Theo công bố, lợi nhuận trước lãi suất, thuế, khấu hao và tổn thất giá trị (EBITDA) của ArcelorMittal đạt 1,96 tỷ USD, cao hơn so với dự báo trung bình trước đó là 1,81 tỷ USD, nhưng thấp hơn so với một năm trước.
Nhà sản xuất thép có trụ sở tại Luxembourg cho biết, tăng trưởng lợi nhuận trong quý chủ yếu được thúc đẩy nhờ kết quả cải thiện ở các khu vực Bắc Mỹ, Brazil, châu Âu, Ấn Độ và từ các liên doanh, qua đó bù đắp cho phân khúc khai thác đang mang lại lợi nhuận thấp hơn.
Ngành thép đang phải chống chọi với xu hướng hoạt động xây dựng yếu hơn ở châu Âu, cũng như các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, nước tiêu dùng và sản xuất kim loại hàng đầu thế giới. Tại Mỹ, việc tăng lãi suất cũng làm giảm nhu cầu.
Trước đó, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho biết, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% lên 1,793 tỷ tấn trong năm 2024, và tăng 1,2% lên 1,815 tỷ tấn trong năm 2025; và dự kiến Ấn Độ sẽ đóng vai trò chính trong tăng trưởng nhu cầu khi nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục giảm.
Ngoài ra, WSA cũng nhận định, sau hai năm sụt giảm và biến động thị trường nghiêm trọng sau đại dịch, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng ổn định trong năm 2024 và 2025.
Việc sử dụng thép tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu thế giới, đã giảm 3,3% trong năm 2023 và dự kiến sẽ ổn định trong năm 2024 trong bối cảnh đầu tư vào bất động sản giảm được bù đắp nhờ mức tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất. Nhưng WSA lại dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1% vào năm 2025, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh trong năm 2020.
Đối với Ấn Độ, kể từ năm 2021, quốc gia này đã nổi lên như là động lực mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng cho nên nhu cầu thép của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2024 và 2025.
Còn nhu cầu thép tại châu Âu, nơi đang đối mặt với lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2024, trước khi dự kiến tăng 5,3% vào năm 2025.
Đối với thị trường thép nội địa, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong số đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự báo tăng 12% lên gần 13 triệu tấn.
Ngành sắt thép của Việt Nam được dự báo là sẽ phục hồi có những tăng trưởng, kéo dài sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Vì vậy, sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 - 23 triệu tấn.
Được biết, ngành thép Việt Nam hiện đứng thứ 14 về xuất khẩu ra thế giới, với hơn 30 thị trường nhập khẩu thép Việt Nam; khoảng 25 - 30% sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam là sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 16% thị phần thép xuất khẩu vào thị trường này mỗi năm.
Ngoài ra, với dự báo nhu cầu thép toàn cầu tăng trưởng tích cực như trên sẽ là động lực cho ngành sản xuất sắt thép xây dựng trong nước đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.