Phát triển cây xanh - hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Để giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì phát triển cây xanh được xem là giải pháp cấp thiết được nhiều quốc gia triển khai. Ước tính, trung bình cần trồng từ 6 đến 10 cây mới để hấp thụ 1 tấn CO2 phát thải trong 1 năm. Mỗi tấn CO2 phát thải được tính là 1 tín chỉ carbon.

Thomas Fuller - giáo sĩ, nhà sử học người Anh đã từng nói rằng “Người trồng cây là những người biết yêu thương người khác”. Bởi, chăm một cây cần rất nhiều công sức, sự kiên trì và tình cảm dành cho cây. Tặng một cây cũng là thể hiện tình yêu thương dành cho người khác.

1. Cây xanh đối với cuộc sống con người, phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

Cây xanh mang lại nhiều lợi ích, với môi trường tự nhiên, cây xanh giúp hấp thụ CO2, sản sinh ô-xi, giữ nước mưa, củng cố nền đô thị, điều tiết khí hậu bằng bóng đổ và làm mát, hấp thụ chất độc từ đất và nước, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị, các khu công nghiệp, các làng nghề; ngăn chặn tình trạng xói mòn, sạt lở đất bờ sông, bờ biển, chắn sóng, ngăn chặn cát bay, cát nhảy dọc các bờ biển; giữ độ ẩm cho nền đất, bảo vệ nguồn nước. 

Cây xanh còn được biết đến như “tấm lá chắn” có khả năng cản bụi cho các đô thị lớn hay khu công nghiệp. Hệ thống rễ đâm sâu của cây giúp đất tơi xốp hơn, nhờ đó khi mưa lớn nước sẽ thẩm thấu nhanh, góp phần giảm tình trạng ngập úng tại đô thị. 

Tại khu vực trung du và miền núi, rừng rậm giữ vai trò chủ chốt trong điều hòa dòng chảy. Rễ cây cũng tạo cho đất kết cấu chắc chắn hơn, giảm xói mòn, sạt lở khi mưa lớn. Tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi của nước, từ đó góp phần cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều địa phương.

Hình 1: Cây xanh - công viên với môi trường.

Với xã hội, cây xanh góp phần nâng cao chất lượng sống của con người giúp cho việc cải thiện tinh thần và sức khỏe, nhất là sức khỏe tinh thần, rút ngắn thời gian phục hồi bệnh tật; Tăng sự giao tiếp xã hội giữa con người với con người, con người với tự nhiên đồng thời tạo sự tiện nghi và hạnh phúc.

Với kinh tế, cây xanh đô thị góp phần giảm năng lượng sử dụng trong công trình, tăng giá trị bất động sản, nhất là hiện nay, khi con người quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống xanh và sạch, đồng thời làm tô đẹp thêm cảnh quan đô thị, tăng giá trị du lịch từ văn hóa và môi trường…

Cây xanh vừa là tự nhiên vừa là nhân tạo, trở thành gạch nối giữa con người với tự nhiên, giữ gìn và mang lại sự hài hòa, nhân văn và thân thiện.

Mặc dù vai trò của cây xanh là khá rõ ràng nhưng trên thực tế còn một số tập thể, cá nhân thiếu ý thức bảo vệ, chăm sóc và có hành vi gây hại đến sự khỏe mạnh của cây, nhất là cây cổ thụ như: Đổ rác, phóng uế bừa bãi dưới các gốc cây, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do hoặc đóng đinh căng dây làm trụ treo dẫn dây cáp điện, điện thoại, làm nơi gửi xe, làm nơi đổ vật liệu xây dựng, thậm chí chặt phá, hủy diệt cây xanh. 

Hình 2: Chặt hạ cây xanh.

Ngoài ra, việc duy trì, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các quần thể cây xanh trên đường phố, đại lộ, trên các bờ sông, bờ biển, đường làng, hẻm phố, các khu vực dân cư nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta vẫn chưa có một chương trình điều tra, khảo sát cũng như giám sát, kiểm tra tổng thể về kết quả của chương trình trồng cây xanh trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian vừa qua. Việc thiếu đầu tư chăm sóc, bảo vệ đã làm suy giảm hiệu quả vai trò cây xanh trong bảo vệ môi trường, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Chính vì vậy, việc bảo vệ, trồng, chăm sóc cây xanh phải là một chiến lược quan trọng, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời kỳ biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hiện nay.

