Ô nhiễm không khí - Nguy cơ với các thành phố
Ô nhiễm không khí đang đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp nơi trên thế giới. Báo cáo của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir đầu năm 2024 cho biết, 99 trong số 100 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới nằm ở châu Á. Trong đó, 83 thành phố thuộc Ấn Độ đều có nồng độ PM2.5 cao gấp 10 lần tiêu chuẩn của WHO.
Chỉ 9% trong số 7.812 thành phố được IQAir phân tích đáp ứng được tiêu chuẩn của WHO. Nồng độ PM2.5 của những thành phố này không vượt quá 5 microgam (µg) trên 1m3 mỗi năm.
Begusarai, thành phố với nửa triệu dân nằm ở bang Bihar phía bắc Ấn Độ, là nơi ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023 với nồng độ PM2.5 trung bình là 118,9 µg/m3 - gấp 23 lần tiêu chuẩn của WHO.
Xếp sau Begusarai lần lượt là thành phố Guwahati, Delhi và Mullanpur. Tất cả đều ở Ấn Độ.
Theo IQAir, 1,3 tỉ người dân Ấn Độ, tương đương 96% dân số, đang phải sống trong điều kiện không khí ô nhiễm gấp 7 lần tiêu chuẩn của WHO.
4 quốc gia ô nhiễm nhất năm 2023 là Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Tajikistan. Những nước này thuộc khu vực Trung Á và Nam Á.
IQAir nhận thấy rằng có đến 92,5% trong số 7.812 địa điểm ở 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ có nồng độ PM2.5 vượt qua mức tiêu chuẩn của WHO.
Điển hình nhất, vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/2024, thành phố Lahore (Pakistan) ngập trong màn sương dày đặc và lượng khói bụi ô nhiễm khiến cho thành phố này trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới. Theo ghi nhận vào ngày 31/10, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của thành phố đã chạm mức 507 - mức cao nhất trong thang đo, với khuyến cáo hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời.
Chỉ có 10 nước, khu vực và vùng lãnh thổ có không khí trong lành, bao gồm Phần Lan, Estonia, Puerto Rico, Úc, New Zealand, Bermuda, Grenada, Iceland, Mauritius và Polynesia.
Indonesia là quốc gia ô nhiễm nhất châu Á, nồng độ PM2.5 trong năm 2023 của nước này tăng 20% so với năm 2022. Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố vượt quá mức tiêu chuẩn của WHO, gấp 10 lần.
Trong đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Riêng Hà Nội đứng thứ 233, TP.HCM là 1.048 và Đà Nẵng là 1.182.
Thành phố Trà Vinh được IQAir đánh giá là nơi trong lành nhất (hạng 6.806) và quận Tây Hồ là nơi ô nhiễm nhất (hạng 71) Việt Nam trong năm 2023.
Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới chết vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia về các bằng chứng khoa học hiện có và được áp dụng rộng rãi. Thật không may, 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi mà chất lượng không khí chưa đáp ứng với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ vào tháng 11/2023, ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch tước đi mạng sống của 5,1 triệu người mỗi năm.
Trong khi đó, WHO cho biết, 6,7 triệu người trên thế giới qua đời mỗi năm do tác động tổng hợp của ô nhiễm không khí xung quanh môi trường sống và trong nhà.
Các thành phố đông dân ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân chính bao gồm khí thải xe cộ, nhà máy điện than, xây dựng, pháo hoa, phá rừng. New Delhi có số người chết cao nhất trong số 5 thành phố đông dân nhất, với khoảng 54.000 người, tức cứ 500 người thì có 1 người chết vì ô nhiễm không khí.
Bụi siêu mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào mô phổi cũng như máu của con người, dẫn đến hen suyễn, bệnh tim, bệnh phổi, ung thư, một số bệnh về đường hô hấp và suy giảm nhận thức ở trẻ em.
Nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếp xúc không khí ô nhiễm và đột quỵ vừa được công bố trên tạp chí Stroke (tạp chí Đột quỵ) do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện. Qua đánh giá 86.635 trường hợp nhập viện khoa cấp cứu vì đột quỵ thuộc 10 bệnh viện ở 3 thành phố lớn, đồng thời họ thu thập mức độ bụi mịn (PM 2.5), nitơ dioxide (NO2) và sulfur dioxide (SO2) của không khí.
Ông Frank Hammes - Giám đốc điều hành IQAir, cho biết, những người sinh sống tại các quốc gia ô nhiễm bậc nhất thường mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm và bị giảm từ 3 đến 6 năm tuổi thọ; việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhất là ở nam giới và người dưới 65 tuổi.
Unicef cũng đưa ra cảnh báo, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, khiến cho tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm. Nếu không hành động để giải quyết các tác động đến sức khỏe, ô nhiễm không khí có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến mức tăng tuổi thọ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình, thầm lặng.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của U-Report Việt Nam cho thấy, 90% trong số hơn 2.600 thanh niên Việt Nam được hỏi khẳng định ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các em ở một mức độ nhất định hoặc ở mức độ lớn. Khoảng 54% cho biết các em thường xuyên gặp khó khăn về hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác do tác hại của ô nhiễm không khí gây ra. Và 21% thừa nhận ô nhiễm không khí khiến các em ít tham gia các hoạt động ngoài trời và ít tập thể dục hơn.
