Năm 2024, tình hình thế giới và trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng uỷ và lãnh đạo Cục, các đơn vị trực thuộc Cục Phát triển đô thị đã hết sức tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Xây dựng.
Tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng VBQPPL lĩnh vực phát triển đô thị
Cục Phát triển đô thị là cơ quan được Bộ Xây dựng giao chủ trì, phối hợp với Cục Hạ tầng kỹ thuật và các đơn vị liên quan soạn thảo dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Hiện nay, Cục Phát triển đô thị đang tập trung tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị để trình Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ.
Đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị đã có báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách và đã được đồng ý chủ trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017.
Theo đó, Viện Kinh tế xây dựng chủ trì, phối hợp Cục Kinh tế Xây dựng và Cục Phát triển đô thị để đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Xây dựng năm 2024.
Cục Phát triển đô thị cũng tham mưu xây dựng quy trình thẩm định, đánh giá phân loại đô thị; rà soát, đánh giá tiêu chí và tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu vực dự kiến thành lập phường tại các địa phương.
Ngoài ra, Cục Phát triển đô thị còn thực hiện công tác tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo, điều hành về phát triển đô thị, như tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Hiện nay, Cục Phát triển đô thị đang triển khai điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng các đô thị loại III trở lên trên địa bàn cả nước.
Bên cạnh đó, Cục Phát triển đô thị còn tham mưu xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Chính phủ tại 4 vùng kinh tế - xã hội/6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, Cục Phát triển đô thị đang tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.
Ngoài ra, Cục Phát triển đô thị cũng tham mưu công tác triển khai xây dựng Kế hoạch phân loại toàn quốc thay thế cho Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021; tham mưu công tác triển khai Quyết định số 96/QĐ-BXD ngày 04/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và một số nhiệm vụ khác…
Triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính: Cục Phát triển đô thị đã chủ động làm việc với các Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan của 30 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, đôn đốc triển khai thực hiện các quy hoạch chung đô thị, chương trình trình phát triển đô thị làm cơ sở lập đề án phân loại đô thị đối với các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện theo thẩm quyền thẩm định, công nhận loại đô thị.
Đến nay, có tổng số 22 đơn vị hành chính là thành phố, thị xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; có tổng số đơn vị hành chính cấp xã là đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp là 59 thị trấn trong tổng số 856 đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sắp xếp trên cả nước. Cơ bản việc sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị đã được thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Cục Phát triển đô thị cũng là đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành các văn bản cho ý kiến về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các địa phương.
Công tác phân loại đô thị: Cục Phát triển đô thị đã tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận:
Đô thị loại I: TP Hải Phòng mở rộng nội thành; tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; TP Thanh Hóa mở rộng, tỉnh Thanh Hóa; TP Vinh mở rộng, tỉnh Nghệ An; TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đô thị loại II: TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; TP Nam Định mở rộng, tỉnh Nam Định; TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; TP Bắc Giang mở rộng, tỉnh Bắc Giang; TP Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng thời đã tham mưu trình Bộ Xây dựng ban hành quyết định công nhận:
Đô thị loại III: đô thị Thủy Nguyên, TP Hải Phòng; thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đô thị loại IV: đô thị Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang; đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; đô thị Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La; thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Công tác rà soát khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính: Đến tháng 12/2024, Cục Phát triển đô thị đã tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành quyết định công nhận:
Đô thị loại I: khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc đô thị Thanh Hóa; khu vực dự kiến thành lập quận, thành lập phường thuộc huyện An Dương, thuộc quận Hồng Bàng mở rộng, TP Hải Phòng; khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực dự kiến thành lập phường của thành phố Vinh mở rộng, tỉnh Nghệ An.
Đô thị loại II: khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Đô thị loại III: khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Thủy Nguyên, TP Hải Phòng; khu vực dự kiến thành lập phường Duy Tân sau sắp xếp (sáp nhập xã Hoành Sơn vào phường Duy Tân), thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đô thị loại IV: khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Chũ (dự kiến thành lập), tỉnh Bắc Giang; khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc đô thị Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La; khu vực kiến thành lập phường thuộc đô thị Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, Cục Phát triển đô thị cũng tham mưu Bộ Xây dựng thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị; kiểm tra công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị; triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030; thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; công tác hợp tác quốc tế trong phát triển đô thị; dự án ODA; công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính…
Tiếp tục tham mưu các giải pháp phát triển đô thị
Nhìn chung, năm 2024, Cục Phát triển đô thị đã nỗ lực, chủ động nắm bắt, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để đánh giá những bất cập, tồn tại và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng các giải pháp giải quyết về phát triển đô thị cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Tuy nhiên phát triển đô thị là lĩnh vực có tính đa ngành cao, trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất, nên mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thực tiễn về phát triển đô thị ở các cấp vẫn còn có những tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ tham mưu và quản lý nhà nước.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, cùng những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, năm 2025, Cục Phát triển đô thị đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hoá cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị đạt tối thiểu 45%.
Năm 2025, Cục Phát triển đô thị tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật Quản lý phát triển đô thị theo đúng tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025.
Thứ hai, tổ chức triển khai nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 143/QĐ-BXD ngày 08/3/2023 thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba, nghiên cứu, tổ chức xây dựng Chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026-2030.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển khu du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị năm 2025.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN (ASCN).
Thứ tám, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA.
Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ công tác khác, tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự các đơn vị theo quy định; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đối, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, áp dụng quy trình chuẩn ISO.
Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý tài chính, tài sản công.
Các chỉ tiêu cơ bản đạt được năm 2024 trong lĩnh vực phát triển đô thị:
Số lượng đô thị: Tính đến tháng 12/2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt; 21 đô thị loại I; 39 đô thị loại II; 44 đô thị loại III; 97 đô thị loại IV.
Tỷ lệ đô thị hoá cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị đạt 44,3%.