1. Tình hình và kết quả thực hiện
Công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), hay còn gọi là công tác PCCC trong đầu tư xây dựng, là biện pháp phòng ngừa đầu tiên trong công tác PCCC, đã được quy định ngay từ khi ban hành Pháp lệnh về PCCC số 53/PL ngày 27/9/1961 và cụ thể hóa trong Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, là việc cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến PCCC hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về PCCC được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Thủ tục thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC là một trong các bước phải thực hiện để thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng; được thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Bước lập đồ án quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo quy định của Luật quy hoạch: cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện góp ý về PCCC đối với đồ án quy hoạch 1/500 hoặc 1/2000 đối với khu công nghiệp (thời gian thực hiện: 5 ngày làm việc).
- Bước thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi: cơ quan Cảnh sát PCCC góp ý giải pháp thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở (thời gian thực hiện: 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 05 ngày làm việc đối với dự án nhóm B, C). Văn bản góp ý giải pháp PCCC là một trong những căn cứ để cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở (Điều 14 Nghị định 15/2021/NĐ-CP).
- Bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt và cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công (thời gian thực hiện: 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm B, C), là căn cứ để cơ quan chuyên môn cấp phép xây dựng công trình (Điều 91 Luật Xây dựng).
- Bước triển khai thi công, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng: Cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận nghiệm thu về PCCC (thời gian thực hiện: 10 ngày đối với dự án nhóm A, 07 ngày đối với dự án nhóm B, C), là căn cứ để cơ quan chuyên môn vê xây dựng nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng (Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP).
Trình tự theo thời gian các bước thẩm định thiết kế của cơ quan Cảnh sát PCCC và cơ quan chuyên môn về xây dựng để cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng:
- Giai đoạn thẩm định dự án, cấp phép xây dựng: (1)Cơ quan Cảnh sát PCCC góp ý đối với hồ sơ thiết kế cơ sở dự án → (2)Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở) dự án → (3)Cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công → (4)Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công) đối với dự án sử dụng ngân sách nhà nước hoặc vốn nhà nước ngoài ngân sách → (5)Cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương nơi công trình xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho dự án, công trình.
- Giai đoạn nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng: (1)Cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC → (2)Cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Cơ sở cho việc thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hiện nay, gồm 21 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 38 Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam.
Trong số này, ngoài tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống PCCC do các đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu xây dựng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn lại hầu hết do các bộ ngành trực tiếp xây dựng, ban hành theo lĩnh vực quản lý, trong đó nòng cốt là Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình áp dụng cho hầu hết các công trình dân dụng, công cộng, dịch vụ, thương mai, nhà xưởng sản xuất, nhà kho.
Ngoài ra, đối với công trình đặc thù có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho lĩnh vực đó như: công trình xăng dầu, dầu khí (QCVN 10:2012/BCT khí dầu mỏ hóa lỏng tại nơi tiêu thụ; QCVN 01:2020/BCT về cửa hàng xăng dầu; QCVN 01:2019/BCA về hệ thống PCCC công trình khí; TCVN 5307:2009 kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ...); công trình sản xuất, tồn chứa vật liệu nổ công nghiệp (QCVN 01:2019/BCT); phương tiện giao thông cơ giới (QCVN 72:2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa)...
Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế, nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Luật PCCC:
"Tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế có quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế có quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hoặc phù hợp với yêu cầu thực tế của Việt Nam và được Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản".
Việc giải quyết thủ tục hành chính về công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Theo đó, đối với các thủ tục này, toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng, kết quả được trả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trừ trường hợp kiểm tra kết quả nghiệm thu đối với thủ tục nghiệm thu về PCCC, cơ quan giải quyết không tiếp xúc với cá nhân, tổ chức; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Như vậy, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cơ bản khá đầy đủ, được rà soát, sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý về PCCC.
2. Tồn tại, khó khăn
Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy và chữa cháy (PCCC), Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy định về xử lý các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC.
Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các biện pháp xử lý đối với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng sau ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực và hướng dẫn các biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, đến nay, qua thống kê cho thấy, trên toàn quốc vẫn còn hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu an toàn PCCC theo QCVN 06 của Bộ Xây dựng.
Trong đó khó khăn, vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như: đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; khoảng cách PCCC của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở… hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.
Nguyên nhân của tồn tại nêu trên là do:
- Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của chủ đầu tư chưa nghiêm, hoặc chưa nắm rõ quy định về PCCC, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC; một số chủ đầu tư cố tình không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật như thi công hệ thống PCCC không đúng thiết kế được duyệt, không thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC trước khi đưa công trình vào hoạt động.
