Ô nhiễm tiếng ồn giao thông trong các đô thị phát triển và bài học kinh nghiệm từ Thụy Điển Ô nhiễm tiếng ồn giao thông trong các đô thị phát triển và bài học kinh nghiệm từ Thụy Điển

Ô nhiễm tiếng ồn giao thông trong các đô thị phát triển và bài học kinh nghiệm từ Thụy Điển

Tiếng ồn luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người, đồng thời còn là thước đo để đánh giá văn hóa của xã hội hiện nay. Trong thời đại xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay, có quá nhiều âm thanh không mong muốn là điều khó tránh khỏi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đã dần trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân.

Tiếng ồn là gì? Ô nhiễm tiếng ồn là gì?

Tiếng ồn là những âm thanh không mong muốn. Gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng tới quá trình làm việc và nghỉ ngơi. Hay nói cách khác tiếng ồn chính là những âm thanh không có giá trị hoặc âm thanh phát ra không đúng thời điểm, không phù hợp với mong muốn hay nhu cầu của người nghe.

Tiếng ồn vật lý là những dao động sóng âm với cường độ và tần số khác nhau, sắp xếp không có trật tự và được lan truyền trong môi trường đàn hồi. Đơn vị đo tiếng ồn là dB (Decibel).

Ô nhiễm tiếng ồn là hiện tượng tăng cường âm thanh không mong muốn hoặc gây phiền nhiễu đến môi trường sống và sức khỏe con người. Hiện tượng này xảy ra khi âm thanh vượt quá mức chấp nhận được hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn?

Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân ô nhiễm tiếng ồn. Một số nguyên nhân điển hình có thể kể đến bao gồm:

• Giao thông: Xe cộ, máy bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông khác tạo ra tiếng ồn lớn khi di chuyển trên đường. Đặc biệt, trong các thành phố đông đúc và các tuyến đường chính, lưu lượng giao thông cao góp phần tăng cường ô nhiễm tiếng ồn.

• Công nghiệp: Hoạt động công nghiệp như máy móc, nhà máy sản xuất, nhà máy điện, xưởng sản xuất và thiết bị công nghiệp khác tạo ra âm thanh từ các quy trình và thiết bị hoạt động.

• Công trình xây dựng: Các công trình xây dựng, đặc biệt là khi sử dụng máy móc và công cụ nặng, tạo ra tiếng ồn lớn trong quá trình thi công.

• Hoạt động giải trí: Âm nhạc phát ra từ các quán bar, nhà hát, sân vận động, công viên giải trí và các sự kiện thể thao có thể tạo ra tiếng ồn đáng kể.

• Đô thị và dân cư: Sự tăng đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của các khu vực đô thị dẫn đến tăng cường ô nhiễm tiếng ồn do sự hiện diện của nhiều nguồn âm thanh từ sinh hoạt hàng ngày của dân cư.

• Thiết bị gia đình: Các thiết bị gia đình như máy lạnh, quạt, máy giặt, tivi và âm thanh gia đình tạo ra tiếng ồn khi hoạt động.

Tác hại của ô nhiễm tiếng ồn khá nghiêm trọng. Hiện tượng này ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người, gây ra mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, thậm chí là gây ra các vấn đề về thính lực. Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn cũng có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng tâm lý, gây lo lắng, khó chịu và chất lượng cuộc sống nói chung.

Ô nhiễm tiếng ồn gia tăng tỷ lệ thuận với quá trình đô thị hóa. Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã khá nghiêm trọng, tuy nhiên phần đông người dân không hề biết là họ đang bị ô nhiễm. Theo kết quả nghiên cứu của Sở KHCN&MT, tại 12 đường và nút giao thông chính trên địa bàn Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 - 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 - 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3 - 75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 - 20 dBA). Như vậy mức ồn giao thông hiện nay ở Hà Nội khá lớn, cao hơn chỉ số tiêu chuẩn cho phép đối với khu vực công cộng và khu dân cư (50 - 70dB vào ban ngày). Mức ồn giao thông càng lớn, phản ánh mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường càng cao, điều đó có nghĩa là chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút.

