Phấn đấu thông xe kỹ thuật đường Vành đai 3 TP.HCM trong năm 2025

16:39 06/06/2025
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị TP.HCM và các địa phương cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 và triển khai tuyến Vành đai 4 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng.

Giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc

Ngày 06/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã có buổi kiểm tra và làm việc với các địa phương làm chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76,3 km với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, đi qua TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án được giao cho 4 địa phương làm chủ đầu tư, gồm: TP.HCM (dự án thành phần 1 với 47,35 km), tỉnh Đồng Nai (dự án thành phần 3 với 11,26 km), tỉnh Bình Dương (dự án thành phần 5 với 10,76 km), tỉnh Long An (dự án thành phần 7 với 6,81 km).

Đoàn kiểm tra khu vực dự án đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Sau khi hoàn thành, toàn tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Công trình cũng được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã hoàn thành bàn giao phần mặt bằng còn vướng mắc cho dự án. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật như: Đường ống nước D1200 tại nút giao Tân Vạn, 10 vị trí điện cao thế (dự án thành phần 3 Đồng Nai: 8 vị trí, dự án thành phần 5 Bình Dương: 1 vị trí và dự án thành phần 7 Long An: 1 vị trí).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng báo cáo tình hình thi công dự án.

Về vật liệu cát đắp nền, tính đến nay nhu cầu còn lại của toàn dự án khoảng 7,48 triệu m3. Nhà thầu đã đưa về công trường 3,65 triệu m3, còn lại chưa đưa về công trường 3,83 triệu m3. Tuy nhiên, do thời gian còn lại ngắn, tiến độ gấp nên lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cần đưa vào khai thác 4 mỏ còn lại theo kế hoạch và xem xét nâng công suất đáp ứng kế hoạch.

Về tình hình triển khai thi công, dự án thành phần 1 TP.HCM đạt 41% hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ; dự án thành phần 3 Đồng Nai đạt 36% hợp đồng, chậm khoảng 6,6% hợp đồng; dự án thành phần 5 Bình Dương đạt 37,5% hợp đồng, chậm khoảng 10% hợp đồng; dự án thành phần 7 Long An đạt 67,5% hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ. Với thực tế đó, các chủ đầu tư phấn đấu cơ bản thông xe kỹ thuật trong năm 2025.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, khối lượng còn lại của các dự án là rất lớn, trong khi thời tiết khu vực bắt đầu vào mùa mưa. Do đó, các bên cần tập trung, nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Về phương án đầu tư hoàn thiện nút giao Tân Vạn, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1025/BXD-CĐBVN ngày 26/3/2025 gửi UBND TP.HCM, tỉnh Bình Dương để đôn đốc thực hiện. Ngày 24/4/2025, Sở Xây dựng TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã làm việc, thống nhất đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nghiên cứu đầu tư đoạn 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn và nút giao Tân Vạn thành một dự án riêng.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, các địa phương đang triển khai tích cực, phấn đấu tháng 12/2025 thông xe kỹ thuật 41,4 km đầu tiên tại dự án. Hiện nay, các địa phương đang khai thác 10 mỏ cát, dự kiến trong tháng 6 sẽ đi vào khai thác toàn bộ 14/14 mỏ với khối lượng cát cung ứng cho dự án còn lại trong năm 2025 là 3,4 triệu m3

Thi công dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn TP.HCM.

Để hoàn thành tiến độ cho dự án, công tác cung cấp nguyên vật liệu cần được đẩy mạnh. Các địa phương có mỏ cát cần nâng công suất tối đa và cam kết cung cấp đủ nguyên vật liệu cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai việc phân luồng, tạo điều kiện cho sà lan chở nguyên vật liệu cung cấp cho dự án, chỉ trong tháng 5/2025 đã có 210 sà lan được thông qua. TP.HCM cũng sẽ triển khai quét mã QR cho các sà lan, nhận diện phương tiện cung cấp nguyên liệu cho dự án để đẩy nhanh việc cung cấp nguyên vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công.

Về vật liệu đá, ông Lương Minh Phúc kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ các nhà thầu trong quá trình huy động đá xây dựng phục vụ thi công, đảm bảo tiến độ.

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đánh giá cao tinh thần đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng cho dự án đường Vành đai 3. Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đẩy mạnh thi công, thường xuyên kiểm tra định kỳ. Các khó khăn đến nay cơ bản đều đã được tháo gỡ, giờ là lúc quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần đã chậm.

Đối với hồ sơ thanh quyết toán giải ngân của các chủ đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị dự án làm đến đâu nghiệm thu đến đó. Về phương án đầu tư hoàn thiện nút giao Tân Vạn, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương sớm có phương án đầu tư, chậm nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này.

Đối với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị căn cứ chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Bộ Xây dựng với chức năng là cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"TP.HCM và các địa phương cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 và triển khai tuyến Vành đai 4. Việc hoàn thành các tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 sẽ tạo dư địa phát triển rất lớn cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng", Phó Thủ tướng Mai Văn Chính nhấn mạnh.

Bình luận