tác năm 2025 của Viện Kiến trúc Quốc gia, và chỉ ra những tồn tại trong chức năng nhiệm vụ, công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động dịch vụ tư vấn, và một số công việc khác…
Viện Kiến trúc quốc gia là đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện các chức năng: Nghiên cứu khoa học, phổ biến thông tin về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lĩnh vực kiến trúc; kinh doanh và thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
Hiện tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Kiến trúc Quốc gia là 266 người, trong đó: Học hàm PGS: 01 người; tiến sĩ: 05 người; thạc sĩ: 75 người; đại học: 165 người;...