Nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu

14:25 03/06/2025
“Chống ô nhiễm nhựa” là chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là cảnh báo cấp bách toàn cầu. Bởi ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất và đe dọa tới môi trường sống trên trái đất.

Vì nền kinh tế xanh - tuần hoàn và phát triển bền vững

Chia sẻ tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Môi trường Thế giới” và “Tháng hành động vì Môi trường năm 2025”, Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Công Thành cho biết, năm nay, Ngày Môi trường Thế giới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa”. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là cảnh báo cấp bách toàn cầu.

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với môi trường sống. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là sản phẩm sử dụng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải.

"Riêng tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm, thế nhưng trong đó chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiềm ẩn tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng dân cư", Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, và khẳng định: “Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chiến chống rác thải nhựa này”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ tại buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2025.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế, như: Hội nghị Thượng đỉnh G7, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Hội nghị Môi trường Thế giới…

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên thành lập và đi vào hoạt động Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ khi tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa nhằm xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và đặc biệt là hàng loạt chính sách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa như những quy định về EPR, về phân loại, thu gom, tái chế rác thải...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng thẳng thắn thừa nhận: “Bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng không thể phủ nhận nhiều thách thức tồn tại trong quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ NN&MT hy vọng, thông qua Tháng hành động vì Môi trường sẽ tiếp tục lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về các mô hình tốt trong quản lý, tái chế chất thải nhựa; biến thách thức về chất thải nhựa thành cơ hội, động lực cho Việt Nam triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức với việc ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa.

Đồng thời, mong muốn toàn thể các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, mỗi người dân hãy cùng hành động, không thờ ơ trước ô nhiễm nhựa, mà chủ động kiến tạo lối sống xanh, bảo vệ môi trường - vì môi trường hôm nay và phát triển bền vững cho mai sau.

Thực hiện cam kết lớn phải bắt đầu từ hành động nhỏ

Thông tin tại Lễ mít tinh cho biết, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương… đã có những sáng kiến đáng ghi nhận như “chợ dân sinh xanh”, “đô thị không rác thải nhựa”, “phân loại rác tại nguồn”. Nhiều doanh nghiệp cũng đang thực hiện chuyển đổi sang vật liệu sinh học, bao bì tái chế, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất.

Riêng tại Quảng Ninh, các chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” và “Cô Tô không nhựa” đã đạt tỷ lệ chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trên 98%, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ hệ sinh thái biển.

Rác thải nhựa đang đe dọa tới môi trường sống toàn cầu. Ảnh: INT

Bà Trần Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã Green Life Hạ Long chia sẻ ý tưởng biến rác thải thành tài nguyên, biến thói quen tiêu dùng thành hành động xanh, và biến mỗi cư dân trở thành một phần của giải pháp.

Ý tưởng này được đúc rút từ kinh nghiệm trong quá trình thu gom rác thải nhựa, ủ từng nắm phân compost của Green Life Hạ Long và điều này đã xây dựng được một mạng lưới liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng cư dân cùng thực hiện tái chế - tái sử dụng - tái sinh.

Bà Trần Thị Hương cho biết, mỗi sản phẩm của Green Life Hạ Long làm ra là một cuộc tái sinh. Hành trình ấy bắt đầu từ 3 bước tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi rất nhiều công sức, tỉ mỉ và tâm huyết.

Trước hết là hoạt động thu gom các loại rác thải sinh hoạt (túi ni lông, chai nhựa, vải vụn, banner PVC, chai thủy tinh...) từ các khu dân cư, chợ dân sinh, trường học, nhà máy...

Bước tiếp theo là phân loại và làm sạch. Rác được phân chia theo chất liệu, cắt nhỏ, giặt sạch, loại bỏ bụi bẩn và hóa chất. 

Cuối cùng là giai đoạn tái chế và tái sinh. Những mảnh vải lớn được may thành quần áo. Mảnh vừa thành túi xách, ví, đồ trang trí. Mảnh nhỏ hơn nữa biến thành dây buộc tóc, túi đựng mắt kính, thảm lau chân. Đối với chất liệu PVC thì được làm thành giỏ đựng, bao bì tái sử dụng, bảng tên sản phẩm…

Để có thể đạt được những cam kết lớn về môi trường, bà Trần Thị Hương kỳ vọng và cam kết sẽ mở rộng mô hình thu gom và xử lý rác theo chuỗi, kết hợp với du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, trường học, tổ chức xã hội để phát triển sản phẩm “xanh” - không chỉ sạch trong chất liệu mà sạch trong cả hành trình sống. "Từ đó, lan tỏa thông điệp “Không ai là quá nhỏ để tạo ra khác biệt” - để mỗi người dân, dù là cụ già hay em nhỏ, đều thấy mình là một phần quan trọng trong hành trình bảo vệ trái đất", bà Trần Thị Hương chia sẻ.

Nhằm thúc đẩy sự tham gia sâu rộng của các tầng lớp xã hội, Bộ NN&MT đã phát động Chiến dịch “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”, với 6 nội dung trọng tâm: Tổ chức “Ngày không nhựa dùng một lần” tại công sở, trường học, siêu thị, chợ…; Phát động phong trào phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế rác nhựa ở các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp; Nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế sử dụng nhựa trong sản xuất; Đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông số để nâng cao nhận thức cộng đồng, cổ vũ hành động thiết thực; Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế rác nhựa, sản xuất vật liệu thay thế thân thiện môi trường; Kịp thời khen thưởng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác phòng chống ô nhiễm nhựa.

Bình luận