Hệ thống văn bản pháp luật chưa thống nhất
Trong đó, một số dự án quan trọng quốc gia chậm tiến độ, nhiều dự án chưa đủ điều kiện để phân bổ, giao kế hoạch trung hạn. Đặc biệt, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành thủ tục phân bổ vốn đầu tư công.
Việc điều hòa vốn giữa nguồn lực đầu tư công trong năm 2022 cũng như với Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội cũng chưa được thực hiện.
Mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” thực hiện chưa đạt yêu cầu, nhiều dự án đang có xu hướng chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công, điều này sẽ không bảo đảm đủ nguồn lực để triển khai thực hiện theo yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng trong Nghị quyết Đại hội Đảng.

Qua trao đổi, các đại biểu chỉ ra rằng nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 tác động đến tiến độ thực hiện dự án, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao… Năm 2021 cũng là năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khâu tổ chức thực hiện, cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi kết quả rất thấp. Trong đó, hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư công, nhất là văn bản hướng dẫn luật chưa đầy đủ đồng bộ, thống nhất; Công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thấp, một số dự án được phê duyệt mang tính chất hình thức để ghi vốn, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, nhất là các dự án ODA; Lựa chọn các dự án đưa vào danh mục đầu tư công chưa có cơ sở định lượng, chưa tính toán cơ sở ưu tiên; Chậm phân bổ chi tiết dự án; Phân bổ vốn dàn trải, thiếu tập trung, chưa bám sát định mức, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn; Khó khăn trong việc giải quyết GPMB chưa được giải quyết kịp thời; Các quy định liên quan đến đấu thầu nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc cả về quy hoạch…
Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chuyển vốn chưa kiên quyết, thiếu linh hoạt dẫn đến chưa thực hiện được quy định về cắt giảm vốn của các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để điều chuyển sang các bộ, ngành có khả năng giải ngân.
Trách nhiệm người đứng đầu
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, các đại biểu đặt ra vấn đề về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Trung ương, địa phương; Sau đó đến thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, GPMB, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, giá nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án không giải ngân được sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu cần bổ sung vốn; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và các pháp luật có liên quan theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục, chủ trương; kiên định mục tiêu tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, triển khai các dự án lớn phải bảo đảm chắc chắn về nguồn lực.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần tuân thủ nghiêm khắc các quy định của pháp luật và bám sát vào các mục tiêu, yêu cầu khi thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải, kéo dài. Tiếp tục kiên định mục tiêu tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân các dự án đầu tư công phải đi đôi với hiệu quả, chất lượng công trình, không giải ngân vốn bằng mọi giá.
Đầu tư công đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi về nguồn vốn và sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh cũng như sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cho nên, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân theo vị trí, vai trò, trách nhiệm cần tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công.