Như Paris (Pháp) với dòng sông Seine thơ mộng, London (Anh) với sông Thames, Saint Petersburg (Nga) với dòng Neva huyền thoại, hay Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố, Châu Giang, đề tài bất tận của văn học Trung Hoa…
Việt Nam cũng thế, hầu hết các đô thị truyền thống ở nước ta đều nằm bên những dòng sông như ở phía Bắc, là các thành phố Lào Cai, Phú Thọ, Việt Trì, Hà Nội... gắn với sông Hồng; ở miền Trung là Đồng Hới - sông Nhật Lệ, Đông Hà - sông Thạch Hãn, Huế - sông Hương, Đà Nẵng - sông Hàn...; ở miền Nam có Sài Gòn - sông Sài Gòn, Biên Hòa - sông Đồng Nai... còn các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Long Xuyên... thì gắn liền với sông Tiền, sông Hậu. Và những cây cầu là cái gạch nối với hai bờ đô thị.
Vì thế, ở khía cạnh lịch sử, cây cầu là minh chứng sống động, chân thực về sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị đương thời. Ở góc độ văn hóa, cây cầu có hình dáng đẹp, độc đáo sẽ tô điểm cho cảnh quan kiến trúc và góp phần làm giàu thêm văn hóa đô thị. Còn với cư dân, cây cầu gắn liền với họ không chỉ trong hoạt động đi lại, giao thương, mà nó đã trở thành kỷ niệm, là ký ức của mỗi đời người. Chả thế mà, ông cha ta xưa khi yêu nhau đã “bắc cầu dải yếm”.
Còn thời nay, trai gái ở nhiều nước Á - Âu có trào lưu cứ đến ngày Valentine lại rủ nhau lên cầu thề thốt rồi bập vào lan can cầu hay một điểm nào đó dưới chân cầu một cái khóa tình yêu, còn chiếc chìa khóa duy nhất được vứt xuống dòng sông, như một lời thề lãng mạn cho tình yêu chung thủy (?!).
Người viết bài này còn nhớ, vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, khi còn ở bậc tiểu học, lũ trẻ hàng phố chúng tôi đã thuộc lòng bài thơ về cầu Long Biên và thường nghêu ngao đọc những câu thơ giản dị, dễ nhớ như đồng dao: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tầu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…”. Ngày đó, Hà Nội mới chỉ có mỗi cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối từ bến Bồ Đề (thuộc huyện Gia Lâm) với khu phố cổ Hoàn Kiếm.
Đây là cây cầu bằng thép, do kỹ sư lừng danh người Pháp Gustave Eiffel, tác giả của Tháp Eiffel (Paris) nổi tiếng thế giới thiết kế và được nhà thầu Daydé & Pille xây dựng với sự tham gia của 40 kỹ sư, đốc công người Pháp cùng hơn 3.000 thợ lao động Việt Nam làm việc ròng rã cực nhọc trong suốt 4 năm trời, kể từ lúc khởi công (ngày 12/9/1898) cho đến khi khánh thành (1902). Với chiều dài 2.290 m (không kể đường dẫn), gồm 19 nhịp bằng thép cao 13,5 m (đặt trên 20 trụ cầu lớn bằng bê tông), có hình dáng một con rồng uốn lượn. Cầu Long Biên khi ấy là một trong 4 cây cầu thép lớn nhất thế giới và là cây cầu đẹp, độc đáo nhất châu Á.
Cầu Nhật Tân
Có một điều đặc biệt, thời ấy, người Pháp mới đang bắt đầu quá trình xây dựng Hà Nội theo kiểu quy hoạch đô thị châu Âu, nước ta còn rất lạc hậu, chưa có điện, chưa có công nghiệp, rất ít công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, như Nhà hát Lớn, Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), vậy mà kiến trúc - cầu Long Biên lại rất hiện đại không hề ảnh hưởng một chi tiết nào của phong cách kiến trúc cổ điển ấy.
