Những thách thức đương đại cho tính bền vững trong tiến trình đô thị hóa
Cảnh quan sinh thái bản địa là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng địa phương và nền kinh tế khu vực. Đặc biệt trong các khu vực đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng là thách thức bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Bài viết tìm hiểu đặc điểm, giá trị, thay đổi và thách thức đương đại của cảnh quan sinh thái bản địa tại khu vực Đông Nam bộ và vùng đô thị động lực: TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai.
Sinh thái cảnh quan là một hướng mới trong nghiên cứu cảnh quan học, xem xét môi trường hình thành của cảnh quan hiện đại, trong đó bao gồm cả cảnh quan nhân sinh và cảnh quan tự nhiên. Ở đây con người được bao hàm như một bộ phận hợp phần của cảnh quan dưới dạng các sản phẩm của hoạt động kinh tế, và là yếu tố ngoại cảnh hình thành cảnh quan”. Deconov (1990).
Trong bài viết này xin đề cập đến một khái niệm mới “cảnh quan sinh thái bản địa”.
Để hình dung ra ‘cảnh quan sinh thái bản địa’ và mối quan hệ của con người với môi trường, có thể xem hình minh họa của W. Tomásek[9], trong đó tất cả các bộ phận cấu thành của cảnh quan môi trường được liên kết với nhau và được chia làm 3 yếu tố: Yếu tố kỹ thuật: mọi thứ do con người tạo ra (các công trình xây dựng, đường phố, đường ống, kênh đào, các loại sản phẩm); Yếu tố sinh vật: mọi sinh vật (các cơ thể sống: thực vật và động vật); Yếu tố phi sinh vật: nước, đất, không khí, nhiệt, ánh sáng, bức xạ.
Từ hệ thống của Tomasek có thể thấy tầm quan trọng của các cảnh quan sinh thái bản địa trong phát triển bền vững. Cảnh quan sinh thái bản địa bao gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan văn hóa. Các khu vực này có thể hình dung như sau:
- Cảnh quan tự nhiên bao gồm cả các cảnh quan nguyên sinh, hoặc cảnh quan chưa bị tác động của con người và các cảnh quan bị tác động của con người chưa đủ sâu sắc (Sauer, 1925; Westhoff, 1970), có thể trở về trạng thái ban đầu và tự phát triển phù hợp với quy luật tự nhiên.
Cảnh quan rừng đặc dụng (vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…) có thể được xếp vào nhóm này. Các cảnh quan tự nhiên không chỉ có giá trị về mặt sinh thái (chẳng hạn bảo tồn nguồn gen, là nơi sống cho các quần xã động vật, chống xói mòn, cân bằng nguồn nước…) mà còn có giá trị về mặt thẩm mỹ, hoặc cung cấp các giá trị thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học.
Trong quy hoạch lãnh thổ, cảnh quan tự nhiên còn đóng vai trò là nơi cung cấp vốn sinh kế tự nhiên cho con người.
- Cảnh quan văn hóa được hình thành từ cảnh quan tự nhiên dưới sự tác động của các yếu tố văn hóa (Sauer, 1925). Cảnh quan văn hóa cung cấp nhiều dịch vụ có lợi cho con người: các dịch vụ về nơi ở, tài nguyên cho sản xuất, các giá trị về văn hóa, lịch sử, giải trí, khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế và cuộc sống của con người.
Các giá trị tích cực đó đòi hỏi phải được bảo tồn, khôi phục, duy trì và khai thác một cách có hiệu quả. Từ yêu cầu thực tiễn về bảo tồn, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của các cảnh quan văn hóa đã có tác động tích cực tới mục tiêu phát triển bền vững lãnh thổ[2].
Hai hệ thống cảnh quan tự nhiên và văn hóa được kết hợp tạo nên nền tảng phát triển riêng cho từng khu vực địa lý.
