Đối với kim loại cơ bản, hầu hết các mặt hàng đều giảm giá. Trong đó, giá đồng COMEX tiếp tục giảm 0,45% xuống 9.357 USD/tấn. Trong phiên trước, giá đồng COMEX cũng giảm 0,2% xuống mức 9.400 USD/tấn do triển vọng nguồn cung dư thừa trên thị trường.
Trong bối cảnh tiêu thụ vẫn còn trầm lắng, thị trường liên tục xuất hiện những tín hiệu lạc quan về nguồn cung, điều này đang làm gia tăng rủi ro dư cung trên thị trường, qua đó gây áp lực lên giá đồng.
Theo dự báo từ Hiệp hội Khai thác mỏ quốc gia Chile (Sonami), tổng sản lượng đồng của Chile, quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt 5,4 - 5,6 triệu tấn vào năm tới, tăng từ khoảng 5,2 triệu tấn ghi nhận vào năm ngoái. Số liệu trước đó cũng chỉ ra Chile đã tăng sản lượng đồng lên gần 489 nghìn tấn vào tháng 10, tương đương tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3% so với tháng trước.
Quặng sắt cũng là một trong những mặt hàng lao dốc nhiều nhất, với giá giảm hơn 20% tính đến tháng 11. Bởi quặng sắt là một trong những loại hàng hóa dễ bị tổn thương nhất trước rủi ro suy thoái của Trung Quốc, vì thị trường bất động sản của quốc gia này chiếm phần lớn nhu cầu thép.
Quặng sắt vẫn phụ thuộc vào các biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc. Với con đường phục hồi của Trung Quốc vẫn còn gập ghềnh, thị trường sẽ vẫn nhạy cảm với các chính sách của Trung Quốc và giá cả có khả năng vẫn biến động. Cho đến khi thị trường thấy dấu hiệu phục hồi bền vững và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, sẽ khó có thể thấy giá quặng sắt tăng cao trong dài hạn.
Sản lượng dồi dào từ 4 công ty khai thác quặng sắt lớn so với một năm trước đã gây áp lực giảm giá và cũng giúp duy trì lượng hàng tồn kho tại cảng ở Trung Quốc ở mức cao.
Tổng sản lượng quặng sắt từ bốn nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu - Vale, Rio Tinto, BHP và Fortescue - đạt 259 triệu tấn trong nửa đầu năm, tăng 1,4% so với nửa đầu năm 2023. Sản lượng trong quý 3 cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang năm 2025, các nhà sản xuất lớn đang tìm cách duy trì mức sản lượng của mình.
Lượng quặng sắt dự trữ tại cảng ở Trung Quốc tiếp tục tăng, trở lại trên 150 triệu tấn và đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào thời điểm này trong năm, cho thấy nguồn cung đường biển dồi dào. Lượng quặng sắt dự trữ tại cảng của Trung Quốc là một chỉ báo quan trọng phản ánh sự cân bằng cung cầu, cũng như lưới an toàn và sự mất cân bằng giữa nguồn cung quặng sắt và nhu cầu của nhà máy thép.
Lượng quặng sắt nhập khẩu cũng tăng, tăng 6% trong nửa đầu năm so với nửa đầu năm 2023. Vào tháng 10, Trung Quốc đã nhập khẩu 103,8 triệu tấn, duy trì ở mức trên 100 triệu tấn mỗi tháng trong tám trong số 10 tháng tính đến thời điểm hiện tại của năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu tăng trưởng của Trung Quốc có thể không đủ để hấp thụ lượng nhập khẩu thêm.
Do đó, triển vọng giá quặng sắt sẽ vẫn chịu áp lực vào năm 2025 trong bối cảnh triển vọng nhu cầu thép giảm, lượng hàng xuất khẩu mạnh liên tục và lượng quặng sắt tồn kho tại cảng tăng cao.
Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy giá quặng sắt trong tương lai và cán cân cung cầu sẽ phụ thuộc phần lớn vào triển vọng nhu cầu thép của nước này. Một động lực thúc đẩy hơn nữa cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhu cầu.
Tại thị trường nội địa, tình hình tiêu thụ thép xây dựng đang dần cải thiện. Giá sắt thép sau ghi nhận 06 lần điều chỉnh tăng liên tiếp kể từ giữa tháng 9 tới tháng 11 thì, hiện giá thép tại miền Bắc dao động ổn định quanh vùng giá 13,53 - 13,89 triệu đồng/tấn. Trong đó, giá thép cuộn CB240 biến động trong khoảng 13,53 - 13,58 triệu đồng/tấn, giá thép thanh vằn D10 CB300 ổn định quanh mức 13,64 - 13,89 triệu đồng/tấn, tương đương tăng khoảng 300.000 - 400.000 đồng/tấn so với mức giá hồi đầu tháng 10.
Các chuyên gia đánh giá, ngành thép Việt Nam đang có cơ hội tăng trưởng nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh, do giá than cốc và quặng sắt "dập dìu" trước nhu cầu tiêu thụ yếu ở Trung Quốc - thị trường top đầu về sản lượng tiêu thụ. Trong khi đó, giá thép nội địa có giảm nhưng chưa đáng kể.
Ngoài ra, giới phân tích kỳ vọng các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế và thúc đẩy nguồn cung, đồng thời việc Chính phủ đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông trọng điểm cuối năm cũng giúp tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng 12% so với cùng kỳ với giá trị khoảng 638.000 tỷ đồng khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới.