“Nóng” nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

09:39 07/10/2022
Kẽ hở trong các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vật liệu cho đại công trường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Theo kế hoạch, trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành 871 km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có khoảng 2.950 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công mới khoảng 1.176 km.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương, kịp thời xây dựng, bố trí vốn cho từng Dự án; chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án thực hiện các đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn.

Nhìn từ thực tiễn triển khai, công tác chuẩn bị đầu vào hiện nay ở giai đoạn 1 đang gặp một số vướng mắc, đang làm đình trệ tiến độ thi công, cần phải được xử lý triệt để thì mới có thể hiện thực hóa 5.000 km đường cao tốc như Chính phủ đã đề ra.

Trước hết, đó là vấn đề về vật liệu xây dựng (VLXD). Bất cập trước đây tại các địa phương Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình về việc cấp mỏ VLXD là một bài học cần được rút kinh nghiệm.

Từ khi phân cấp quản lý về cho các địa phương (Điều 82 Luật Khoáng sản) và cho phép các chủ thể được quyền quyết định các khu vực không đưa ra đấu giá khai thác khoáng sản, việc cấp phép khai thác ở một số nơi diễn ra tràn lan và tùy tiện, khiến dư luận không thể không đặt ra những nghi vấn về sự câu kết giữa các “nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách khai thác tài nguyên.

Do lỗ hổng trong quy định đấu giá quyền khai thác, Bộ TN&MT xác nhận, trong hàng nghìn giấy phép khai thác đã được cấp thời gian qua, có nhiều giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền, cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, cấp khi chưa có đánh giá về trữ lượng… Nhiều đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản thì không được cấp phép, trong khi nhiều nhóm không hoạt động trong lĩnh vực khai thác, không có nhân lực, trang thiết bị, lại được cấp phép và sau đó “sang tay”, chuyển nhượng để thu lợi.

Trên công trường cao tốc Bắc – Nam.

Hiệp hội các nhà thầu thi công Bắc - Nam vừa qua đã có văn bản số 01/2002CV-NT gửi đến các cơ quan Trung ương để kiến nghị xem xét giải quyết các bất cập, tháo gỡ khó khan, hỗ trợ nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam.

Văn bản này nêu, ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đối diện với tình trạng khó khăn về nguồn đất đắp với rất nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng mỏ trữ lượng thấp, công suất khai thác hạn chế, nhà thầu phải bổ sung nhiều mỏ cách xa công trường, bất lợi về cự ly, đẩy giá vật liệu lên cao.

Xét ở góc độ khác, một số doanh nghiệp là nhà thầu đã không nghiên cứu đánh giá hết các rủi ro trong khi năng lực của mình có hạn, khi nhận các gói thầu rồi gặp các khó khăn thì xảy ra trường hợp thi công đình trệ, xuất hiện các dấu hiệu vi phạm như hóa đơn chứng từ không rõ xuất xứ, chất lượng vật liệu không đảm bảo, khiếu kiện,…

Vấn đề được đặt ra là, việc đấu giá khai thác khoảng sản tại các địa phương đã được nghiên cứu, xem xét để phục vụ cho đại công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chuẩn bị khởi động trong thời gian tới. Mặc dù được dự báo nhưng cho đến nay chưa thấy có một quy hoạch mang tính tổng thể trong đó có vấn đề mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam.

Các địa phương phải rà soát, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trong việc khảo sát, điều tra mỏ vật liệu, bãi đổ thải xây dựng, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải cũng như triển khai các thủ tục liên quan để chủ động có đầy đủ nguồn VLXD phục vụ dự án.

Vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng cụ thể ở đây là Bộ Giao thông vận tải trong việc điều phối, quy hoạch các mỏ vật liệu mang tính chất tổng thể ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Đối với công tác bàn giao mặt bằng, giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam, mặc dù Chính phủ đã đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương các công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, hiện nay tại giai đoạn 1 cao tốc Bắc Nam và nhiều cao tốc đang triển khai thủ tục đầu tư khác, công tác bàn giao mặt bằng không đồng bộ, “xôi đỗ”, cùng với tình trạng thiếu đất đắp như đã nêu, dẫn tới phát sinh nhiều chi phí và không đảm bảo tiến độ như đền bù, sẽ bị ảnh hưởng khi trượt giá, chi phí tái định cư không đủ dẫn đến tranh chấp sẽ diễn ra. Các thủ tục thu hồi đất rất nhiêu khê, qua nhiều tầng nhiều lớp, có những dự án kéo dài từ 2- 4 năm, như: dự án Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc cho dù địa phương hay doanh nghiệp nỗ lực nhưng vẫn đâu vào đấy.

Những vướng mắc bất cập cần có những giải pháp cụ thể của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nếu không kịp thời thì nguy cơ vỡ tiến độ đối với dự án hiện hữu hoặc khi làm xong thủ tục thì nguồn vốn cũng cạn kiệt, vốn chủ sở hữu không còn, vốn tín dụng thay đổi sẽ khiến dự án loay hoay không thể triển khai được. Quyết định phê dự án khả thi sẽ trở thành bất khả thi là điều đương nhiên.

Bình luận