Liên quan tới hướng nghiên cứu phát triển bền vững cảnh quan, hiện nay đã có một số công trình tiêu biểu. Blaschke (2010) thực hiện một nghiên cứu về phân tích tiềm năng và nhu cầu chia sẻ nguồn tài nguyên nhằm khái quát hóa lý luận về “cảnh quan bền vững” theo cách tiếp cận không gian.
Đối với vấn đề quy hoạch cảnh quan định hướng phát triển bền vững có sự tham gia của cộng đồng, Valencia và cộng sự (2010) nhận định, các vấn đề môi trường và kinh tế xã hội đã trở thành những nhóm chủ đề chính được mô tả theo các đơn vị cảnh quan, là cơ sở cho quá trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Mục tiêu phát triển bền vững cảnh quan cũng coi quy hoạch là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi đánh giá tích hợp để mô tả đặc điểm cảnh quan. Gần đây nhất, Hermann và cộng sự (2014) cũng khẳng định điều này thông qua việc nhận định các chức năng cảnh quan văn hóa trong quy hoạch cảnh quan bền vững[3].
Trong nhiều hướng tiếp cận nghiên cứu phát triển bền vững cảnh quan, tiếp cận địa lý được tổng kết là một hướng tiếp cận hiệu quả dựa trên nền tảng các đơn vị địa tổng thể (geocomplex) và định hướng tổ chức không gian.
Một công trình nghiên cứu các cảnh quan đang đô thị hóa tại khu vực Bloomington (bang Indiana, Hoa Kỳ) đã được Munroe và cộng sự thực hiện vào năm 2005. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phân mảnh cảnh quan gây nhiều tác động bất lợi tới chức năng và khả năng cung cấp dịch vụ cảnh quan.
Nghiên cứu này đồng thời cũng chỉ ra mối quan hệ có tính chất thống kê giữa phân mảnh cảnh quan với những biến đổi về không gian, tự nhiên, kinh tế xã hội và sử dụng đất. Một nghiên cứu tương tự của Termorshuizen và Opdam (2009) cho thấy, dịch vụ cảnh quan nên được xem là đối tượng nghiên cứu của sinh thái cảnh quan về phát triển bền vững.
Theo các tác giả, nghiên cứu sinh thái cảnh quan nên tập trung vào 2 vấn đề: Giá trị cảnh quan với lợi ích ra quyết định phát triển cấp địa phương; dịch vụ cảnh quan có thể tích hợp vào phát triển cảnh quan đa chức năng.
Phương pháp đánh giá quy hoạch sử dụng đất và xác định khoảng cách giữa mục tiêu của quy hoạch và kết quả thực tiễn đã được Bourgoin (2012) cho thấy: dựa trên phân tích thực hiện quy hoạch đất đai trong quá khứ và hiện tại, tác giả đã nêu ra định hướng sử dụng cảnh quan và phương thức cư dân địa phương sử dụng đất đai[4].
Gần đây nhất, liên quan đến vấn đề quy hoạch cảnh quan nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của một khu vực cụ thể, nghiên cứu của Tassinari và cộng sự (2013) đã tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến quy hoạch không gian phục vụ phát triển bền vững và nâng cao chất lượng hệ thống định cư khu vực nông thôn.
Nghiên cứu cũng đề cập đến các chính sách quy hoạch đặc thù đối với vùng nông thôn, bao gồm quy hoạch cảnh quan, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch kinh tế và quy hoạch sử dụng đất[5].
a. Những đóng góp phát triển kinh tế
Tam giác phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai được xem là cửa ngõ đi vào khu vực kinh tế Đông Nam bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Trong bài viết này xin gọi tắt là vùng đô thị động lực hoặc một tên gọi khác là tam giác kinh tế trọng điểm.
