Nhìn lại thị trường thép nội địa qua 2 quý đầu năm

07:00 01/07/2023
Trong 2 quý đầu năm, thị trường thép xây dựng đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá bán, trong đó có 6 lần tăng và 12 lần giảm. Nếu quý I, sức tiêu thụ của thị trường thép còn khả quan và được hỗ trợ bởi xu hướng giá tăng thì quý II, thị trường thép quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

6 lần tăng giá liên tiếp trong quý I

Trong quý I, giá thép tăng liên tiếp 6 lần, kéo giá thép vượt ngưỡng hơn 17 triệu đồng/tấn, cá biệt loại thép Pomina tăng hơn 19 triệu đồng/tấn.

Tại thời điểm đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, bình quân giá thép nội địa tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8%.

Cũng theo VSA, giá nguyên vật liệu tăng nhiều buộc các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa phải tăng giá bán theo để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Do đó, giá sắt thép liên tiếp điều chỉnh tăng.

Có thể thấy, giá thép xây dựng liên tục tăng trong thời điểm quý I là do hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng, trong đó giá nguyên liệu tăng khoảng 20%.

Việc tăng giá không xuất phát từ nhu cầu thị trường, nguyên nhân chính là giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao. Ảnh: Internet

Mặc dù, giá thép trong nước đã được các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép vẫn ở mức thấp, và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, khiến cho ngành thép nói chung vẫn chưa có cơ hội bứt phá. Bởi hàng tồn kho lớn, lượng tiêu thụ từ các công trình xây dựng rất thấp.

Nhìn nhận về thị trường thép thời điểm đầu quý I, một số chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, giá thép có thể sẽ không đạt mức đỉnh như năm 2022, nhưng xu hướng tăng vẫn chưa dừng lại. Sản xuất và tiêu thụ ngành thép phụ thuộc lớn vào việc triển khai xây dựng các dự án bất động sản, cầu đường… Nhưng thời gian đó, các dự án bất động sản vẫn khá trầm lắng nên ngành thép mặc dù liên tiếp tăng giá nhưng  tăng trưởng kém.

Nếu như quý I/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh. Nhưng trong quý I/2023, thị trường lại trầm lắng do lượng cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép chưa thể bứt phá.

VSA đánh giá, thị trường bất động sản trì trệ cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.

Được biết, giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào, nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép rất thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra.

Lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Dù sản lượng thép thành phẩm đã giảm 16%, nhưng mức chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lên tới hơn 400.000 tấn.

Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế, nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra sự phục hồi cho ngành thép, khi mảng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng sang thị trường này của nhiều doanh nghiệp bằng “0”.

Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản.

12 lần giảm giá liên tiếp trong quý II

Bước sang quý II, thị trường thép nội địa liên tiếp ghi nhận nhiều doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh giảm giá bán, cụ thể từ ngày 7- 8/4, giá thép bắt đầu phiên điều chỉnh giảm đầu tiên trong năm 2023. Tính đến hết quý II, thép trong nước đã trải qua 12 lần điều chỉnh giảm, kéo giá thép giảm khoảng 4 triệu đồng/tấn so với hồi đầu năm.

Nguyên nhân giá thép trong nước liên tiếp điều chỉnh giảm mạnh là do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào đang trong xu hướng giảm chung của thế giới. Mặt khác, nguồn cung thép khá dồi dào và tình hình hàng tồn kho còn lớn.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, mới chỉ có một vài dự án nhà ở xã hội được triển khai; chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, lãi suất tăng cao; thị trường dân dụng sức mua yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm.

Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ, châu Âu gặp khó, cũng như bất ổn về chính trị trên thế giới nên xuất khẩu gần như không khả quan…Từ đó giá bán các sản phẩm thép cũng giảm sâu.

Quý II, thị trường thép quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán. Ảnh: WSA

Có thể thấy, quý I sức tiêu thụ của thị trường thép nói chung còn khả quan và được hỗ trợ bởi xu hướng giá tăng. Nhưng ngay sau quý I trở đi, thị trường quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ thép xây dựng của Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ được gần 4,3 triệu tấn, giảm tới 22,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu được 681 ngàn tấn, giảm 40,6% so cùng kỳ.