Unicef đặc biệt lưu ý đến đối tượng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí là trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi, là nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như viêm phổi, chịu ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của phổi, gây ra ước tính 7% tổng số ca tử vong có thể do ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chất lượng không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang trở nên xấu đi trong những năm qua, vì vậy, đây là lúc cần phải triển khai thực hiện kế hoạch hành động quyết liệt hướng đến không khí sạch và cải thiện sức khỏe của người dân.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” hôm 14/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chia sẻ, tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2,5. Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, kết quả quan trắc giai đoạn từ 2019 đến nay cho thấy hầu hết chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn đang ô nhiễm, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương.
Trong các vấn đề ô nhiễm không khí, trọng tâm nhất là bụi. Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26- 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
Với sự gia tăng nồng độ bụi PM 2.5 ở Hà Nội, trung bình mỗi năm có gần 1.100 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca do bệnh hô hấp. Các thống kê cho thấy, nếu hàm lượng bụi mịn PM 10, PM 2.5 tăng lên 10μg/m3 thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em Hà Nội tăng tương ứng là 1,4% và 2,2%. Giai đoạn 2011 - 2015 ô nhiễm không khí làm giảm khoảng 20% thu nhập của người dân nội thành.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Trước tốc độ gia tăng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn của Việt Nam, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, lo ngại: “ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc”.
Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ. Ông Tùng cho biết thêm, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện.
Ô nhiễm không khí là mối nguy hiểm cho sức khỏe và điều này cũng là tin xấu đối với cộng đồng, xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Ô nhiễm không khí làm giảm năng suất của người lao động, tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng và chăn nuôi, giảm doanh thu du lịch trong nước và quốc tế cũng như đầu tư quốc tế và gây thiệt hại cho các công trình di sản do mưa axit, và làm suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về xã hội và kinh tế cho Việt Nam, bao gồm cả tử vong sớm và bệnh tật, lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí làm sạch trong tương lai.
Có một tin tốt là việc tăng cường hành động để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và giảm tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế đã công bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhằm mục đích giải phóng nguồn tài chính để hỗ trợ đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Gần đây hơn, Việt Nam cũng đã gia nhập Liên minh hành động về biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO… Liên hợp quốc hoan nghênh những cam kết này, đây là một tín hiệu quan trọng phát đi rằng, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - và cải thiện chất lượng không khí - là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Các chiến lược giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí đang góp phần đáp ứng các mục tiêu giảm nhẹ về biến đổi khí hậu, cho phép tiếp cận nhiều hơn với năng lượng sạch, tăng cường quản lý môi trường, đồng thời luôn làm cho các thành phố trở nên đáng sống và bền vững hơn. Sức khỏe được cải thiện cũng cho phép đạt được kết quả giáo dục và năng suất lao động. Đây chỉ là một vài lợi ích đồng thời trong số nhiều lợi ích của việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí. Hành động hướng tới không khí sạch sẽ đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030.
Tuy nhiên, việc giải quyết ô nhiễm không khí một cách hiệu quả - nhằm mang lại sức khỏe và các lợi ích khác cho tất cả mọi người - đòi hỏi phải có thay đổi ở cấp chính sách, cấp ngành để giải quyết ô nhiễm từ nguồn gốc của nó.
Nghĩa là, để làm sạch không khí mà chúng ta hít thở đòi hỏi Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sử dụng năng lượng và vận chuyển, chuyển sang sử dụng các phương tiện mới hơn, sạch hơn và quản lý chất thải tốt hơn như giảm việc đốt rơm rạ và rác thải ngoài trời. Do nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí ngoài trời cũng là nguồn phát thải carbon (chẳng hạn, nhiên liệu hóa thạch), việc giảm ô nhiễm không khí cũng như giảm các tác nhân và tác động của biến đổi khí hậu phải đi đôi với nhau, như một phần trong cách tiếp cận hợp lý để phát triển bền vững.
Quyền hít thở không khí trong lành là một trong những quyền cơ bản nhất của tất cả mọi người trên hành tinh này. Sẽ có nhiều cơ hội sắp tới để thể chế hóa cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí bằng các luật và chính sách khác nhau.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, và chính phủ các nước cần thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc kiểm soát phát thải khí một cách quyết liệt, đặc biệt trong giai đoạn có ô nhiễm nghiêm trọng.
Các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch. Cần có sự phối hợp của các nhà hoạch định chính sách từ cấp địa phương, đến cấp trung ương và quốc tế. Điều này có nghĩa là, ngay cả trong giai đoạn ô nhiễm không khí thấp, các cơ quan chức năng vẫn cần phối hợp cùng nhau phòng ngừa ô nhiễm không khí ngay từ nguồn, đảm bảo không khí sạch.
Đã không còn bước lùi hay chần chừ, bây giờ chính là lúc cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng. Tất cả vì một xã hội bền vững, nhằm tạo ra một tương lai tươi sáng hơn, khỏe mạnh hơn và công bằng hơn.