Áp lực trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, đến năm 2030, ngành Xây dựng giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 13% tổng lượng giảm phát thải quốc gia theo mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030. Tuy nhiên, theo Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) năm 2022, lượng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của ngành Xây dựng cần phải cao hơn để đạt được mục tiêu cam kết tại COP26.
Hiện nay, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, sản xuất xi măng, thép và nhiệt điện sẽ tham gia thí điểm phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Bên cạnh đó, xi măng là một trong 4 mặt hàng của Việt Nam dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng chính thức từ ngày 01/01/2026.
Như vậy, dù là doanh nghiệp sản xuất xi măng phục vụ thị trường trong nước hay xuất khẩu, đều phải đứng trước áp lực lớn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Để làm rõ các nội dung liên quan cũng như các định hướng chính sách sắp tới của Chính phủ, Tạp chí Xây dựng tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon”. Chương trình hội thảo được gửi kèm theo.
Những định hướng chính sách sắp tới
Hội thảo được điều phối bởi TS Phan Hữu Duy Quốc - Uỷ viên Hội đồng khoa học Tạp chí xây dựng,.
Đáng chú ý, Hội thảo có sự tham gia thuyết trình của đại diện các cơ quan chuyên môn đến từ các Bộ: Xây dựng, Tài chính và Tài nguyên và Môi trường.
Các chuyên gia của Bộ Xây dựng sẽ có các nội dung thuyết trình về: Tổng quan ngành xi măng Việt Nam, mục tiêu phát triển ngành xi măng Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam giai đoạn 2031-2050; Dự thảo Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng…
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng giao đơn vị có năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính và Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm của ngành Xây dựng; Hằng năm, Vụ KHCN&MT sẽ chủ trì tổ chức các hoạt động tăng cường năng lực, hội thảo tập huấn cho các địa phương, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong ngành; các cơ sở sẽ phải tổ chức kiểm kê khí nhà kính và xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ, Báo cáo giảm nhẹ của cơ sở theo quy định…
Chuyên gia của Bộ TN&MT sẽ thuyết trình một số nội dung liên quan đến cam kết phát thải ròng bằng 0 và tác động tới cam kết quốc tế và tác động tới chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh, quy định hiện tại về giảm phát thải khí nhà kính, xu hướng thích ứng với tác động toàn cầu về chuyển đổi xanh; Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với CBAM, hiện trạng ứng phó với CBAM của doanh nghiệp Việt Nam, phương thức ứng phó với CBAM; và một số lưu ý đối với ngành xi măng…
Chuyên gia của Bộ Tài chính sẽ thuyết trình một số nội dung liên quan đến chủ trương, định hướng chuyển dịch xanh hướng tới net zero; Nguồn lực tài chính cho mục tiêu net zero; Xây dựng và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Và một số lưu ý đối với ngành xi măng.
Tạp chí Xây dựng trân trọng kính mời các tổ chức, cá nhân tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Ms Cao Thị Thanh Nga, số điện thoại/Zalo: 0966109397, địa chỉ email: webinartapchixaydung@gmail.com.