Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn đối với dự án đầu tư hạ tầng KCN, KKT

06:00 03/10/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm quản lý; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như phân cấp mạnh mẽ hơn cho các ban quản khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ngày 02/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về chủ trương phân cấp, phân quyền đối với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và xây dựng dự án Luật Khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT)…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, mô hình, chính sách phát triển KCN, KKT thành công trên thế giới - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đối với dự án Luật Khu KCN, KKT, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay quy định trực tiếp về quản lý KCN, KKT mới ở cấp nghị định. 

Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT được quy định ở nhiều luật khác nhau, trong đó một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ và chưa phù hợp với đặc điểm của KCN, KKT.

Quá trình xây dựng và phát triển KCN, KKT trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần được giải quyết như: loại hình KCN, khu chức năng trong KKT chậm được đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế; hiệu quả sử dụng đất chưa cao.

Trong bối cảnh đó, Luật KCN, KKT nhằm tạo hành lang pháp lý riêng cho chính sách phát triển các loại hình KCN mới, khu chức năng mới trong KKT mới; đồng thời khắc phục kịp thời những hạn chế, vướng mắc, và bổ sung quy định mới mà pháp luật hiện hành chưa có về điều kiện, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư hạ tầng KCN, KKT; hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn đủ thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các KCN, KKT phải có những chính sách hấp dẫn nhất, “rải chiếu hoa” mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm quản lý các loại hình KCN, KKT hiện nay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa được quy định hoặc điều chỉnh trong luật chuyên ngành.

Luật cũng cần có tiêu chí xác định các loại hình KCN, KKT mới, thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ lõi, lĩnh vực sản xuất nền tảng… nhằm cụ thể hoá chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong từng giai đoạn cụ thể.

Từ đó, thể chế hoá các chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính, thuế, đất đai; xây dựng mô hình mới thẩm quyền được phân cấp mạnh mẽ hơn cho các ban quản KCN, KKT; quy hoạch, bố trí đất đai, nguồn lực kèm theo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp tục đánh giá, tổng kết quá trình xây dựng, quản lý các KCN, KKT, nhất là những tồn tại, vướng mắc; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, mô hình các KCN, KKT thành công trên thế giới; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các KCN, KKT, giải quyết thủ tục hành chính.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay, cả nước đã có 416 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong số các KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.

Tính đến cuối năm 2023, các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng trên 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm lần lượt 41,3% và 30,3% số lao động làm việc trong KCN trên cả nước.  

Bình luận