Nếu như giá thép xây dựng tính đến cuối quý I/2023 dao động trung bình khoảng 15 đến gần 18 triệu đồng/tấn, thì quý II đã giảm sâu khoảng hơn 4 triệu đồng/tấn, hiện mức phổ biến dưới 14 triệu đồng/tấn, trung bình giảm hơn 10% so với giai đoạn đầu năm.

Những kỳ vọng giúp doanh nghiệp thép vượt “khó”

Diễn biến thị trường thép nội địa trong 2 quý vừa qua đã được dự báo từ trước với nhiều khó khăn nội tại và cả khách quan, trên thực tế các doanh nghiệp ngành thép cũng đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Song các doanh nghiệp ngành thép vẫn còn nhiều động lực để tăng trưởng.

Theo nhận định của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu thép thế giới sẽ tăng trở lại khoảng 1% trong năm 2023 nhờ động lực từ việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như tình hình thiếu hụt năng lượng đã được kiểm soát trên thế giới; trong đó, khu vực ASEAN sẽ dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc giá quặng sắt chưa bước vào chu kỳ tăng sẽ là yếu tố thuận lợi với một nước nhập khẩu ròng như Việt Nam. 

Theo số liệu năm 2022, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 13 trên thế giới, với nhiều các mặt hàng thép xây dựng, thép ống, thép hộp,… chiếm khoảng 3,4% thị phần. Tuy nhiên, nước ta cũng nhập khẩu thép lớn thứ 12 trên thế giới, với cơ cấu 5,5% tổng cơ cấu nhập khẩu trên toàn cầu. 

Theo MXV, việc giá sắt thép trên thế giới duy trì ở mức thấp sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ cho hoạt động sản xuất với hiệu quả chi phí.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 5 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu 4,6 triệu tấn sắt thép các loại, giảm 12,4% về lượng nhưng giảm gần 30% về kim ngạch, do giá sắt thép thế giới hạ nhiệt đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, nguồn cung thép thị trường châu Âu trong năm 2023 được dự báo tiếp tục thiếu hụt do giá năng lượng cao. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Với các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông…thị trường thép vẫn nhìn thấy những "điểm sáng" trong năm 2023.     

Theo Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga phân tích, năm nay Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với nguồn vốn rất lớn, tạo sức ép lên tốc độ giải ngân đầu tư công phải nhanh và quyết liệt hơn so với năm ngoái. Nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn đã và sẽ khởi công, giúp hoạt động xây dựng sôi động hơn. Điều này được kỳ vọng trở thành “liều thuốc” trợ lực cho thị trường vật liệu xây dựng “sáng cửa” hơn.

Như vậy, với những động thái tích cực, sự quan tâm từ Chính phủ, Bộ, ngành trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm gỡ khó cho các ngành nghề, trong đó có bất động sản, chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất… tăng trưởng kinh tế sẽ có khả năng cải thiện hơn trong các tháng cuối năm, từ đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng, trong đó có các sản phẩm thép sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có những chính sách đột phá hơn đối với thị trường bất động sản thì thị trường thép vẫn chưa thể bứt phá ngay, khả năng khó khăn vẫn kéo dài hết năm 2023 bởi nhu cầu sử dụng thép vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ cũng như các nước châu Âu được dự báo suy thoái kéo dài sang năm 2024; Chính trị thế giới bất ổn nên thị trường thép chưa thể mang lại hiệu quả như những năm trước đây.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải có định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực như: bám sát thị trường, dự báo cung - cầu để tận dụng cơ hội, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt và hiệu quả; áp dụng giải pháp khoa học công nghệ để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, quản trị tốt tồn kho, luân chuyển dòng tiền; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản trị tại các đơn vị lớn trong hệ thống;...

Hy vọng với những "điểm sáng" tích cực trên, cùng sự quan tâm chung tay vào cuộc của Chính phủ, Bộ, ngành… trong việc khai thông các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp ngành thép sẽ dần vượt qua những khó khăn thử thách, đạt được nhiều kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh và khẳng định vị thế ngành công nghiệp mũi nhọn trong việc đóng góp để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bình luận