Khơi dòng nguồn lực
Ngày ngày đi làm qua Quốc lộ 13 trong mười năm qua, anh Trần Mạnh Đức (38 tuổi, trú tại TP Thủ Đức, TP.HCM) thấm thía cảnh khổ sở vì kẹt xe, khói bụi. Thế nên khi biết tin thành phố đã xác định thời gian khởi công dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 13 vào đúng dịp 30/4/2025, anh Đức khấp khởi mừng. “Nghe về dự án đã lâu mà chưa thấy triển khai, tôi vẫn luôn mong chờ một ngày con đường được nâng cấp, mở rộng để người dân đi lại thuận tiện”, anh Đức bày tỏ.
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 là một trong 61 công trình, chương trình, dự án mà TP.HCM thực hiện để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong số này, có rất nhiều dự án giao thông lớn được người dân mong chờ bấy lâu, như: dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành; dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ khởi công vào dịp 30/4/2025; các nút giao Mỹ Thủy, An Phú hoàn thành trong năm 2025; dự án mở rộng quốc lộ 50 hoàn thành và thông xe toàn bộ công trình trong năm 2025; dự án tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ khởi công xây dựng cầu vượt, cầu trong nút giao vào dịp 30/4/2025…
Song song đó, TP.HCM đang rất nỗ lực để giải bài toán nguồn lực đầu tư. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tới 672.000 tỷ đồng, mà ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 21%. Vì vậy, TP.HCM đã xây dựng Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030; xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030. Đặc biệt, TP.HCM cũng đang gấp rút hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM để khởi công vào dịp 30/4 tới.
Những công trình quy mô lớn, siêu hiện đại sẽ được khởi công hoặc hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất thống đất nước, gồm: Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng; Cung Văn hóa thiếu nhi TP.HCM; Nhà hát giao hưởng - nhạc, vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tại khu trường đua Phú Thọ...
Vượt khó, khẩn trương
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định, giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM kiên trì với mức tăng trưởng kinh tế - xã hội khoảng 9%. Như vậy, thành phố phải tiến hành hàng loạt nhiệm vụ, công việc để thực hiện được mục tiêu này.
TS Dư Phước Tân, chuyên gia về đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng, để thực hiện thành công chỉ tiêu tăng trưởng kể trên, TP.HCM cần đầu tư một cách đồng bộ các dự án, công trình tạo động lực mới; đầu tư các mô hình, chính sách mới và các không gian đô thị mới. Đặc biệt là cần bắt tay từng bước triển khai ngay Đề án đầu tư hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM đã được duyệt.
Thực tế, TP.HCM đang quyết tâm thực hiện những công trình, dự án mang khát vọng vươn lên. Chẳng hạn, về dự án đường sắt đô thị, bên cạnh tuyến metro số 1 đã thành hình và metro số 2 đang dần khởi động, TP.HCM đã chủ động xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khát vọng lớn nhất từ đề án này là TP.HCM phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành 183 km đường sắt đô thị, gồm 6 tuyến, 148 nhà ga, với số vốn đầu tư khoảng hơn 824.000 tỷ đồng. Về công cụ điều tiết bằng quy hoạch, TP.HCM sẽ hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đây là cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển đô thị, là công cụ quản lý, phát triển thành phố. Hay để kiến tạo, định hình lại không gian phát triển mới, TP.HCM đang nhanh chóng phát triển mới 1.000 ha đất khu công nghiệp. Đồng thời xây dựng hoàn thành Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp (Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu), hoàn thành trong năm 2024. Trước ngày 30/4/2025, TP.HCM cũng sẽ khởi công ít nhất một trung tâm logistics.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam), TP.HCM cần phát huy điểm mạnh tuyệt đối của mình thành động lực tăng trưởng mới. Đó là khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội. Bởi những năm 2021 - 2022, tỷ trọng đầu tư tư nhân trong GRDP của TP.HCM cao gấp 5 lần bình quân cả nước (TP.HCM là hơn 50%, trong khi cả nước là 10%).
Còn theo đánh giá của TS Trần Du Lịch (Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), việc sớm hoàn thành những công trình, dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển không gian và hạ tầng đô thị, không những mang lại nhiều hiệu quả, mà còn tạo nên một diện mạo mới cho TP.HCM, tạo nền tảng vững chắc để TP.HCM tiếp tục đi lên trên con đường phát triển.
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhiều công trình giao thông, dân sinh trọng điểm trong cả nước đã được hoàn thành hoặc đẩy nhanh tiến độ để sớm đi vào khai thác, phục vụ nhân dân.
Nguồn: Báo SGGP