Phát triển Bến Lức trở thành đô thị cửa ngõ của vùng TP.HCM

14:13 25/04/2024
Huyện Bến Lức, tỉnh Long An được xác định là đô thị cửa ngõ, một trong những trung tâm trung chuyển của vùng TP.HCM và vùng ĐBSCL, đồng thời là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.

Ngày 25/4, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045. Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng.

Đô thị hạt nhân, đóng vai trò kết nối vùng đô thị trung tâm  

Huyện Bến Lức nằm ở phía Đông của tỉnh Long An, là cửa ngõ kết nối tỉnh Long An nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung với vùng TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Lức nằm trong hành lang kinh tế - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, đẩy mạnh phát triển đô thị hoá, công nghiệp hoá. Trong khi đó, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Lức nằm trong vùng phát triển đô thị và công nghiệp, trung tâm tiểu vùng đô thị phía Đông của tỉnh, tập trung phát triển đô thị sinh thái gắn với công nghiệp sạch, công nghiệp cao.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Bến Lức, với 14 xã và 1 thị trấn; diện tích tự nhiên khoảng 28.785 ha.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch được xác định cụ thể như sau: Phía Bắc giáp huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ; phía Nam giáp huyện Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc; phía Đông giáp huyện Bình Chánh, TP.HCM; phía Tây giáp huyện Thủ Thừa.

Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đạn dài hạn đến năm 2045.

Bến Lức được xác định là đô thị cửa ngõ, một trong những trung tâm trung chuyển của vùng TP.HCM và vùng ĐBSCL, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.

Đồng thời là đô thị hạt nhân, kết nối vùng đô thị trung tâm theo trục hành lang, kinh tế đô thị và công nghiệp; vùng phát triển công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm công nghiệp - công nghệ cao, trung tâm văn hóa - đào tại - y tế chất lượng cao của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Bến Lức còn là đô thị thuộc vùng đô thị động lực của tỉnh Long An, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối, vận chuyển hàng hóa giữa vùng ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự báo sơ bộ về dân số, đến năm 2030 đô thị Bến Lức có khoảng 350.000 người, trong đó dân số chính thức 220.000 người, dân số quy đổi khoảng 130.000 người; đến năm 2045 có khoảng 650.000 người, trong đó dân số chính thức 350.000 người, dân số quy đổi là 300.000 người.

Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 8.000 - 9.000 ha, đến năm 2045 khoảng 10.000 - 12.000 ha.

Những yêu cầu trọng tâm của Nhiệm vụ Quy hoạch gồm phân tích, đánh giá thực trạng và các quy hoạch, chương trình, dự án đang được triển khai. Phân tích các tiền đề, động lực phát triển; dự báo phát triển theo các giai đoạn quy hoạch, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững.

Đồng thời nghiên cứu cấu trúc đô thị, đề xuất định hướng phát triển không gian, dự kiến khu vực nội thị, ngoại thị; tổ chức hệ thống trung tâm, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị thông minh, sinh thái, đầu mối logistics gắn với phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý phát triển theo quy hoạch, tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng đô thị vùng sông nước, hình thành bản sắc riêng cho đô thị Bến Lức trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định chủ trương của tỉnh xây dựng Bến Lức thành vùng động lực phát triển đô thị, công nghiệp.

Bên cạnh đó là yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện. Lựa chọn các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Bến Lức.

Thống nhất về dữ liệu, dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan với Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

Rà soát, bổ sung các chỉ tiêu phát triển theo tiêu chí đô thị loại III

Đánh giá về Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng hồ sơ cơ bản đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.

Để hoàn thiện hồ sơ, thành viên Hội đồng đề nghị đơn vị lập quy hoạch bổ sung các căn cứ pháp lý mới thay cho các quy định đã hết hiệu lực; đánh giá viêc thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định các nhiệm vụ thực hiện trong khâu đồ án Quy hoạch phù hợp với thực tiễn; cập nhật các quy hoạch mới, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông, công nghiệp; rà soát bổ sung các chỉ tiêu theo đô thị loại III; làm rõ hơn các căn cứ dự báo chỉ tiêu về dân số, đất đai, nhất là vấn đề chuyển dịch và phân bổ đất nông nghiệp; tính toán kế hoạch ngân sách đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, huyện Bến Lức đã làm rõ thêm một số nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn, đồng thời chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức trước khi trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, phát biểu kết luận Hội nghị thẩm định.

Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng cho rằng dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch đã thể hiện tương đối rõ vai trò của Bến Lức với tư cách là cửa ngõ, giao điểm của TP.HCM với vùng ĐBSCL.

Để hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch, bà Trần Thu Hằng đề nghị địa phương chỉ đạo đơn vị tư vấn bổ sung, làm rõ thêm các cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, trên cơ sở đó lựa chọn các mục tiêu đã được định hướng; rà soát lại toàn bộ các quy hoạch ngành, quốc gia có liên quan; làm rõ vị trí, vai trò của Bến Lức đối với tỉnh Long An.

Bên cạnh đó, đồ án Quy hoạch cũng cần đánh giá hiện trạng các quy hoạch đã có, xem xét các nội dung kế thừa, cập nhật, định hướng các nội dung mới; làm rõ cơ sở của các dự báo về dân số, đất đai, cần cân đối, phù hợp với thực tiễn; xem xét vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, mô hình tổ chức không gian phù hợp với đặc trưng sông nước; làm rõ hơn vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình phát triển theo xu hướng mới…; xác định các giai đoạn phát triển, nguồn lực và rà soát hồ sơ, dự thảo quyết định đảm bảo thống nhất và thuyết phục về số liệu.

Bình luận