Tam giác kinh tế trọng điểm bao gồm TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Cả 3 tỉnh thành trên đều thuộc vùng Đông Nam bộ, chiếm diện tích khiêm tốn so với cả nước, nhưng đóng góp của 3 địa phương này đối với quốc gia là rất lớn, mang tính quyết định đối với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
TP.HCM với lịch sử hơn 300 năm đã khẳng định vị trí hàng đầu, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế lớn nhất nhì cả nước. Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn trong vùng với trung tâm là TP Biên Hoà thu hút nhiều đầu tư vào các KCN tập trung lớn và quy mô. Bình Dương là một tỉnh năng động trong thu hút vốn nước ngoài cùng với tỉnh Đồng Nai. Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP Thủ Dầu Một), 1 đô thị loại II (TP Dĩ An)[1]...
TP.HCM cùng với Đồng Nai, Bình Dương hợp chung thành tam giác phát triển nhất cả nước. Khu tam giác này góp 48,6% trong ngân sách quốc gia.
b. Khái quát qua những giá trị nền tảng cảnh quan sinh thái bản địa đặc sắc của khu vực Đông Nam bộ và vùng đô thị động lực
Việt Nam là một quốc gia có giá trị đa dạng cảnh quan tự nhiên và văn hóa cao trên thế giới. Tính đa dạng cao này được thể hiện ở sự phân hóa lãnh thổ sâu sắc. Lãnh thổ Việt Nam được phân chia thành 7 vùng sinh thái cảnh quan trên đất liền và 6 vùng sinh thái cảnh quan trên biển [2]. Trong đó vùng Đông Nam bộ và đại diện là vùng đô thị động lực có những giá trị đặc trưng rõ nét sau:
Cảnh quan tự nhiên
Vùng tam giác trọng điểm nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía Nam của dãy Trường Sơn, nối Nam Trường Sơn với các tỉnh ĐBSCL, là khu vực bình nguyên có địa hình lượn sóng từ cao xuống thấp dần từ 10 - 15 m so với mặt biển, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam..
Vùng đô thị động lực có địa hình vùng đồng bằng và trung du với những núi sót rải rác, có xu hướng thấp dần theo hướng bắc nam, với địa hình tương đối bằng phẳng. Địa hình có thể chia làm các dạng là địa hình đồng bằng, địa hình trũng trên trầm tích đầm lầy biển, địa đồi lượn sóng, dạng địa hình núi thấp, đất phù sa, đất gley và đất cát có địa hình bằng phẳng, nhiều nơi trũng ngập nước quanh năm.
Trong tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm 49,1%, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 30,4%, diện tích đất chuyên dùng chiếm 13%, diện tích đất khu dân cư chiếm 2,1%, diện tích đất chưa sử dụng chiếm 5,4%.
Khí hậu khu vực là khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa tương phản nhau là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Khoảng kết thúc mùa mưa dao động từ đầu tháng 10 đến tháng 12.
Cảnh quan Văn hóa
Làng nghề truyền thống: Khu vực cũng chứa đựng các làng nghề truyền thống, như điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Lễ hội: Nhiều lễ hội dân gian đặc sắc được tổ chức diễn ra hàng năm như Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu hay còn được gọi là lễ hội chùa Bà, được diễn ra vào rằm tháng giêng mỗi năm; Lễ hội Miếu Ông Bổn (được diễn ra là vào mùa xuân là ngày 2 tháng Giêng âm lịch và vào mùa thu là ngày 4 tháng 7 âm lịch); Lễ hội Kỳ Yên…
Tôn giáo: Vùng động lực có sự đa dạng về các đặc trưng tôn giáo, tín ngưỡng. Theo thống kê, toàn khu vực có 13 tôn giáo khác nhau. Cư dân ban đầu mang theo tín ngưỡng thờ cúng gia tiên; song song đó là sự có mặt của Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo... dần dần đến các cuộc chiến tranh Việt Nam chống ngoại ban xâm lược thì sự du nhập các tôn giáo, tín ngưỡng theo sự di dân bắt đầu xuất hiện.