Thụy Điển (Sweden) là một quốc gia có dân số tương đối nhỏ so với diện tích của nó. Tính đến năm 2024, dân số của Thụy Điển ước tính khoảng 10,5 triệu người. Mặc dù diện tích của Thụy Điển khá lớn, dân số của nước này phân bố không đều, với mật độ dân số tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị như Stockholm, Gothenburg và Malmö. Các khu vực phía bắc của Thụy Điển có mật độ dân số rất thấp do điều kiện khí hậu khắc nghiệt và địa hình khó khăn.

Thụy Điển, mặc dù là một quốc gia nổi tiếng với các tiêu chuẩn môi trường cao và chất lượng sống tốt, vẫn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm tiếng ồn giao thông, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn như Stockholm, Gothenburg, và Malmö. Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tiếng ồn giao thông ở Thụy Điển:

Giao thông đường bộ: Xe hơi, xe tải, và xe buýt tạo ra phần lớn tiếng ồn giao thông. Sự gia tăng số lượng xe trên đường, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm thành phố, đã dẫn đến mức độ ô nhiễm tiếng ồn đáng kể.

• Giao thông đường sắt: Dù là một phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, nhưng tàu hỏa vẫn tạo ra tiếng ồn đáng kể, đặc biệt là khi di chuyển qua các khu dân cư.

Giao thông hàng không: Các sân bay lớn như Sân bay Arlanda ở Stockholm cũng góp phần vào ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ở các khu vực gần sân bay. (hình 1)

Thụy Điển là một quốc gia tiên tiến trong việc quản lý và hạn chế ô nhiễm tiếng ồn từ giao thông. Chính phủ Thụy Điển và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn giao thông, bao gồm:

Hình 1. Các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn tại Thụy Điển trong 10 năm từ 2007 - 2017 [2]

a. Quy hoạch đô thị thông minh

Thụy Điển đã rất chú trọng vào quy hoạch đô thị với các khu vực dân cư được bố trí cách xa các tuyến đường chính và khu công nghiệp, tạo ra các vành đai xanh và công viên giữa khu vực giao thông và khu dân cư để giảm thiểu tiếng ồn.Các khu đô thị mới ở Thụy Điển được quy hoạch xa các tuyến đường chính và sử dụng các giải pháp cách âm đã giúp giảm thiểu tiếng ồn từ giao thông. Các khu vực gần đường cao tốc và các tuyến đường lớn cũng được lắp đặt các hàng rào chống ồn. Tuy nhiên, việc di dời các khu dân cư hoặc thay đổi quy hoạch có thể gây tốn kém và khó thực hiện ở các khu vực đã phát triển. (hình 2)

b. Sử dụng tường chắn âm thanh

Tại các khu vực gần đường cao tốc hoặc đường sắt, Thụy Điển xây dựng các tường chắn âm thanh để ngăn tiếng ồn lan vào khu dân cư. Những tường chắn này thường được thiết kế với vật liệu hấp thụ âm thanh và kết hợp với cảnh quan xanh để giảm tác động tiêu cực về mặt thị giác. (hình 3)

c. Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh

Thụy Điển là một trong những quốc gia tiên phong trong việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh như xe đạp và xe điện. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn giảm thiểu tiếng ồn do động cơ xe gây ra. Số lượng người đi xe đạp ở Thụy Điển nằm trong top 10 quốc gia dùng xe đạp nhiều nhất thế giới (bên cạnh Đức, Na Uy, Đan Mạch, Nhật…) do nhà nước có nhiều động thái hỗ trợ người dân chọn phương tiện này. (hình 4)

d. Phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại và hạn chế tốc độ giao thông

Thụy Điển đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và thân thiện với môi trường bao gồm xe buýt điện và tàu hỏa, nhằm giảm số lượng phương tiện cá nhân trên đường. Tàu điện ngầm, xe buýt điện và tàu điện được sử dụng rộng rãi, giúp giảm tiếng ồn so với phương tiện cá nhân. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng ít ồn hơn đã góp phần làm giảm mức độ tiếng ồn tổng thể. Xe điện và tàu hỏa điện, với thiết kế hiện đại, phát ra ít tiếng ồn hơn so với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Mặc dù giao thông công cộng phát triển, việc thuyết phục người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng vẫn là một thách thức, đặc biệt ở các khu vực ngoại ô và vùng nông thôn.

