Phân cấp cho UBND huyện chủ động quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

07:38 07/02/2024
Nghị quyết về một số cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình…

Thí điểm cho cấp huyện quản lý thực hiện

Ngày 05/02, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): (1) CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, (2) CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và (3) CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết số 111/2024/QH15 quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các CTMTQG: (1) Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; (2) Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm; (3) Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; (4) Về sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất; (5) Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) Về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; (7) Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024-2025; (8) Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Nghị quyết số 111/2024/QH15 quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các CTMTQG.

Trong đó, riêng với nội dung về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024-2025, Nghị quyết số 111/2024/QH15 quy định HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. UBND cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng CTMTQG cho huyện được lựa chọn thí điểm.

HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các CTMTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán NSNN hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn NSNN giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Việc quyết toán NSNN hằng năm của huyện thực hiện cơ chế thí điểm được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán NSNN hằng năm đã được HĐND huyện điều chỉnh theo quy định.

Tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn 2026-2030

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 16/01/2024, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí với phương án 2 là thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong giai đoạn 2024-2025 và cho rằng, nếu phương án 1 không thực hiện ngay cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong giai đoạn 2024-2025 thì việc thực hiện thí điểm không còn nhiều ý nghĩa.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái, việc thực hiện thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, sau khi tổng kết thực tiễn sẽ là tiền đề quan trọng để phục vụ cho giai đoạn 2026-2030 triển khai thực hiện được tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái kiến nghị Quốc hội giao HĐND tỉnh căn cứ thực tiễn các huyện đang thực hiện cả 3 CTMTQG có những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết và căn cứ vào khả năng thực tiễn thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức để lựa chọn huyện thực hiện thí điểm. Khi đó, HĐND sẽ không phải lúng túng trong lựa chọn huyện nào thực hiện thí điểm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết cho biết, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, việc thực hiện chính sách này là triển khai nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 100/2022/QH15.

Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các CTMTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán NSNN hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn NSNN giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các CTMTQG; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các CTMTQG cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên cân nhắc đối với sự cần thiết thực hiện chính sách này, vì hiện nay thời gian thực hiện các CTMTQG còn rất ngắn và các đánh giá tác động chưa được đầy đủ. Vì vậy, có thể quy định nguyên tắc để thực hiện cho giai đoạn sau…

Sáng 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này với 455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,29 %). Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG.

Bình luận