Công giáo ra đời và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay trên khu vực là sau cuộc di dân năm 1954. Rồi Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài... dần xuất hiện theo sự di cư của người dân. Hiện nay vùng đô thị động lực là một địa bàn đa tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo... Trong đó, Công giáo và Phật giáo là hai tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất.
Có thể nói vùng đô thị động lực chứa đựng những tài nguyên dồi dào về cảnh quan sinh thái bản địa với giá trị cao về tự nhiên và văn hóa đáng được quan tâm trong quá trình phát triển phục vụ kinh tế.
c. Quy hoạch phát triển vùng đô thị động lực
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 06/2011/QÐ-TTg. Theo đó, vùng đô thị động lực (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.
Quy hoạch nêu rõ, tại vùng này sẽ ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn.
Bên cạnh đó, hình thành vành đai công nghiệp - đô thị vùng, hạn chế phát triển thêm các KCN trong khu vực trung tâm TP.HCM. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và dô thị theo mô hình khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Quy hoạch hướng đến xây dựng TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai trở thành trung tâm động lực của vùng; đầu mối của hợp tác liên vùng và quốc tế; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của vùng và cả nước. Hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng ngoại vi xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP.HCM …
Trong quá trình phát triển và đô thị hóa, cảnh quan nông thôn và cảnh quan đô thị là những dạng điển hình của cảnh quan sinh thái bản địa, được hình thành bởi sự tác động của con người lên các cảnh quan tự nhiên, biến đổi cảnh quan tự nhiên cho phù hợp với mục tiêu phát triển của con người.
Do vậy khi quy hoạch phát triển yếu tố cảnh quan sinh thái bản địa cần được quan tâm đến như một khía cạnh hướng tới bền vững.
d. Những hệ lụy của phát triển
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng của vùng đô thị động lực, môi trường ở khu vực đang bị ô nhiễm trầm trọng. Từ kết quả quan trắc cho thấy nồng độ bụi lơ lửng của các KCN đang có xu hướng tăng dần.
Sự hình thành các khu đô thị, các KCN, cụm sản xuất cùng với quá trình khai thác khoáng sản với quy mô lớn đã làm biến đổi bề mặt địa hình của khu vực, làm mất đi những đường nét tự nhiên, gây nhiều tác động tiêu cực như thúc đẩy quá trình rửa trôi và xâm thực bào mòn các bề mặt tự nhiên.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng cao cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, cảnh quan và môi trường như vậy, cảnh quan sinh thái bản địa khu vực Đông Nam bộ và vùng đô thị động lực được hình thành bởi sự đa dạng của các nhân tố tự nhiên, nhưng đang gia tăng bởi tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc của các nhân tố nhân sinh.
Trong giai đoạn hiện nay, cảnh quan vùng đô thị động lực bị biến đổi chủ yếu do biến đổi sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất. Những tác động gây phá hủy cảnh quan tự nhiên (chuyển đổi sang đất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị...) cùng những hoạt động khai thác cảnh quan và sử dụng chưa hợp lý tài nguyên thiên nhiên (quy hoạch bất cập, cháy rừng, phát triển nóng...) làm cảnh quan bị biến đổi nhanh chóng.
Đồng thời, các tác động này làm phức tạp hóa bề mặt lãnh thổ và thay đổi các quá trình tự nhiên, tạo ra sự đa dạng cao về cấu trúc và chức năng cảnh quan. Các vấn đề này xảy ra ở quy mô địa phương, vùng trong khu vực Đông Nam bộ [6].
a. Những thách thức của phát triển thiếu quan tâm đến cảnh quan sinh thái bản địa
Tại Việt Nam, những khu vực có giá trị khoa học cao về đa dạng cảnh quan, đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học có thể xem xét đưa vào bảo tồn và nghiên cứu khai thác rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhanh trong thời gian gân đây, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với các tác động nghiêm trọng làm biến đổi cảnh quan như sau [7]: Nạn chặt phá rừng trái phép; Suy giảm tài nguyên đất đai nông nghiệp; Sử dụng tài nguyên nước không hợp lý; Khai thác quá mức tài nguyên thủy sản; Sử dụng không hợp lý tài nguyên khoáng sản; Mất mát tài nguyên di truyền; Ô nhiễm môi trường; Hủy hoại môi trường do hậu quả của chiến tranh và phát triển thiếu kiểm soát.