Trải qua hơn thế kỷ, mặc dù bị chiến tranh tàn phá, mang đầy thương tích, nhưng ngày nay cầu Long Biên vẫn sừng sững đứng đó, soi mình xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, không hề “cổ”, không hề “cũ”, vẫn mang tính thời đại với biểu tượng Rồng bay bất tử của Thăng Long - Hà Nội. Sự xuất hiện cầu Long Biên vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đã mở ra một thời kỳ mới của quá trình đô thị hóa Hà Nội lần thứ nhất, cũng như giao thương với các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của đất nước.
83 năm sau, Hà Nội có thêm hai cây cầu, đó là cầu Thăng Long và cầu Chương Dương. Cầu Thăng Long được thiết kế và xây dựng bởi sự giúp đỡ, viện trợ của Liên Xô. Cầu dài 3.250 m, gồm 2 tầng, rộng 21 m, mặt cầu bằng bê tông, có 25 nhịp cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn. Tầng 1 dành cho phương tiện thô sơ và đường sắt. Tầng 2 dành cho xe cơ giới, có hai làn đường dành cho người đi bộ.
Cầu Thăng Long khởi công xây dựng vào năm 1974, khánh thành vào ngày 09/5/1985 (kéo dài đúng 11 năm?!) nối sân bay Nội Bài với Thủ đô Hà Nội trên đại lộ Nam Thăng Long. Cầu Thăng Long hiện là cây cầu lớn nhất Thủ đô, từng được mệnh danh là cây cầu thế kỷ, và là biểu tượng một thời của tình hữu nghị Xô - Việt. Cầu Thăng Long khánh thành hơn một tháng, thì ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương cũng được thông tuyến và đưa vào sử dụng với kỳ tích chỉ sau 21 tháng thi công.
Cầu Thăng Long
Đây là cây cầu thép - bê tông đầu tiên hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam tự thiết kế và xây dựng, gắn liền với tên tuổi kỹ sư Bùi Danh Lưu nổi tiếng, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT. Cầu dài 1.230 m, gồm 21 nhịp (11 nhịp thép và 10 nhịp bê tông) với 2 làn xe ô tô và 2 làn cho xe máy. Cầu Chương Dương cách vị trí cầu Long Biên về phía Đông hơn 1 km, bắc qua sông Hồng, nối với Gia Lâm (nay là quận Long Biên) và QL1A, QL5.
Bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội đổi thay nhanh chóng theo hướng văn minh - hiện đại. Hà Nội có thêm cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn I), Thanh Trì, Vĩnh Thịnh, Văn Lang và đặc biệt là cầu Nhật Tân, một cây cầu dây văng hiện đại nối cửa ngõ quốc tế sân bay Nội Bài với trung tâm Thành phố, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Theo quy hoạch chiến lược phát triển hệ thống giao thông vận tải đến năm 2030 tầm nhìn 2050, ngoài 8 cây cầu đã xây dựng kể trên, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu nữa trong đó có cầu Trần Hưng Đạo đang được chủ đầu tư lập dự án, có hình thức kiến trúc cầu theo phong cách gọi là “xứ Đông Dương” (?) cách đây hơn thế kỷ nhưng lại được Hội đồng tuyển chọn, đã gây xôn xao dư luận và giới kiến trúc sư bởi những ý kiến phản ứng trái chiều.
Hà Nội là thành phố của cây xanh, mặt nước. Trải qua hơn ngàn năm hình thành và phát triển, thành phố này luôn gắn liền với sông Hồng. Hầu hết các con sông cổ và hồ đầm của Hà Nội còn sót lại đến hôm nay, như Hồ Gươm, Hồ Tây, sông Tô Lịch, Kim Ngưu… đều do sự biến đổi của sông Hồng tạo nên. Sông Hồng khởi nguồn từ phương Bắc xa xôi, ngàn vạn năm cần mẫn chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ và uốn lượn như dải lụa hồng bao bọc thành phố, tạo nên một đặc trưng cho cảnh quan đô thị Hà Nội.
