Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển đô thị thành phố Hải Dương nhanh và bền vững

15:58 27/10/2022
Phát triển TP Hải Dương với vị thế và xu hướng phát triển mới, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững. Đây là mục tiêu được nhấn mạnh trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040.

Sáng 27/10, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040. Hội nghị nhằm báo cáo và xin ý kiến về phương án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040, làm cơ sở hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp và logistics của khu vực

Tại Hội nghị, sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày về định hướng quy hoạch, thế mạnh, hạn chế và những lưu ý trong việc điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040, Hội đồng Tư vấn lưu ý một số nội dung liên quan đến quy hoạch kiến trúc; dự báo về biến động dân cư; tiêu thoát nước sông, hồ; rà soát lại tính chất đô thị theo Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; làm rõ tính chất là trung tâm công nghiệp, logistics trong vùng; rà soát, đánh giá lại quy mô, chỉ tiêu cây xanh công cộng; làm rõ cấu trúc phát triển đô thị với các đô thị lân cận, kết nối hạ tầng; làm rõ định hướng phát triển vùng nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái; xác định tuyến đường cảnh quan 2 bên sông Sặt,…

Các chuyên gia góp ý đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040.

Phát biểu tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040.

KTS Lã Kim Ngân, Hội KTS Việt Nam góp nhiều ý kiến về không gian kiến trúc. Bà Ngân cho rằng, đồ án nhìn chung đã đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; đã có sự rà soát và kế thừa nhiều nội dung tích cực của quy hoạch năm 2017. Tuy nhiên, bà Lã Kim Ngân bày tỏ sự băn khoăn về định hướng lấy sông Thái Bình làm trục phát triển, cảnh quan mà không phải sông Sặt.

Bên cạnh đó, bà Ngân cũng đề nghị địa phương và đơn vị tư vấn tính toán lại chức năng phát triển các khu đô thị; phân khu phát triển; rà lại quy hoạch sử dụng đất; nhất quán trong các số liệu; tổ chức không gian và thiết kế đô thị; cần thiết thì lập bảng so sánh các chỉ số đạt được của quy hoạch lần này với tiêu chí đô thị loại 1, đáp ứng các chỉ tiêu về đô thị xanh, thông minh, bền vững.

Về vấn đề hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia Trần Anh Tuấn lưu ý mội số nội dung về hạ tầng giao thông với tư cách là địa phương nằm trong vùng Thủ đô; đánh giá thêm năng lực vận tải của tỉnh, nhu cầu thực tế của đường sắt; đánh giá chất lượng nước sông Thái Bình; đất dành cho nghĩa trang…   

Trong đó, về định hướng phát triển giao thông, cần phân tích rõ cho từng giai đoạn 2030, 2040; có bản đồ giao thông vùng Thủ đô và kết nối với tỉnh và TP Hải Dương; bổ sung dự báo giao thông vận tải theo giai đoạn 2030, 2040; giao thông đối ngoại, cần phân định rõ hơn về yếu tố nội - ngoại; xác định các điểm giao cắt; đường sắt đoạn qua đô thị định đưa lên cao, sẽ phải xây dựng thêm các cầu, khá phức tạp; xác định các bãi đỗ xe phục vụ cho lập quy hoạch phân khu; cân bằng lại dự báo nguồn nước, công suất các nhà máy nước, các trạm thoát nước thải; vấn đề xử lý chất thải rắn của đô thị loại 1;…

Đô thị xanh, hiện đại và mang bản sắc văn hóa xứ Đông

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng, phát biểu kết luận Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng đánh giá cao đơn vị tư vấn đã cơ bản chuyển tải được mục tiêu của địa phương thể hiện qua Quy hoạch.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của địa phương và đơn vị tư vấn cần hoàn thiện thêm Đồ án về các mặt: Rà soát các căn cứ pháp lý, cập nhật những căn cứ mới; xem xét các quy hoạch ngành đã được phê duyệt để đảm bảo tính thống nhất về quy mô, địa điểm, định hướng.

Về tính chất đô thị, cần tuân thủ nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; làm rõ các tiêu chí áp dụng cho thành phố Hải Dương là đô thị thông minh, đô thị xanh; đồng thời làm rõ hơn các chỉ tiêu dự báo về dân số, cơ sở và căn cứ tính toán; tổ chức không gian đô thị.

Bà Hằng cũng lưu ý địa phương cân nhắc việc lấy sông Thái Bình hay sông Sặt làm trục phát triển, cần hài hoà các yếu tố kế thừa và yếu tố mới; làm rõ hiện trạng sử dụng đất so với quy hoạch năm 2017; làm rõ sự chuyển dịch, lưu ý các vấn đề về đất nông nghiệp, mặt nước và thủy lợi; định hướng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho thống nhất với các quy hoạch ngành.

Về thiết kế đô thị và cấu trúc cảnh quan, cần chú ý các điểm nút giao thông để có định hướng khai thác tốt các cửa ngõ mới; các dự án ưu tiên; đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững.

Trong Vùng Thủ đô Hà Nội, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương được xác định là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng Nam và Đông Nam Đồng bằng sông Hồng.

Bình luận