Từ những phân tích ở phần hai có thể thấy 4 thách thức lớn đối với phát triển bền vững gắn với cảnh quan sinh thái tại khu vực Đông Nam bộ và vùng đô thị động lực có thể liệt kê là: (1) Biến đổi cảnh quan do quy hoạch phát triển; (2) Bành trướng đô thị; (3) Xói mòn đất; (4) Mất đất nông nghiệp.
b. Một số kiến nghị về cảnh quan sinh thái bản địa cho vùng đô thị động lực
Trong định hướng quy hoạch phát triển vùng đô thị động lực đã nêu ở trên, để giữ gìn và phát huy được những giá trị cảnh quan sinh thái bản địa cần tuân thủ hai nguyên tắc căn bản sau: Sử dụng hợp lý và bảo vệ các giá trị tài nguyên của cảnh quan; Bảo vệ các giá trị đa dạng của cảnh quan.
Phân vùng chức năng và ưu tiên
Trong quy hoạch phát triển bền vững cần xác định chức năng của các đơn vị cảnh quan sinh thái tại vùng đô thị động lực. Để xác định chức năng của các đơn vị cảnh quan sinh thái bản địa tiêu biểu của khu vực Đông Nam bộ, có thể áp dụng hệ thống chỉ tiêu phân loại chức năng của Niemann (1977).
Hệ thống phân loại này gồm 3 cấp, được sử dụng phân tích cho cả cảnh quan sinh thái bản địa, trong đó quan tâm tới cả 3 khía cạnh của phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội.
- Cấp nhóm chức năng (chức năng bậc 1) gồm nhóm chức năng sản xuất (chức năng kinh tế).
- Cấp chức năng chính (các chức năng bậc 2): là sự phân chia chi tiết trong cấp nhóm chức năng. Tổng cộng có 8 chức năng chính được nêu ra trong hệ thống phân loại này liên quan đến chức năng môi trường.
- Cấp chức năng phụ (chức năng bậc 3): là sự phân chia chi tiết trong cấp chức năng chính liên quan đến các chức năng xã hội [4].
Trên cơ sở phân vùng chức năng cảnh quan sinh thái bản địa từ đó xây dựng không gian ưu tiên cho từng chức năng. Có 4 không gian cảnh quan ưu tiên như sau: (1) Không gian cảnh quan ưu tiên bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái; (2) Không gian cảnh quan ưu tiên xây dựng nông thôn mới với nền nông nghiệp hữu cơ và phát triển các loại hình du lịch; (3) Không gian cảnh quan ưu tiên phát triển đô thị và công nghiệp; (4) Không gian cảnh quan ưu tiên phát triển chuyên canh nông nghiệp và xây dung mô hình nông thôn mới.
Không gian cảnh quan sinh thái trong quy hoạch phát triển
Bởi nhiều lợi ích mà không gian cảnh quan sinh thái đem lại, quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái đã trở thành trọng tâm trong các kế hoạch và nghiên cứu phát triển đô thị. Tuy nhiên, để có thể quy hoạch hệ thống không gian cảnh quan sinh thái hoàn chỉnh, hợp lý cho đô thị, cần thiết giải quyết các nhiệm vụ chính sau:
- Định lượng chính xác nhu cầu về không gian cảnh quan sinh thái đô thị hiện tại và trong tương lai. Phương pháp định lượng không phải dựa trên các kinh nghiệm về tỷ trọng không gian cảnh quan sinh thái đô thị tại các nước tham chiều mà cần sử dụng phương pháp cân bằng, đánh giá vùng động lực thực sự cần bao nhiêu không gian cảnh quan sinh thái để cân bằng sinh thái.
