Cụ thể, Bộ Xây dựng có công văn số 3902/BXD-QHKT cho ý kiến về đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định đô thị Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đến năm 2030 là đô thị loại V. Do đó, việc lập Quy hoạch chung đô thị mới Púng Luông, huyện Mù Cang Chải là có cơ sở.
Trên cơ sở nghiên cứu đồ án, Bộ Xây dựng lưu ý việc xác định các chức năng sử dụng đất trong đồ án phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan; đồng thời nhấn mạnh một số khu vực chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ (giảm khoảng 48 ha), rừng sản xuất (giảm khoảng 157 ha) sang đất du lịch - dịch vụ thương mại, đất rừng sản xuất (giảm khoảng 12 ha) sang đất công nghiệp là chưa có cơ sở.
Ngoài ra, các chỉ tiêu sử dụng đất trong đồ án quy hoạch chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (ví dụ: đất dân dụng bình quân khoảng 131 m2/người trong khi chỉ tiêu này đối với đô thị loại V tối đa là 100 m2/người).
Để hoàn thiện đồ án, Bộ Xây dựng đề nghị địa phương làm rõ việc chưa thống nhất về phạm vi, diện tích lập Đồ án quy hoạch tại văn bản số 1658/UBND-TKTH và Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Nhiệm vụ lập Đồ án quy hoạch.
Xác định động lực chính để hình thành, phát triển của đô thị Púng Luông, bao gồm tiềm năng cảnh quan môi trường sinh thái; luận cứ việc tính toán quy mô dân số nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của huyện Mù Cang Chải, khu vực lập quy hoạch và quy hoạch tỉnh Yên Bái (lưu ý dự báo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tăng dân số cơ học).
Đồng thời làm rõ cơ sở, tính khoa học việc xác định các chức năng đất ở mới liền kề với Quốc lộ 32, đường tỉnh 175B, hạn chế phát triển đất ở mới ngoài khu vực trung tâm đô thị Púng Luông nhằm tăng chất lượng sinh hoạt của dân cư và sử dụng hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Ngoài ra, cần bổ sung nội dung báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư liên quan; dự thảo Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch.
Cuối cùng, Bộ Xây dựng đề nghị địa phương rà soát quy cách thể hiện bản vẽ và nội dung thuyết minh (lưu ý về màu sắc, quy cách thể hiện các loại đất dân dụng, đất ngoài dân dụng, đất khác, phân tách rõ diện tích các loại đất rừng) phải tuân thủ quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.
Mù Cang Chải nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành, nhiều tiềm năng về khoáng sản về cảnh quan tự nhiên.
Quy hoạch Yên Bái giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 nêu định hướng tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hai khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh, gồm Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà và Khu du lịch Quốc gia Mù Cang Chải.
Ngoài ra, Quy hoạch cũng nêu định hướng đầu tư phát triển các khu du lịch cấp tỉnh ở Yên Bái, bao gồm Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); Văn Yên (huyện Văn Yên); hồ Vân Hội (huyện Trấn Yên); Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ).
Vùng kinh tế phía Tây của tỉnh (thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu) được đầu tư thành trung tâm động lực kinh tế. Trong đó, Mù Cang Chải được định hướng trở thành huyện du lịch.