Kiến trúc sư trưởng của Singapore
“Người dân Singapore không chỉ coi HDB là mái ấm yêu thương dành riêng cho các thế hệ trong gia đình, mà đó còn là phương tiện giúp gắn kết người dân Singapore, mang lại lợi ích bền chặt, gắn liền với tương lai của đất nước”, nhân viên văn phòng Steven Chia khẳng định.
Dù Singapore nổi tiếng là một trong những khu vực đắt đỏ nhất thế giới, nhà ở xã hội tại đây lại có giá cả rất phải chăng. Các khu nhà HDB không chỉ cung cấp những lựa chọn chất lượng, mà còn vượt trên kỳ vọng về kiến trúc lẫn không gian sống mà chúng mang lại.
Vị kiến trúc sư trưởng đứng sau dự án thành công này, người giám sát quá trình xây dựng và phát triển của gần nửa triệu căn hộ HDB chính là Liu Thai Ker (ảnh nhỏ). Ông được xem như cha đẻ - người đặt nền móng cho kiến trúc Singapore hiện đại.

Sau hơn 50 năm triển khai, chương trình nhà ở xã hội của Singapore đã xây dựng hơn một triệu căn hộ HDB. Trong đó, nhiều khu nhà đóng vai trò là nơi thử nghiệm các ý tưởng, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển bền vững, tích hợp các giải pháp đô thị. Tất cả nhằm hoàn thành sứ mệnh tạo ra một môi trường sống xanh, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về cuộc sống bền vững.
Tái định hình những cấu trúc cư dân
Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ) với tấm bằng thạc sĩ về quy hoạch thành phố, ông Liu đã quyết định về nước, trở thành người đứng đầu đơn vị thiết kế và nghiên cứu tại Ban Phát triển và Nhà ở Singapore. Lúc bấy giờ, chưa tới 10% trong số 1,6 triệu người trên Đảo quốc Sư tử sở hữu nhà ở. Nhiều gia đình sống trong những khu ổ chuột tồi tàn hay các khu định cư lấn chiếm đông đúc, thiếu an toàn, mất vệ sinh, thường xuyên thiếu nước cũng như các tiện nghi cơ bản.
Nhiệm vụ chính của ông Liu là tạo ra “những thị trấn mới”. Các trung tâm đô thị được quy hoạch hoàn chỉnh sẽ có những khu dân cư với đầy đủ cơ sở vật chất như trường học, cửa hàng, quầy bán đồ ăn ngoài trời và sân chơi. Mỗi khu vực và khối nhà sẽ sở hữu căn hộ với nhiều loại hình và kích thước khác nhau, phù hợp với từng nhóm thu nhập và đối tượng xã hội. Các tiện nghi chung như sân chơi trẻ em, góc tập thể dục và không gian mở cũng được thiết kế nhằm khuyến khích cư dân giao lưu và hòa nhập.
Ông Liu đã yêu cầu các nhà xã hội học nghiên cứu và ước tính số lượng gia đình nên sống gần nhau. Và quyết định tạo ra mô hình với mỗi hành lang chung chỉ kết nối từ sáu đến tám căn hộ, để người dân dễ dàng vun đắp tình cảm láng giềng. Thực tế, các khu nhà HDB đã góp phần thúc đẩy sự hòa nhập, giúp xây dựng bản sắc dân tộc độc đáo và những trải nghiệm tập thể cho người dân nơi đây.
“Người Singapore thực thụ sẽ ăn tối tại quán cà-phê góc phố, tham dự đám cưới tại tầng trống của khu nhà HDB, hoặc chơi một trận bóng tại công viên gần đó. Hầu hết mọi lời cầu hôn đều bắt đầu bằng một đơn xin mua căn hộ HDB mới. Chính trải nghiệm sống ấy đã định hình nên cộng đồng của chúng tôi, đồng thời cung cấp nền tảng cho sự ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế”, Steven Chia khẳng định.
Khi tầm nhìn về quy hoạch nhà ở xã hội cũng như các thiết kế HDB của Liu Thai Ker được người dân trong nước đón nhận, Thủ tướng Lý Quang Diệu trao cho ông mục tiêu đầy tham vọng: Tái định cư tất cả những người sống trong khu ổ chuột vào năm 1982. Chỉ ba năm sau, phần lớn người dân Singapore đều đã có nhà.
Từ năm 1989 đến năm 1992, ông Liu là Giám đốc điều hành và Nhà quy hoạch trưởng của Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore. Năm 1991, ông đã phát triển Kế hoạch Khái niệm, chia Singapore thành năm vùng, biến mỗi vùng thành một thành phố nhỏ riêng biệt, để mọi người không phải rời khỏi một vùng để đi mua sắm hoặc đi khám chữa bệnh.
Theo Giáo sư Heng Chye Kiang, Khoa Thiết kế và Kỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Singapore, “mức độ tiện lợi mà người dân Singapore đang được thụ hưởng ngày nay phần lớn là nhờ vào công của Kiến trúc sư Liu cùng các cộng sự”.

Tầm nhìn vượt thời đại
Trong luận văn tốt nghiệp Đại học Yale, ông Liu đã chia các nhà quy hoạch thành bốn loại. Thấp nhất là “nhà trang trí đô thị” (chỉ tập trung vào hình thức thay vì nội dung) và tiếp đó là “nhà cơ khí đô thị” (với khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể). “Bác sĩ đô thị” là những người có thể chẩn đoán bệnh và tìm ra bài thuốc chữa trị những nỗi đau bên trong, để đô thị phát triển bền vững. Ở mức cao nhất, “nhà tiên tri đô thị” phải sở hữu tầm nhìn chiến lược dài hạn, cho sự phát triển của một thành phố.
“Để làm thành phố trở nên đáng sống, trong quy hoạch đô thị, chúng ta không thể chỉ nhìn từng yếu tố một cách đơn lẻ, mà phải nhìn tất cả các khía cạnh, tích hợp, lồng ghép và tổng thể… Khi quy hoạch thành phố, cần phải đưa ra những quyết định lớn lao, và để quyết định đó đúng đắn thì phải nhìn thấy tất cả các vấn đề cùng một lúc”, ông Liu Thai Ker nhấn mạnh. Thí dụ, không thể chỉ chú ý giao thông nội đô mà cần phải quan tâm đến việc kết nối với các khu vực bên ngoài, với các thành phố lân cận, để người dân ra vào thành phố thuận tiện hơn...
Ở tuổi 86, ông Liu vẫn làm việc đều đặn mỗi tuần, với mục tiêu “làm chậm quá trình lão hóa của não và cơ thể”. Và khi được hỏi rằng liệu ông có nuối tiếc nào về bất cứ điều gì trong sự nghiệp, Liu Thai Ker thừa nhận: Đáng lẽ ông nên “xây dựng lối đi dành cho xe đạp và bảo tồn một vài hecta nhà tạm bợ trên những con đường đất, để thế hệ trẻ Singapore nhận ra rằng đất nước mình đã phát triển như thế nào”.
Đó là cái ngoái đầu nhìn lại đầy tự hào, một cách kín đáo, của “nhà tiên tri đô thị”…
Nguồn: Báo Nhân dân