Để làm được điều đó, cần thiết dự báo chính xác về dân số (bao gồm cả dự báo về lượng khách du lịch tăng thêm nếu không gian cảnh quan sinh thái được cải thiện). Diện tích không gian cảnh quan sinh thái cũng cần đủ để cân bằng lượng oxy - carbon, cân bằng nhu cầu tài nguyên nước trong đô thị. [6]
- Sau khi có định lượng về nhu cầu không gian cảnh quan sinh thái, cần xác định, phân cấp các thành phần trong không gian cảnh quan sinh thái đô thị.
- Trong điều kiện Việt Nam, thông thường, khối lượng không gian cảnh quan sinh thái hiện trạng sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do đó, việc nghiên cứu nhằm chọn lựa địa điểm phát triển không gian cảnh quan sinh thái mới cũng vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo các không gian cảnh quan sinh thái được phân bố rộng rãi, hợp lý, đảm bảo bán kính phục vụ cho người dân.
- Sau khi xác định đủ nhu cầu không gian cảnh quan sinh thái, phân bố không gian cảnh quan sinh thái hợp lý, cần thiết phải nghiên cứu hệ thống tuyến xanh để liên kết các không gian cảnh quan sinh thái nói trên để tạo nên vòng liên kết xanh (hệ sinh thái đô thị) hoàn chỉnh.
- Việc định lượng nhu cầu không gian cảnh quan sinh thái hợp lý, phân bố rộng khắp, kết nối hoàn chỉnh chưa thể đảm bảo phát triển không gian cảnh quan sinh thái đô thị. Cần thiết phải xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, với sự liên kết của nhiều thành phần như quản lý, chuyên môn, kinh tế...
- Phân cấp quản lý rõ ràng, tránh hiện tường chồng chéo trách nhiệm như hiện nay.
- Quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái xanh phải được xem là một phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Cần gắn thiết kế không gian cảnh quan sinh thái đô thị với công tác thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng đô thị. Các giải pháp quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái cần được xem xét kỹ hơn về yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị.
- Vùng đô thị động lực cần vận động toàn thể các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái, từ tham gia công tác quy hoạch, quản lý đến tự tay thực hiện trồng và bảo vệ cây xanh đô thị.
Việc kiểm soát phát triển và trọng số trong các chỉ tiêu sẽ khác nhau giữa các khu vực vì trong khi vành đai xanh và nêm xanh cần được kiểm soát phát triển chặt chẽ thì khu vực hành lang xanh Vùng đô thị động lực lại được phép phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn.
Đối với hệ thống không gian, công viên cây xanh hiện đang rất thiếu hiện nay của vùng đô thị động lực, cần cải tạo, bảo dưỡng để sử dụng hiệu quả các không gian cảnh quan sinh thái công cộng hiện trạng.
Đối với hệ thống sông hồ phần nào đó đã bị thu hẹp lại do các công trình bê tông hóa, chính vì vậy chúng ta cần có các biện pháp khôi phục hệ thống sông hồ, quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông tạo kết nối với không gian cảnh quan sinh thái.
Trước đây, khi điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, cảnh quan sinh thái bản địa chưa thật sự được trong qua trình phát triển đô thị. Tuy nhiên ngày nay, các khu vực định cư rất cần phát triển dựa trên nền tảng của cảnh quan sinh thái bản địa vì rất nhiều lợi ích mà nó đem lại: từ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái đô thị đến đơn giản là không gian kết nối giữa con người và môi trường, kết nối mọi người trong cộng đồng.
Hơn nữa, các nghiên cứu đã cho thấy những đóng góp thiết yếu và to lớn của cảnh quan sinh thái bản địa cho nền kinh tế đô thị. Chính vì vậy, đã đến lúc có nhận thức toàn diện về cảnh quan sinh thái bản địa, xem cảnh quan sinh thái bản địa như nền tảng cơ bản phát triển.
