Ninh Bình sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ

06:48 03/04/2025
Trên nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Ngày 28/02/2025 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. 

Danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: INT

Đến năm 2035, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương  

Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ, một giao điểm trọng yếu có vai trò kết nối giữa vùng Bắc Trung Bộ với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng, giữa vùng Tây Bắc với phía Nam hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt vào thế kỷ thứ X, sở hữu di sản lịch sử - văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, chứa đựng những giá trị độc đáo, chồng xếp nhiều tầng văn hóa kéo dài hàng thiên niên kỷ, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng.

Vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, nguồn lực nhân văn của Ninh Bình chứa đựng những giá trị độc đáo, tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Tuy nhiên, Nghị quyết nêu rõ, tỉnh Ninh Bình còn thiếu tầm nhìn phát triển đô thị; chưa xác định được phương thức phát triển đô thị phù hợp, bảo đảm phát huy cao nhất những tiềm năng khác biệt, giá trị độc đáo, lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời còn lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa trên nền đô thị di sản Cố đô với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp, giữa đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, còn tình trạng đô thị hóa tự phát, quản lý đô thị thiếu bài bản, chưa bám sát các tiêu chí phát triển đô thị di sản, đô thị cảnh quan văn hóa, đô thị sinh thái…

Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Đồng thời là thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa - giải trí của vùng, quốc gia, hội nhập quốc tế, cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn; một trung tâm quan trọng của đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm đổi mới sáng tạo, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng Sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển.  

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị, đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; trong đó, toàn tỉnh có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP Hoa Lư), 1 đô thị loại II (TPTam Điệp), 5 đô thị loại IV (các huyện: Gia Viễn, Kim Sơn, Nho Quan và các thị trấn mở rộng: Yên Ninh, Yên Thịnh); 10 đô thị loại V.

Phấn đấu trước năm 2030 hình thành các thị xã Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 75%; hoàn thành và đưa vào khai thác 01 đến 03 khu đô thị chức năng hiện đại, mang đậm bản sắc đô thị di sản; hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng ít nhất 3.100 căn nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 90%; 100% số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Cũng theo Nghị quyết, Ninh Bình phấn đấu trước năm 2035, đạt tiêu chí đô thị loại I; trong đó, toàn tỉnh có 1 thành phố (Hoa Lư), 1 quận (Tam Điệp), 3 thị xã (Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn) và 2 huyện (Yên Mô, Yên Khánh).

Đến năm 2035, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Xây dựng và phát huy đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo

Trên nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, để phát huy những tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng đất Cố đô Hoa Lư, Nghị quyết nêu rõ, cần phải có nhận thức và chủ trương mới về phát triển đô thị và nông thôn được đặt trong tầm nhìn đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, với các giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Thứ hai, quy hoạch, phân bố và tổ chức không gian phát triển thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Trong đó, rổ chức lập đồng bộ các quy hoạch, tăng cường quản lý và thực hiện theo quy hoạch. Phát triển nông thôn - đô thị hòa hợp, lấy đô thị làm động lực cho xây dựng nông thôn mới, lấy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu làm cơ sở kiến tạo đô thị cảnh quan văn hoá, hình thành những “bảo tàng sống” nông nghiệp-nông thôn, tạo nên những không gian “xanh” chuyển tiếp giữa các đô thị. Đồng thời mở rộng mạng lưới đô thị hợp lý trên nền tảng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối. Lấy đô thị di sản trung tâm làm động lực, lấy đô thị vệ tinh hỗ trợ, đóng vai trò “giải nén” cho đô thị di sản.

Cùng với đó, tổ chức lãnh thổ đô thị tỉnh Ninh Bình bám sát đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Kết hợp giữa tính hiện đại và khẳng định bản sắc địa phương trong tổ chức không gian và thiết kế kiến trúc đô thị, tạo nên các điểm nhấn nghệ thuật thị giác mang phong cách đô thị cảnh quan văn hóa. Phát huy giá trị truyền thống nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ trong xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, thể hiện trong kiến trúc - cảnh quan, văn hóa sản xuất, văn hóa sinh hoạt.

Ngoài ra, tổ chức không gian phát triển thành phố trực thuộc Trung ương với khu vực đô thị trung tâm - TP Hoa Lư đóng vai trò hạt nhân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị hiện đại với kiến tạo đô thị cảnh quan văn hóa, lấy ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá, lấy phục hồi, bảo tồn di sản làm giá trị cốt lõi…

Thứ ba, phát triển kinh tế xanh, sáng tạo, hiện đại; xác lập vị thế, vai trò một thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành quan trọng của vùng, đất nước và hội nhập quốc tế trên những lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thứ tư, phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn của thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, thông minh, kết nối liên vùng.

Thứ năm, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kiến trúc - cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái, kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa.

Thứ sáu, tái tổ chức cộng đồng quần cư đô thị và nông thôn gắn với phát triển hệ sinh thái dân sinh.

Thứ bảy, xây dựng văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu địa phương.

Thứ tám, củng cố địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia sâu rộng vào mạng lưới đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Thứ chín, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, hội nghề nghiệp.

Về không gian phát triển, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là TP Hoa Lư (sau khi hợp nhất TP Ninh Bình với huyện Hoa Lư) và TP Tam Điệp; 3 hành lang phát triển gắn với các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm, trọng tâm của quốc gia và của tỉnh cùng với hành lang ven biển phát triển theo trục kết nối vùng duyên hải Việt Nam.

Về quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, tỉnh Ninh Bình thực hiện hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành đơn vị hành chính mới là đô thị loại I.

Đồng thời định hướng phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỉ lệ đô thị hoá với định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.

Bình luận