Tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất
Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập. Tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch: Nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia (mức độ thể hiện các dự án đầu tư trong quy hoạch tổng thể quốc gia); Khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ ràng về nội hàm, khó triển khai trong thực tiễn vì chưa thống nhất nhận thức; Trình tự lập quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên, trình tự phê duyệt quy hoạch; Việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn do thiếu căn cứ, quan hệ giữa các quy hoạch ngang cấp; Mức độ chi tiết của quy hoạch tỉnh, đã gây ra sự lúng túng, mất nhiều thời gian xử lý, làm chậm tiến độ xây dựng các quy hoạch.
Điều 5 Luật Quy hoạch quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, không có quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi đó, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành lại được giải thích cụ thể tại khoản 9 Điều 3 và quy định danh mục tại Phụ lục 2 dẫn đến sự mâu thuẫn, chưa thống nhất về quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Bên cạnh đó, danh mục quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của Bộ, ngành. Có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý; có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung giao thoa với nội dung quy hoạch ngành quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật dẫn đến khó khăn trong quá trình tra cứu và áp dụng pháp luật.

Điều 54 Luật Quy hoạch quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh các quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch mới. Tuy nhiên, đối với các điều chỉnh có phạm vi, quy mô nhỏ trong quá trình triển khai dự án thì việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là khó tránh khỏi nếu thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại các Điều 51, 52, 53 và Điều 54 Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, kinh phí trong hoạt động quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công, thủ tục phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động quy hoạch, đặc biệt là với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Luật Quy hoạch chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác, nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập. Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ ban hành chậm 14 tháng so với quy định dẫn đến các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng được ban hành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động quy hoạch.
Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí tổ chức phiên họp của Hội đồng thẩm định nên việc vận dụng Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng dự toán chi phí các phiên họp của Hội đồng thẩm định là chưa phù hợp.
Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí thuê tư vấn phản biện độc lập. Chưa ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính để lập quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Quy hoạch.
Chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, chuyên ngành về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật theo quy định tại khoản 8 Điều 21 Luật Quy hoạch.
Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng dẫn đến sự thiếu đồng bộ về nội dung của các loại quy hoạch này trên cùng một đơn vị lãnh thổ. Trong khi đây là những quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Quy hoạch chung đô thị được lập theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch tỉnh được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Quy hoạch có những nội dung sự trùng lặp khiến các thành phố trực thuộc Trung ương gặp khó khăn khi phải lập cả 2 loại quy hoạch nói trên, đồng thời gây lãng phí và bất hợp lý.
Một số quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung.
Một số Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thẩm quyền, chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, thêm thủ tục, trình tự hoặc thêm nội dung ngoài Luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch.
Hội đồng thẩm định chưa bảo đảm tính đại diện của các Bộ
Lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh nhiều quy hoạch các cấp được lập đồng thời với phương pháp, cách tiếp cận mới. Một đơn vị tư vấn tham gia lập đồng thời nhiều quy hoạch có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng. Trong tổng số 110 đơn vị tư vấn đã ký hợp đồng tư vấn lập quy hoạch cho các Bộ, ngành, địa phương, có một số đơn vị tư vấn đồng thời tư vấn cho nhiều quy hoạch.
Việc lựa chọn tư vấn còn gặp khó khăn do thủ tục đấu thầu phức tạp. Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ không được tham dự thầu lập quy hoạch ngành do chính các Bộ đó chủ trì, mặc dù các đơn vị tư vấn này am hiểu rõ nhất về các ngành, lĩnh vực đó; cũng theo quy định, đơn vị thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch không được thực hiện lập quy hoạch cũng gây khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn.
Từ nay đến cuối năm 2022 thời gian không còn nhiều, số lượng quy hoạch dự kiến được trình Hội đồng thẩm định rất lớn có thể dẫn đến tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định. Quy định về thành viên Hội đồng thẩm định chưa bảo đảm tính đại diện của các bộ, cơ quan tham gia, việc bố trí thời gian hợp lý cho công tác thẩm định hồ sơ quy hoạch còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các quy hoạch được ban hành; mối quan hệ giữa cấp thẩm định và cấp phê duyệt chưa hợp lý. Thời gian thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch kéo dài.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia chưa được hoàn thiện, chậm được cập nhật dẫn đến khó khăn cho tiếp cận thông tin, dữ liệu về quy hoạch. Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương cũng còn hạn chế.
Có nhiều bất cập trong quá trình thực thi liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Việc thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước còn bất cập do các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành chưa được ban hành đầy đủ. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.