Cảnh quan sinh thái bản địa
Cảnh quan sinh thái bản địa với cách tiếp cận không gian và thời gian, tự nhiên - nhân sinh, có khả năng giải quyết tốt những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên nhằm tạo ra những nơi sống tốt cho các loài sinh vật và môi trường sống bền vững của con người.
Từ một góc nhìn khác, cảnh quan sinh thái bản địa chính là ADN để xác lập những đô thị hài hòa với thiên nhiên, cộng sinh với những thách thức để tồn tại tốt nhất và tạo nên những bản sắc và cá tính đô thị - một yếu tố vô cùng quan trọng trong thế giới phẳng hiện nay.
Chính cá tính và bản sắc sẽ giúp cho tạo điều kiện cho việc phát triển tốt nhất, thu hút du lịch, tạo sinh kế, công bằng giàu nghèo... thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững lâu dài. Những người bạn nước ngoài vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp những đô thị theo kiểu Địa Trung Hải ở vùng nhiệt đới hay những khu vườn Nhật - Hàn Quốc lạc lõng trong môi trường đô thị.
Sự hấp dẫn cũng chính là nền tảng cho sự phát triển lâu dài đó chính là yếu tố cảnh quan bản địa thể hiện được điều kiện tự nhiên, văn hóa địa phương... Những du khách cảm thấy thiếu hụt hay nói cách khác là thèm muốn được trải nghiệm những món ăn Việt trong những không gian kiến trúc - đô thị hay những những khu vườn đậm tính bản địa Việt Nam. Trong đó nét đẹp của con người Việt được tôn vinh và trân trọng.
Trong khung cảnh tự nhiên và xã hội của vùng đô thị động lực, các cảnh quan sinh thái bản địa được nhìn nhận ở khía cạnh tổng hợp, bao gồm nhiều hợp phần tác động với nhau, hàm chứa nơi sống của sinh vật và không gian, môi trường sống, sản xuất và sinh hoạt của con người.
Sự hiểu biết và quan tâm sinh thái cảnh quan bản địa ở các quy mô không gian khác nhau sẽ đảm bảo giải quyết được những vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài của khu vực Đông Nam Bộ nói chung và vùng đô thị động lực nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra - TS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1.
2. Chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan Văn hóa Huế hướng đến bảo tồn "Di sản cộng đồng" - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) và Viện Nghiên cứu Quy hoạch - Đại học Waseda, Nhật Bản (WIURS) giai đoạn 2014 - 2018.
3. Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững - Phan Thị Anh Đào, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH; Lê Trọng Cúc, Hoàng Văn Thắng, Viện TN&MT, Đại học Quốc gia Hà Nội - Tạp chí Môi trường số 2/2017.
4. Từ cảnh quan thiên nhiên đền địa lý nhân văn - Mai Anh Tuấn, 2020.
5. Cảnh quan di sản văn hóa trong vùng đô thị hóa - Phạm Thị Trâm - NXB Khoa học Xã hội.
6. Tạo dựng đô thị xanh ven biển Việt Nam góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển bền vững - Hoàng Mạnh Nguyên - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 2020.
7. Sinh thái cảnh quan - Lý luận và ứng dụng thực tiễn trong môi trường nhiệt đới gió mùa - Nguyễn An Thịnh - NXB Khoa học và Kỹ thuật.
8. Mô hình đô thị nén bền vững và thách thức trong phát triển nhà cao tầng tại Việt Nam - Hoàng Mạnh Nguyên - Tạp chí Quy hoạch Việt Nam, 2019.
9. Thiết kế tích hợp bền vững - Jon Kristinsson, 2012.
10. Hội thảo “Môi trường sống Xanh đô thị” - Tuần lễ kiến trúc xanh 2018 - Viện Đô thị xanh Việt Nam.