Nội thất Việt: Bước đầu kiến tạo và định hình xu hướng

15:28 03/06/2025
Sự kiện công bố ra mắt dự án Trend 26+ vào ngày 23/5/2025 không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu và dự báo xu hướng nội thất, mà còn mở ra một hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp nội thất Việt trong hành trình xây dựng thương hiệu dựa trên bản sắc riêng.

Từ những thách thức…

Dù là một quốc gia có bề dày văn hóa và nghề thủ công truyền thống phong phú, thị trường nội thất kiến trúc Việt Nam vẫn đang đối diện với những áp lực không nhỏ từ làn sóng toàn cầu hóa và các trào lưu ngoại nhập. Thiết kế mang hơi thở phương Tây, phong cách Tân cổ điển kiểu Ý hay những mô hình “lâu đài châu Âu” vẫn đang len lỏi vào từng không gian sống người Việt - đẹp nhưng xa lạ, hào nhoáng nhưng không bền vững, mang tính thẩm mỹ nhất thời nhưng thiếu chiều sâu văn hóa.

Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nội thất Việt hiện nay là sự thiếu hụt định hướng trong việc phát triển sản phẩm gắn với bản sắc. Dù sở hữu nền văn hóa đa dạng, giàu lớp lang, nội thất Việt vẫn chưa thực sự khai thác hiệu quả những nguồn tư liệu bản địa này để tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm đặc trưng, có thể nhận diện ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ngành nội thất Việt đang rất cần những hướng phát triển bền vững và mang dấu ấn bản sắc Việt. Ảnh: Viet Furniture

Đằng sau đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng của một hệ thống “hạ tầng mềm”: Thiếu nghiên cứu chuyên sâu;thiếu đào tạo chuyên nghiệp về thẩm mỹ học bản địa; thiếu các trung tâm dữ liệu và tài nguyên mở về xu hướng thiết kế - Điều này khiến doanh nghiệp Việt không ít lần rơi vào tình trạng vay mượn và đi theo một cách vô thức các trào lưu quốc tế, vừa thiếu sáng tạo, vừa không phù hợp với bối cảnh địa phương.

Trong khi thị trường nội thất đang ngày càng đòi hỏi sự cá nhân hóa, khác biệt hóa, việc tiếp tục đi theo lối mòn nhập khẩu xu hướng chỉ khiến các thương hiệu nội thất Việt ngày một nhạt nhòa trên bản đồ ngành, cũng như thiếu lợi thế cạnh tranh khi bước vào đấu trường khu vực và quốc tế.

Kiến tạo bản sắc riêng trong dòng chảy chung

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Trend 26+ không chỉ là một ấn phẩm xu hướng đơn thuần, mà là một “cú hích chiến lược” - mở ra cách tiếp cận hoàn toàn mới trong việc đồng thời hiểu thị trường và xây dựng thương hiệu. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một sản phẩm mang tính định hướng xu hướng nội thất được phát triển bởi chính những doanh nghiệp Việt, với sự hỗ trợ chuyên môn từ Hội Nội thất Việt Nam, Hội kiến trúc sư Việt Nam, các chuyên gia, cùng sự kết nối giữa các thương hiệu đầu ngành như Gỗ Minh Long, Viglacera và Khóa Huy Hoàng.

Điều đáng nói, Trend 26+ không chỉ tiếp thu dữ liệu xu hướng quốc tế từ những đơn vị hàng đầu như WGSN, mà còn chủ động “nội địa hóa” thông tin, kết hợp với các phân tích từ 45 chuyên gia trong nước và quốc tế. Kết quả là một ấn phẩm có giá trị tham khảo cao, đồng thời truyền cảm hứng sáng tạo, hướng dẫn ứng dụng thực tiễn, và trên hết, định vị bản sắc Việt trong thiết kế nội thất.

Trend 26+ được coi là ấn phẩm định hình xu hướng đầu tiên của ngành nội thất Việt.

Từ đây, một định nghĩa mới được khơi mở: Các doanh nghiệp nội thất Việt, có thể chủ động chuyển dịch từ “người tiêu thụ xu hướng” sang “người kiến tạo xu hướng”. Đây chính là bước ngoặt cần thiết để nội thất Việt tiến ra sân chơi lớn hơn - Nơi bản sắc không còn đứng yên trong quá khứ, mà trở thành chất liệu sáng tạo đầy tiềm năng cho tương lai.

đến những kỳ vọng xây dựng hệ sinh thái nội thất Việt năng động và bền vững

Sự ra đời của Trend 26+ cũng cho thấy một điều quan trọng: Sự phát triển bền vững của ngành nội thất kiến trúc không thể chỉ đến từ một vài cá nhân hay thương hiệu đơn lẻ, mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị - từ nghiên cứu, sản xuất, thiết kế cho đến truyền thông và đào tạo. Khi một thương hiệu vật liệu gỗ bắt tay với một doanh nghiệp sản xuất gạch men và một công ty khóa, dưới sự hỗ trợ của các hội chuyên ngành, để tạo nên một công cụ xu hướng - Đó chính là tín hiệu cho thấy ngành nội thất kiến trúc Việt đang bắt đầu hình thành một hệ sinh thái sáng tạo thực sự:

Một hệ sinh thái mà ở đó, nhà thiết kế không đơn độc trong hành trình tìm kiếm cảm hứng; doanh nghiệp không phải tự mình xoay sở giữa những quyết định sản phẩm ngắn hạn; còn người tiêu dùng thì được trao quyền lựa chọn những sản phẩm vừa hợp xu hướng quốc tế, vừa mang tinh thần Việt - gần gũi, sâu sắc và bền vững.

Với sự bảo trợ chuyên môn của Hội Nội thất Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trend 26+ mở ra cơ hội đối thoại và kết nối hệ sinh thái ngành, hướng tới tương lai phát triển bền vững.

Từ một thương hiệu đến sự hợp tác trong một hệ sinh thái bền vững, hành trình khẳng định vị thế của doanh nghiệp nội thất Việt sẽ còn nhiều thử thách, nhưng không thiếu cơ hội. Khi doanh nghiệp nội địa biết hợp lực, khi bản sắc được xem là lợi thế thay vì trở ngại, và khi xu hướng được tiếp cận một cách chủ động, thì ngành nội thất Việt hoàn toàn có thể viết nên những chương mới - không chỉ trên thị trường nội địa mà cả trên sân chơi quốc tế.

Bình luận