Cụ thể, Phó Thủ tướng phân công Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trình Chính phủ trong tháng 02/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2025.
Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo dự án Luật Năng lượng nguyên tử; trình Chính phủ trong tháng 02/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2025.
Bộ Công an chủ trì soạn thảo 2 dự án: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, trình Chính phủ trong tháng 5/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định; thực hiện rà soát đầy đủ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình xây dựng các dự án luật, đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được giao tại các nghị quyết của Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Chính phủ đúng thời hạn, tiến độ đã được phân công.
Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 02/2025) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định kịp thời, đúng tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện theo quy định.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 59/2024/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo đó, quyết nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.
Đồng thời, bổ sung Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.
Bổ sung Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).