Càng ngày, con người càng thấy vai trò quan trọng của cây xanh trong đời sống nói chung và kiến trúc nói riêng. Cây xanh cho bóng mát, ngăn cản bụi, giúp không khí trong lành; cây xanh còn tạo vẻ đẹp và sự sinh động cho khuôn viên và ngôi nhà…
Từ xa xưa, theo phong thủy, con người cũng đã biết sử dụng cây xanh để tạo một môi trường hài hòa và sửa chữa những khiếm khuyết của một cuộc đất hay ngôi nhà để đem lại may mắn, sức khỏe và vận hội cho gia chủ.
Hóa giải những bất lợi
Khi có một căn nhà đối diện với nhà thờ (hay đền, chùa, bãi tha ma...) thì việc trồng một hàng cây phía trước để che chắn là rất quan trọng, chúng có tác dụng ngăn chặn tử khí hay luồng khí quá mạnh xộc thẳng vào nhà không có lợi cho sức khỏe của gia chủ.
Về mặt tâm lý, chúng có tác dụng là vật che khuất, ngăn cản tầm nhìn giúp cho người trong nhà không bị ám ảnh nặng nề về sự chết chóc hay suốt ngày chìm trong những suy tưởng về tôn giáo.
Đối với những ngôi nhà giáp đường lớn, hàng cây ngăn cách ngôi nhà và con đường có tác dụng che chắn giống như người gác cổng đứng canh giữ và bảo vệ cho tài sản trong nhà.
Chúng cũng có tác dụng ngăn tử khí, cản được ảnh hưởng của bệnh dịch bên ngoài đối với người trong nhà. Trong trường hợp này nên trồng những loại cây xanh tốt và trồng theo hàng với số cây là 3, 6 hoặc 9…
Nếu có cây khô héo, chứng tỏ khí ở trong nhà đang xuống. Cây tươi tốt là biểu hiện vận may của bạn đang đến. Còn nếu có một cây chết là điềm báo tin buồn, gia chủ có thể gặp cảnh khốn khó, tai nạn hay trong nhà có người chết, ít thì cũng là sức khỏe có vấn đề.
Cây cối và con người có những mối liên quan với nhau nhưng không đến mức cây cối là hình ảnh phản chiếu trung thành của con người.
Tuy nhiên cũng có một thực tế: Cây cối cần nước, không khí, ánh sáng và chất dinh dưỡng để phát triển, đồng thời chúng cũng hô hấp giống như con người.
Vì vậy, cây cối tươi tốt là biểu hiện của mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu, không khí trong lành, điều kiện môi trường cân bằng, hài hòa. Đó cũng là môi trường tốt cho cuộc sống của con người.
Còn cây khô héo hoặc chết có thể do già cỗi, sâu bệnh; nhưng nhiều khi là do đất cằn cỗi, môi trường (khí hậu, nước, ánh sáng) khắc nghiệt. Cũng không hiếm trường hợp là do trong đất, không khí hoặc mạch nước có độc tố.
Những yếu tố này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đối với cảnh quan, môi trường bên ngoài bất lợi cho người cư ngụ như nhà đối diện với bãi tha ma, đền chùa hay sát đường lớn, cây xanh giúp tạo cảnh quan, môi trường hài hòa, đồng thời ngăn cản sự ám ảnh của những yếu tố bất lợi.
Không chỉ đối diện với bãi tha ma, đền chùa… mà một ngôi nhà có con đường cong như hình cánh cung chĩa vào cửa hay đoạn ngõ từ con đường chính dẫn vào nhà theo hình thước thợ đâm thẳng cửa chính cũng đều không tốt.
Trong trường hợp này nên trồng cây ở đoạn đường cong để ngăn chặn tử khí, giảm bớt sự xung sát của luồng khí và lập lại thế cân bằng. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện địa thế cho phép, đất rộng hoặc không có nhà cửa án ngữ.
