Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao quát được hoạt động kinh doanh bất động sản

20:07 23/06/2023
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong phiên thảo luận, giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 23/6.

Phát biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ để đảm bảo dự thảo luật đạt chất lượng tốt, nhận được sự đồng thuận cao. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, về phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, làm rõ phạm vi, nội dung điều chỉnh của luật theo hướng bảo đảm phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao quát được hoạt động kinh doanh BĐS, phân định rõ hoạt động kinh doanh BĐS và các giao dịch dân sự không vì mục đích kinh doanh khác. 

Đồng thời, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định đồng bộ các nội dung liên quan đến giao dịch nhà ở, giữa các luật có liên quan để đảm bảo việc kinh doanh nhà ở thực hiện theo Luật Kinh doanh BĐS; chính sách phát phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, các giao dịch nhà ở khác thực hiện theo Luật Nhà ở, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo với các luật khác có liên quan.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu về các nội dung liên quan đến BĐS đưa vào kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo bao quát các loại BĐS được đưa vào dự thảo luật.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, về điều kiện với tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS, cơ quan soạn thảo cũng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 10 dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị giữ khoản 2 Điều 10 vì cần bảo đảm phạm vi điều chỉnh bao quát đầy đủ các đối tượng kinh doanh BĐS, trong đó có đối tượng là cá nhân kinh doanh BĐS.

Giải trình và làm rõ một số nội dung khác, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị giữ lại các nội dung chính của khoản 3, Điều 10 dự thảo luật, bởi lẽ đây là nội dung được luật hóa quy định tại Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP, trong đó có quy định các trường hợp cơ quan tổ chức bán nhà, công trình xây dựng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách.

Còn việc sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, cơ bản không phát sinh mua bán, chuyển nhượng BĐS.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành. Qua đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển BĐS, quản lý chặt chẽ thị trường BĐS đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định, vận hành thông suốt.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về các điều khoản cụ thể cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có các nội dung như phạm vi đối tượng, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, đặc biệt là liên quan đến Luật Đất đai và Luật Nhà ở đang được nghiên cứu sửa đổi, điều kiện thành lập, nguyên tắc tổ chức, cơ chế hoạt động, nghĩa vụ của sàn giao dịch BĐS; môi giới BĐS...

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Bình luận