Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, nông thôn truyền thống Việt Nam là một tổ chức cộng đồng xã hội được cấu trúc chặt chẽ và gắn kết bởi các quan hệ trong cuộc sống, trong hoạt động và trong sản xuất.
Trải qua quá trình hàng nghìn năm hình thành và phát triển, hiện tại nông thôn Việt Nam tại mỗi vùng, miền đang có quỹ di sản di tích công trình kiến trúc, cảnh quan tự nhiên với các giá trị đặc sắc. Việt Nam có 54 dân tộc và gần 70% dân số hiện nay đang sống ở nông thôn, trong khi nông thôn các vùng miền lại có những đặc trưng riêng về văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc riêng.
Thực tế cho thấy, những giá trị to lớn của kiến trúc nông thôn là không thể phủ nhận, tuy nhiên trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, cùng với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều giá trị tốt đẹp của nông thôn truyền thống đang dần mất đi.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thông tin, năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với một số chỉ tiêu hướng đến hoàn thiện công tác quy hoạch, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và nhà ở đã góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là vùng giáp ranh đô thị, còn khá lộn xộn, thiếu bản sắc.
Về công tác quản lý, kể từ năm 2010 đã có Nghị định 38 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, nhưng đến năm 2020 sau khi Luật Kiến trúc và Nghị định 85 được ban hành, mới quy định chi tiết hơn về nội dung quy chế quản lý kiến trúc nông thôn.
Nhìn chung so với công tác quản lý kiến trúc đô thị, công tác quản lý kiến trúc nông thôn chưa được quan tâm nhiều và thiếu công cụ quản lý, cũng như chưa có nhiều đồ án quy hoạch xây dựng, cải tạo chỉnh trang, các mẫu thiết kế nhà ở nông thôn được triển khai thực hiện, làm hình mẫu tốt để phổ biến và áp dụng trong cộng đồng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nông thôn Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, điều này đặt ra yêu cầu trong công tác quản lý kiến trúc nông thôn so với giai đoạn trước, và cũng đặt ra không ít thách thức cho giai đoạn tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả, nhà khoa học trình bày các tham luận và góp ý kiến xoay quanh các vấn đề: Công tác quản lý và quản trị kiến trúc nông thôn; Quy hoạch nông thôn mới; Kiến trúc hiện đại và bảo tồn kiến trúc truyền thống nông thôn; Bản sắc văn hóa trong kiến trúc nông thôn; Kiến trúc nông thôn gắn với gắn với các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy hoạch của quốc gia và các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trong thời gian tới.