Đối với điều kiện ở đô thị đất đai chật hẹp, có thể trồng cây nhỏ ở hai bên cổng hoặc giàn dây leo trên cổng cũng tạo được sự hài hòa và hóa giải những bất lợi. Trong số những loại cây leo, dễ trồng nhất là cây hoa giấy.
Đây là loại cây dễ sống, phát triển nhanh, chịu được điều kiện khắc nghiệt lại có hoa đẹp. Đặc biệt, trời càng nắng nóng, khô hạn chúng càng ra nhiều hoa.
Cây cũng có thể giúp bù đắp thiếu sót của một ngôi nhà thiếu góc, cạnh (nhà xây theo hình thước thợ hoặc khuyết một góc nào đó).
Vị trí khuyết của ngôi nhà thuộc vào cung nào (có 8 cung chủ về các mặt: Quý nhân phù trợ, Con cái, Hôn nhân, Danh tiếng, Của cải, Gia đình, Kiến thức, Nghề nghiệp) sẽ gây bất lợi về lĩnh vực đó.
Ví dụ, như khuyết cung Quý nhân phù trợ thì người nhà sẽ khó tìm được người giúp đỡ khi hữu sự; hay khuyết cung của cải sẽ khó mà có tài lộc. Trong trường hợp này, việc trồng cây ở góc khuyết sẽ bù đắp được sự thiếu hụt, lập lại thế cân bằng cho ngôi nhà.
Những điều kiêng kỵ
Tuy nhiên, không phải lúc nào cây cũng đem lại sự tốt lành cho ngôi nhà. Nếu cây trồng quá gần cửa sổ lại là điều không tốt, gây ảnh hưởng xấu cho căn nhà. Cửa nói chung và cửa sổ nói riêng được ví như miệng, mắt của ngôi nhà, là nơi đón và lưu chuyển khí.
Vậy mà cây lại trồng áp sát, che chắn hết cửa sẽ ngăn cản vượng khí vào nhà. Nếu ánh sáng mặt trời không lọt được vào, nó sẽ làm cho ngôi nhà trở nên âm u, tù hãm, người nhà dễ bị ốm đau.
Lại nữa, không những cây có cành lá rậm rạp cản trở luồng khí vào nhà mà rễ cây trong lòng đất (âm) cũng đem đến cho ngôi nhà quá nhiều âm khí, gây ảnh hưởng xấu.
Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục bằng cách tỉa bớt cành lá làm cho cây bớt rậm rạp, không lấn át tầm nhìn qua cửa sổ, đồng thời tạo dáng mỹ thuật làm cho cây trở thành vật trang trí ngoại cảnh cho ngôi nhà thì lại có thể biến hung thành cát.
Phong thủy còn cho rằng, khi đốn cây chặt rễ cây có thể sẽ ảnh hưởng đến đời sống, như tứ chi hoặc răng của người nhà sẽ “có vấn đề”. Tuy nhiên, nếu bạn trồng một cây tầm xuân phủ lên rễ cây vừa chặt hạ thì lại hóa giải được điều xấu trên, chủ nhà sẽ không gặp vấn đề gì. Nhà phong thủy cũng khuyên khi chặt cây hãy trộn một ít bột chu sa với 99 giọt rượu trong chai mới mở nắp và vẩy nước này quanh cây sẽ hóa giải được những điều không hay.
Trồng cây quanh nhà sẽ tạo được cảnh quan và môi trường trong lành là điều nên làm. Một số điều phong thủy khuyên người ta nên tránh (như cây quá gần nhà, chắn cửa sổ hay cây khô héo...) cũng có cơ sở thực tế làm cho trong nhà được cân bằng, hài hòa về ánh sáng và không khí.
Còn một số “phép” chữa trị của phong thủy (như vẩy rượu quanh cây chặt hạ) còn mang nặng tính thần bí, có lẽ chủ yếu là giải tỏa về mặt tâm lý, tuy nhiên cũng không tốn kém hoặc phức tạp gì, vì vậy nếu có điều kiện thì nên làm nhưng không nên quá lệ thuộc vào những điều thần bí đó.