Hội thảo do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức GIZ đồng chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có những thành công trong nỗ lực xây dựng hệ thống đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) hướng đến phát triển bền vững.
Nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch được thực thi tại các đô thị nhằm giúp các đô thị giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như: Xây dựng các công trình dự báo, cảnh báo mưa lũ, hệ thống thoát nước, công trình chống ngập vào mùa mưa. Nhất là, đẩy mạnh việc trồng cây xanh, sử dụng vật liệu xây dựng có khả năng phản xạ nhiệt cao và giảm lượng nhiệt hấp thụ trong đô thị, sử dụng công nghệ để kiểm soát mực nước, kiểm soát ô nhiễm không khí, kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị.
Tuy nhiên, TS Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, diễn biến bất thường đòi hỏi cần có sự thay đổi để thích ứng với những biến đổi khó lường của thời tiết.
“Những thay đổi này phải bắt đầu từ nhận thức của cộng đồng. Bắt đầu từ việc tổ chức quy hoạch đô thị, lựa chọn khu vực xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu bằng vật liệu và công nghệ mới. Đồng thời, tổ chức quản lý sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng giao thông xanh và bền vững, quản lý rủi ro thiên tai và hệ thống cảnh báo sớm, khuyến khích cộng đồng tham gia và nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý đô thị và xây dựng chính sách và khung pháp lý hỗ trợ hợp lý” - TS Đặng Việt Dũng chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm về việc áp dụng mô hình thành phố bọt biển trong phát triển đô thị, TS Jonathan Parkinson - Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng mô hình thành phố bọt biển (Dự án thích ứng với BĐKH vùng ĐBSLC - Tổ chức GIZ) nhấn mạnh một số lợi ích của thành phố bọt biển trong phát triển đô thị như: Khả năng chống chịu ngập lụt (Kiểm soát dòng chảy để quản lý rủi ro ngập lụt và duy trì chu trình nước tự nhiên); Xanh hóa đô thị (Tạo và duy trì môi trường sống tốt hơn cho người dân trong các thành phố); Đa dạng sinh học và phát triển ít carbon, giảm ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; An ninh nguồn nước (Tái sử dụng nước mưa, giảm nhu cầu nước và bổ sung nước ngầm).
Bên cạnh đó, chỉ rõ tầm quan trọng của khung chính sách về đô thị xanh, thích ứng, bao gồm: Chiến lược và chính sách quốc gia và uy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và hạ tầng thoát nước đô thị; Hệ thống thoát nước đô thị bền vững; Sử dụng đất trong quy hoạch theo các nhóm chức năng... trong phát triển đô thị thích ứng với BĐKH.
Lấy ví dụ cụ thể về thiết kế mô hình thoát nước mưa đô thị bền vững và phương pháp đánh giá, thiết kế và tính toán chi phí, TS Jonathan Parkinson chỉ rõ tầm quan trọng trong việc ưu tiên phát triển mô hình thành phố bọt biển hiện nay. Liên hệ với thực tế, Việt Nam, TS Jonathan Parkinson cho rằng, cần ưu tiên việc sử dụng đất đã xác định mục đích trong quy hoạch để chống ngập (ao, hồ) và không gian xanh (công viên); Chứng minh các lợi ích liên quan đến xây dựng “thành phố xanh”.
Bên cạnh đó, áp dụng mô hình thoát nước đô thị bền vững là đưa ra các giải pháp hiệu quả về chi phí trong quản lý nước mưa, mang lại giá trị về sinh thái và tiện nghi cho người dân.
Mặt khác, ưu tiên thiết kế và xây dựng mạng lưới thoát nước lồng ghép các giải pháp xanh và xám, tối ưu hóa khả năng chứa nước có sự kiểm soát đầu nguồn và cuối nguồn.
Đặc biệt, tăng cường thu gom nước mưa để sử dụng cho các mục đích không yêu cầu cao về chất lượng nước như xả toilet, vệ sinh, tưới cây, tưới tiêu.
Theo TS Jonathan Parkinson, mô hình thành phố bọt biển có nhiều tiềm năng góp phần giảm thiểu rủi ro ngập úng và cải thiện quản lý nguồn nước tại ĐBSCL.
“Mặc dù phát triển đô thị có nhiều thách thức và phức tạp, Việt Nam đã có nhiều chính sách, công cụ pháp luật và tiêu chuẩn tạo điều kiện cho việc áp dụng. Yếu tố tạo nên thành công là lồng ghép mô hình thành phố bọt biển trong quy hoạch đô thị và xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững để thu hút nguồn tài chính cho triển khai thực hiện” - TS Jonathan Parkinson lưu ý.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã thẳng thắn chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phát triển công trình xanh thích ứng với BĐKH; Đô thị thích ứng với BĐKH và lồng ghép thích ứng BĐKH trong quy hoạch đô thị; Phương án tài trợ bổ sung cho các dự án thoát nước đô thị bền vững thích ứng với BĐKH...
Theo TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, những ý kiến nêu ra tại Hội thảo sẽ có những đóng góp nhất định giúp Bộ, ngành và các địa phương định hướng chính sách hướng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững được nêu trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.