Tại Thụy Điển, tốc độ giới hạn trên các tuyến đường đô thị được quy định rất nghiêm ngặt, đặc biệt là trong các khu dân cư và các khu vực nhạy cảm với tiếng ồn, như gần bệnh viện, trường học, đã giúp giảm đáng kể tiếng ồn do xe cộ gây ra. Điều này không chỉ giảm tiếng ồn mà còn tăng cường an toàn giao thông. Tuy nhiên việc thực thi các quy định giới hạn tốc độ có thể gặp khó khăn, đặc biệt là trong giờ cao điểm hoặc ở những khu vực có lưu lượng giao thông lớn. (hình 5)

e. Ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông và nâng cao nhận thức cộng đồng

Thụy Điển sử dụng công nghệ tiên tiến để quản lý và tối ưu hóa luồng giao thông, chẳng hạn như hệ thống đèn giao thông thông minh và quản lý ùn tắc. Điều này giúp giảm thiểu thời gian phương tiện dừng và khởi động liên tục, một trong những nguyên nhân gây ra tiếng ồn lớn.

Chính phủ Thụy Điển tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm tiếng ồn đối với sức khỏe và khuyến khích người dân tham gia vào việc giảm tiếng ồn, ví dụ như không sử dụng còi xe không cần thiết và bảo dưỡng xe cộ định kỳ.

KẾT LUẬN

Mặc dù là một quốc gia có mật độ dân cư thấp, nhưng Thụy Điển rất quan tâm đến các vấn đề ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị lớn hay đô thị mới phát triển. Những biện pháp này không chỉ giúp Thụy Điển kiểm soát hiệu quả ô nhiễm tiếng ồn mà còn cải thiện chất lượng sống cho người dân, tạo ra một môi trường đô thị yên tĩnh và trong lành hơn. Nhờ những nỗ lực này, mức độ ô nhiễm tiếng ồn giao thông ở Thụy Điển đã được kiểm soát tốt hơn so với nhiều quốc gia khác.

Các giải pháp chống ô nhiễm tiếng ồn giao thông tại Thụy Điển đã mang lại hiệu quả tích cực và được cộng đồng đánh giá cao. Tuy nhiên, việc duy trì và cải thiện các giải pháp này đòi hỏi sự hợp tác liên tục giữa chính phủ, các cơ quan chức năng, và người dân. Chính phủ Thụy Điển vẫn tiếp tục tìm kiếm và áp dụng những công nghệ mới, cũng như cải tiến các chính sách hiện hành để nâng cao chất lượng sống cho người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt nam (2024), “Ô nhiễm tiếng ồn - tình trạng đáng báo động tại các đô thị lớn ở Việt Nam”.

[2]. Babisch, W. (2006). "Transportation noise and cardiovascular risk: Updated review and synthesis of epidemiological studies." Noise & Health, 8(30), 1-29.

[3]. European Environment Agency (2021), “Sweden noise fact sheet 2021”.

[4]. Enda Murphy & Eoin King (2014). "Environmental Noise Pollution: Noise Mapping, Public Health, and Policy” - ISBN:9780124115958.

[5]. Landscape Architects Network (2015), “New Neighborhood in Stockholm To Foster Sustainable Development”.

[6]. Công Nhật (2017), “Đạp xe ở “xứ sở Nobel” Thụy Điển”, Tạp chí Tuổi trẻ online.

[7]. Nippon Sheet Glass Co. Ltd (2021), “Fire and noise protection barrier, Ånäs, Gothenburg, Sweden”. [8]. Visit Sweden (2023), “Public transport in Sweden”.

[9]. World Health Organization (WHO) (2018), "Environmental Noise Guidelines for the European Region".

TS.KTS Đỗ Thị Kim Thành