Ninh Bình đề xuất cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường

08:56 30/01/2024
UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, do công suất khai thác các mỏ hiện tại không đủ đáp ứng cho các dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn.

UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các BQLDA của tỉnh, UBND các huyện, thành phố kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá VLXD (hàng quý hoặc sớm hơn nếu cần thiết), đơn giá nhân công xây dựng (hàng năm hoặc sớm hơn nếu cần thiết) đảm bảo đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành định mức đặc thù tại địa phương có công nghệ thi công, điều kiện thi công, VLXD mới hoặc chưa có trong định mức hiện hành. 

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh, chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để quy hoạch, cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp đảm bảo đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án giao thông trọng điểm, trọng tâm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các BQLDA của tỉnh, chủ đầu tư các dự án và các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá kỹ hồ sơ khảo sát VLXD; đảm bảo đủ nguồn, công suất khai thác và chất lượng vật liệu theo quy định cung cấp cho dự án.

Các Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ; tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến trồng rừng thay thế, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa.

Hai dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là Dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn được đề xuất nguồn vốn dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, được phép giải ngân đến hết năm 2025.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 14 mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp đã được cấp giấy phép khai thác, với tổng trữ lượng khai thác còn lại khoảng 39,1 triệu m3. Các mỏ này đều nằm rải rác trên địa bàn các huyện Nho Quan, Yên Mô và TP Tam Điệp.

Công suất khai thác các mỏ hiện tại khoảng 3,39 triệu m3/năm, không đủ đáp ứng khối lượng và tiến độ cung cấp vật liệu theo yêu cầu của các dự án đường bộ cao tốc nêu trên.

Vì vậy, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội để được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.

Bình luận