Hơn 74.600 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp
Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhằm thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, tổng thể tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công còn chậm. Từ số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Tài chính cho thấy, tổng số cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp hiện tại là 256.652 cơ sở, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 182.047 cơ sở nhà, đất; vẫn còn 74.605 cơ sở chưa được phê duyệt phương án, chiếm 29%; trong khi đó, công tác tổ chức thực hiện sau khi phương án được duyệt còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, nhiều phương án qua nhiều năm vẫn chưa hoàn thành.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định do nhiều cơ quan, tổ chức, Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm; nguồn gốc nhà đất đa dạng, hồ sơ pháp lý phức tạp, thiếu, thất lạc; việc sắp xếp lại liên quan đến nhiều pháp luật khác nhau; một số quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP chưa đủ rõ hoặc không phù hợp…
Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là cần thiết.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định theo quy trình, thủ tục rút gọn, với mục đích nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đẩy nhanh việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Thêm giải pháp bảo đảm hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản
Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương, 33 Điều và 5 biểu mẫu. Trong đó, dự thảo Nghị định kế thừa phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP với 3 loại tài sản công phải sắp xếp lại, xử lý gồm: (1) Đất, nhà công trình khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; (2) Xe ô tô; (3) Máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định, đối với tài sản công là xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác, nếu phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và có nhu cầu sử dụng thì được giữ lại; nếu dôi dư, không còn nhu cầu hoặc đủ điều kiện thanh lý thì việc quyết định xử lý và tổ chức xử lý tài sản thực hiện theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Về phạm vi nhà, đất thực hiện và không thực hiện sắp xếp, dự thảo Nghị định kế thừa quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn, rõ hơn phạm vi của nhà, đất không phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý với 13 trường hợp cụ thể. Việc quản lý, sử dụng và xử lý đối với nhà, đất này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Dự thảo Nghị định đồng thời quy định nguyên tắc xác định một số trường hợp cụ thể trong thực tế thời gian qua có cách hiểu chưa thống nhất hoặc có chồng lấn.
Về đối tượng áp dụng, quá trình tổng hợp, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính từ các Bộ, ngành, địa phương cho thấy còn có nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Tài chính cho rằng, đối với các doanh nghiệp do nhà nước là chủ sở hữu duy nhất cần có thêm giải pháp để bảo đảm hiệu quả quản lý, sử dụng đối với tài sản là nhà, đất tại doanh nghiệp; đề xuất việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất với các doanh nghiệp do nhà nước là chủ sở hữu theo 3 loại hình: Doanh nghiệp cấp 1 do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp cấp 2 do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; và doanh nghiệp cấp 3 do doanh nghiệp cấp 2 nắm giữ 100% vốn điều lệ…
Phân cấp thẩm quyền lập phương án sắp xếp
Về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, dự thảo Nghị định bổ sung quy định mỗi phương án xử lý của từng cơ sở nhà, đất phải xác định cụ thể cơ sở đề xuất phương án phù hợp với từng hình thức sắp xếp; bổ sung quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện sắp xếp trong một số trường hợp để thống nhất thực hiện.
Ví dụ, trường hợp một cơ sở nhà, đất do nhiều đối tượng quản lý, sử dụng thì phần nhà, đất do đối tượng nào quản lý, sử dụng thì đối tượng đó thực hiện sắp xếp. Trường hợp cả nhà và đất đều thuộc phạm vi sắp xếp thì phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý đồng thời cả nhà và đất. Trường hợp một cơ sở nhà, đất áp dụng nhiều hình thức xử lý thì phải xác định cụ thể diện tích đất, diện tích nhà theo từng hình thức xử lý…
Đáng chú ý, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về thẩm quyền lập phương án, kiểm tra hiện trạng, tổng hợp, trình phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trong phê duyệt phương án sắp xếp lại và quyết định xử lý nhà, đất, phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan trung ương, Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong lập phương án, chủ trì kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, dự thảo Nghị định quy đỉnh rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh nơi có nhà, đất phải có ý kiến trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án sắp xếp lại. Trường hợp quá thời hạn mà chưa có ý kiến bằng văn bản, cơ quan có thẩm quyền lập phương án trình Bộ trưởng, thủ tướng cơ quan trung ương xem xét, phê duyệt phương án theo thẩm quyền. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm nếu phương án không phù hợp với các nội dung liên quan đến cơ sở nhà, đất thuộc chức năng quản lý nhà nước của địa phương.
Dự thảo Nghị định quy định nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị được áp dụng 7 hình thức sắp xếp; nhà đất của doanh nghiệp được áp dụng 4 hình thức sắp xếp. Trong đó, so với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định bỏ hình thức sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Đối với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Dự thảo Nghị định quy định bổ sung trường hợp thanh lý tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi trong thực tế và đồng bộ với pháp luật liên quan…
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 06/11/2023, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội và đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai về các nội dung liên quan đến quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chúng ta đã có Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 cùng 20 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 15 Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính liên quan đến tài sản công.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội và UBTVQH sửa Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, vì Luật này chưa bao quát hết tất cả các hành vi. Ví dụ, pháp luật hiện hành chưa có hình thức mua lại tài sản để biến thành tài sản công, như đối với các trạm BOT, khi thay đổi các hướng tuyến hay do thay đổi quy hoạch, trạm BOT không sử dụng được thì đoạn đường này sẽ do nhà nước quản lý. Cho nên, trong trường hợp này, cần có quy định cụ thể để nhà nước có thể mua lại tài sản công của một số nhà đầu tư tư nhân để thu phí, hoàn phí một cách lâu dài, hoặc không thu phí của dân mà đầu tư bằng nguồn vốn NSNN.
Bên cạnh đó, hình thức mua lại tài sản công cũng chưa có trong Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, cho nên Bộ Tài chính đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Về lâu dài, phải sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 hay là những vấn đề liên quan đến Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang đề nghị sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP theo hình thức rút gọn xin ý kiến các Bộ, ngành. Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công, từ đó siết chặt quản lý hiệu quả hơn.