Cầu Chương Dương
Nếu như ở thế kỷ trước, Hà Nội là thành phố ven sông, nhưng với quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, thì sông Hồng đã nằm trong lòng thành phố. Vì thế, việc xây dựng thêm 10 cây cầu hay hơn nữa nối hai bờ sông Hồng trong tương lai gần, là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông cho phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng bền vững, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hình thành diện mạo kiến trúc đô thị hai bờ của thành phố sông Hồng trên một đoạn dài 40 km chảy qua Hà Nội.
Và đó cũng là động lực thu hút các nhà đầu tư bất động sản và thúc đẩy hình thành các dự án khu đô thị mới khu vực phía Đông và phía Bắc sông Hồng, làm cho diện mạo kiến trúc đô thị Thủ đô thêm khang trang hiện đại và giàu bản sắc trong thời kỳ phát triển mới một cách bền vững.
Bây giờ, bên kia cầu Long Biên, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Nhật Tân không còn là những cánh đồng trồng ngô, trồng lúa hay làng xóm nghèo, mà thay vào đó là các dãy phố, khu đô thị mới của quận Long Biên sầm uất với hàng trăm tòa chung cư cao tầng, biệt thự kiến trúc hiện đại, tiện nghi dành cho người giàu cũng như người thu nhập thấp, như Vincom Village, Việt Hưng, Sài Đồng, Ecopark… các trung tâm thương mại, khách sạn, công sở, công trình thể thao - văn hóa… rồi các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng…
Ngày ngày hàng ngàn vạn người và phương tiện qua lại trên những cây cầu để vào ra thành phố. Những cây cầu không chỉ làm cho giao thông giữa hai bờ sông Hồng thuận tiện, mà nó còn làm cho giá đất và bất động sản ở Long Biên tăng chóng mặt. Và cũng nhờ thế mà cái nhìn khinh khỉnh cách biệt vốn có giữa người nội đô với kẻ ngoại thành bao đời nay giờ cũng nhẹ nhàng đi!
Cầu Đông Trù
Trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có nhiều cây cầu lớn được xây dựng, đó là hình ảnh lãng mạn của một Thủ đô hiện đại, văn hiến, văn minh trong thế kỷ 21. Mỗi cây cầu không chỉ có chức năng giao thông, mà còn là cổng chào trên sông, là tác phẩm kiến trúc cầu mang tính văn hóa, tính biểu tượng, phản ánh sự phát triển của một Thành phố được mệnh danh là thành phố vì Hòa bình, thành phố Sáng tạo.
Vì thế, việc thiết kế kiến trúc cầu không chỉ là công việc của các công trình sư cầu đường, mà rất cần có sự tham gia sáng tạo của kiến trúc sư và sự góp ý của cộng đồng xã hội. Để khi xây dựng lên, mỗi cây cầu sẽ là một bông hoa đẹp tô điểm cho cảnh quan kiến trúc đô thị hai bờ sông Hồng. Hình ảnh những cây cầu lớn được xây dựng bằng công nghệ mới, hiện đại, có vẻ đẹp độc đáo, mang đậm nét văn hóa soi bóng xuống dòng sông Hồng đỏ đậm phù sa, sẽ tạo ấn tượng lãng mạn biết bao cho du khách. Và khi ấy, Hà Nội sẽ đẹp dần lên bởi những cây cầu!
Nếu được như thế, thì một ngày nào đó, và ở nơi nào đó trên trái đất này, mỗi khi nhắc đến Hà Nội, người ta cũng sẽ nhớ đến cầu Long Biên hay cây cầu nào đó bắc qua sông Hồng của Hà Nội, như đã từng nhắc đến cầu Great Belt (Đan Mạch), cầu tháp qua sông Thames (của London - Anh), cầu cảng Sydney (Úc), cầu Millau (Pháp), hay cầu cổng Vàng nối liền giữa San Fransico và California của nước Mỹ…
Và khi ấy, không biết lũ trẻ thế hệ Y... của Thành phố ngàn năm tuổi này có còn nghêu ngao hát “Hà Nội có những cây cầu…” như chúng tôi ngày trước?