Ngoài ra, còn một số chủ đầu tư phó mặc trách nhiệm, ủy quyền cho các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu PCCC liên hệ, thực hiện các thủ tục tại cơ quan Cảnh sát PCCC nên không nắm được trình tự, thời gian giải quyết hồ sơ, không nắm được các nội dung tồn tại để tổ chức khắc phục, nhiều hồ sơ đã được hướng dẫn hoàn thiện nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến hồ sơ phải nộp đi, nộp lại nhiều lần.
- Năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế còn yếu, chưa kịp thời cập nhật các quy định mới của tiêu chuẩn, quy chuẩn, hồ sơ thiết kế phải nộp đi nộp lại, cơ quan Cảnh sát PCCC phải hướng dẫn, giải thích những quy định cơ bản nhiều lần.
Tình trạng đơn vị thi công không có chuyên môn còn diễn ra phổ biến, khi hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu thì nhờ đơn vị khác có đủ năng lực đứng tên, nên chất lượng thi công kém, quá trình thi công không tuân thủ thiết kế được phê duyệt, phải tổ chức nghiệm thu nhiều lần, chủ đầu tư tốn nhiều chi phí khắc phục và ảnh hưởng tiến độ đưa dự án vào khai thác sử dụng.
- Trong quá trình hoạt động, do nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhiều chủ cơ sở tự ý cải tạo, mở rộng quy mô nhà xưởng, dây chuyển sản xuất mà không quan tâm nâng cấp cải tạo hệ thống PCCC, không thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu theo quy định.
- Do trước đây ở một số địa phương còn chủ trương trải thảm đỏ để thu hút đầu tư, phát triển nóng mà chưa quan tâm chú trọng đến công tác PCCC, cấp phép xây dựng, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.
- Công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, thống nhất dẫn đến tình trạng còn công trình xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, không hợp pháp, đất xen kẹt, đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng.
- Ngoài ra, các quy định về an toàn cháy cho nhà, công trình còn một số bất cập, hạn chế khiến chủ công trình/cơ sở khó có khả năng thực hiện, khắc phục theo quy định, nhất là những yêu cầu liên quan đến tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc, kết cấu xây dựng và hệ thống kỹ thuật khác có liên quan. Các công trình/cơ sở hiện hữu này không có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành.
3. Phương hướng trong thời gian tới
3.1. Nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCCC theo hướng xã hội hóa công tác thẩm duyệt, nghiệm thu
Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch về lập đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy và chữa cháy và CNCH.
Bộ Công an đã tổ chức khảo sát việc triển khai các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH tại các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó hoàn thiện báo cáo, đề cương đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy và chữa cháy và CNCH, trong đó sẽ đề xuất tăng cường xã hội hóa một số nội dung về PCCC, các nội dung liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành nào thì giao cho các Bộ, ngành đó thực hiện.
3.2. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp
Bộ Công an đã nghiên cứu đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trong đó có đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thẩm duyệt về PCCC, cụ thể:
- Đối với thủ tục thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Thành phần hồ sơ thẩm duyệt đã bãi bỏ nội dung ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật, bãi bỏ giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC; bãi bỏ bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy (đối với hồ sơ thiết kế cải tạo, điều chỉnh).
Bổ sung hình thức thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận để phù hợp việc triển khai nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công phục vụ thực hiện Đề án 06/CP.
Phân cấp thẩm duyệt thiết kế về PCCC mạnh hơn cho Công an các địa phương, trong đó: phân cấp toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC; phân cấp các công trình có chiều cao từ trên 100 m đến 150 m; phân cấp các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A mà không có công trình quy mô lớn thuộc cấp đặc biệt, cấp I; các nội dung phân cấp này cơ bản phù hợp, đồng bộ với nội dung dự kiến phân cấp thẩm định thiết kế của Bộ Xây dựng.
- Đối với thủ tục nghiệm thu về PCCC: Đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính phù hợp hình thức nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công. Đã cắt giảm thành phần hồ sơ nghiệm thu phải nộp khi đề nghị cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra kết quả nghiệm thu chỉ còn 2/9 thành phần hồ sơ (các bản vẽ hoàn công hệ thống PCCC và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt; văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến PCCC).
3.3. Xử lý đối với công trình hiện hữu chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đưa vào hoạt động
Để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại về PCCC, đặc biệt là các cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của nhân dân, Chính phủ giao giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm”.
3.4. Các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các khó khăn, bất cập của tiêu chuẩn đề sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Nhất là Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất không gây lãng phí nguồn lực xã hội và có tính khả thi, trong đó bao gồm: (1) Các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân như: kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị…; (2) Quy chuẩn đối với các loại hình không có nguy cơ cao, môi trường cháy, vật liệu cháy,… Quy chuẩn cần được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để ban hành.