Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản công nghiệp

07:05 03/06/2022
Với việc các đường bay quốc tế đến Việt Nam được khôi phục đã mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp. Một số dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện đã góp phần bổ sung nguồn cung mới cho phân khúc này.

Dòng vốn và nguồn cung dồi dào

Số liệu thống kê mới cho thấy, hiện cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, sản xuất trong và ngoài nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,7 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, quý I/2002 thị trường BĐS công nghiệp đã có thêm nhiều nguồn cung mới. Cụ thể, như dự án nhà xưởng và nhà kho quy mô 13,4 ha ở khu công nghiệρ Phú An Thạnh tại tỉnh Long An, dự án CapitaLand Development đầu tư 1 tỷ USD để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam tại Bắc Giang,…

Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 80% và giá thuê đất và nhà xưởng không có biến động. Trong đó, giá đất công nghiệp trung bình trong quý I/2022 đạt 109 USD/m²/chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước do giá thuê ưu đãi hơn tại một số khu công nghiệp ở vị trí kém thuận lợi và muốn đẩy nhanh tốc độ lấp đầy, nhưng vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại khu vực miền phía Nam, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở mức 85%. Giá thuê trung bình là 120 USD/m²/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước) nhờ vào làn sóng đầu tư FDI mới đổ vào Việt Nam sau khi Việt Nam được tái mở cửa, và nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu.

Theo các chuyên gia, một số công ty lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam, riêng thị trường BĐS công nghiệp hiện có nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao đang đổ về Việt Nam.

Đánh giá về sự hấp dẫn của thị trường BĐS công nghiệp, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, với những điều kiện thuận lợi về chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Quý I/2022, dòng vốn này đang chảy vào các tỉnh thành phía Nam, chiếm 88% tổng vốn đăng ký.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhìn nhận về thị trường BĐS công nghiệp, ông Đỗ Chí Công – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam – Tổng giám đốc SB Invest cho rằng, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn là điểm sáng của cả nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thị trường cho thấy sự sụt giảm về nhu cầu cũng như nguồn cung của các dự án và sản phẩm chất lượng.

Chú trọng đầu tư hạ tầng, quy hoạch

Các chuyên gia nhận định, thị trường Việt Nam chứa đựng sẵn nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp.

Theo tìm hiểu, BĐS công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đồng thời đẩy giá đất tăng cao.

Để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn vẫn cần các giải pháp cụ thể.

Ông Đỗ Chí Công – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam – Tổng giám đốc SB Invest

Ông Đỗ Chí Công, Tổng giám đốc SB Invest cho rằng, các địa phương cần chú trọng vào công tác lập quy hoạch đất công nghiệp nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương và cả nước.

Cụ thể, tập trung quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Theo ông Đỗ Chí Công, quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm.

“Tăng cường hoạt động của các chuyên gia và các tổ chức Hiệp hội chuyên ngành trong việc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm mới. Đối với những doanh nghiệp mới đầu tư, việc lựa chọn địa điểm thích hợp cần phải có nghiên cứu phân tích chuyên sâu. Các nhà đầu tư cũng sẽ cần được tham vấn để xem xét nhiều yếu tố khác nhau bao gồm giá cả, chi phí nhân công, hệ thống hạ tầng giao thông và logicstic” - Ông Đỗ Chí Công nhìn nhận.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí về diện tích lớn, giá đất thấp và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Bởi vậy, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các tỉnh cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều qua các địa phương trên cả nước.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefied cho rằng, thị trường BĐS công nghiệp càng minh bạch thì nhà đầu tư nước ngoài càng quan tâm. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều vốn đang chờ được đầu tư vào BĐS công nghiệp.

Theo Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefied, cần phải cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính. Đây là chặng đường dài để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

“Cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng” - Bà Trang Bùi phân tích.

 

Bình luận