2. Thực hiện sáng kiến của LHQ về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh

Ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu đến hết năm 2025 cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Tại khu vực đô thị, cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.

Hình 3. Cây bàng - cây bóng mát trên đường phố.

Tại khu vực nông thôn, cây xanh được trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.

Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để trồng 1 tỷ cây xanh. 

Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phấn đấu thực hiện có hiệu quả việc trồng 1 tỷ cây xanh vào năm 2025.

3. Phát triển cây xanh để góp phần đưa phát thải ròng bằng 0

Để giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó, có khí carbon dioxide (CO2) thì phát triển cây xanh được xem là giải pháp cấp thiết được nhiều quốc gia triển khai. Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên, cây xanh có khả năng hấp thụ lượng lớn khí CO2 qua quá trình quang hợp. Số cây cần phải trồng để tạo ra một tín chỉ carbon có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại cây, diện tích trồng, vùng đất trồng cây, thời gian trồng và các phương thức chăm sóc. Tuy nhiên, một số ước tính cho rằng trung bình cần trồng từ 6 đến 10 cây mới để hấp thụ 1 tấn CO2 phát thải trong 1 năm. Mỗi tấn CO2 phát thải được tính là 1 tín chỉ carbon. Trong lĩnh vực lâm nghiệp “Kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) là hướng đi mới để phát triển kinh tế lâm nghiệp của các địa phương có rừng trong giai đoạn hiện nay…”.

Ngoài CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại khác từ không khí như SO2, Clo, NH3, HCL… Bên cạnh đó, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước. 

Cần tổng hợp, kiểm kê, đánh giá một cách khách quan, khoa học, cụ thể các mô hình trồng, chăm sóc - bảo vệ cây xanh để có các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi ích của cây xanh trong phát triển kinh tế; trong cuộc sống, trong bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn.

Trồng cây xanh phải đi liền với đầu tư chăm sóc bảo vệ - giám sát - kiểm tra thường xuyên số lượng, chất lượng các loài cây đã được trồng, cần quan tâm đúng mức trồng các loài cây có nguồn gốc, bản địa ở từng vùng sinh thái một cách phù hợp để sinh tồn và phát triển. 

Việc trồng cây xanh cần phải gắn liền với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường. 

Hình 4: Phát triển cây xanh hướng đến Net zero 2050.

Phát triển cây xanh phải được quản lý, giám sát một cách hệ thống, bài bản và chuyên nghiệp từ khâu khảo sát, đánh giá tiền khả thi đến khâu lập kế hoạch trồng chi tiết, lên phương án trồng, chăm sóc và bảo vệ cây, lập báo cáo phân tích và đo đạc số liệu về lượng khí CO2 được hấp thụ, kiểm kê khí nhà kính…

Phát triển cây xanh đang là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Trồng thêm cây xanh cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính, đồng thời cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối mọi thành phần trong xã hội, cộng đồng, tham gia trồng và bảo vệ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường không khí trong lành, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý các nguồn vốn xanh tự nhiên trong nhân tạo để thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững.

Thay lời kết

Cách đây đúng 64 năm (28/11/1959) tại Hà Nội, Bác Hồ phát động Tết trồng cây "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều", "Vì lợi ích 10 năm trồng cây". Lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước và đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngày nay, việc tăng cường cây xanh đô thị lại càng có ý nghĩa trước những thách thức của tác động biến đổi khí hậu. 

Phấn đấu xây dựng đô thị xanh không chỉ ở đường phố, công viên, khu vực công cộng mà còn tại mỗi hộ dân, các thôn làng, ngõ xóm với phương châm người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây gắn với phát triển đô thị, trồng cây gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong xây dựng phát triển đô thị xanh, bản sắc văn minh hiện đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 524/QĐ-TT ngày 01/4/2021 phê duyệt đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
2. Đỗ Minh Huyền (2023), Quản lý cây xanh TP.HCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Tạp chí Vật liệu Xây dựng 4/2023
3. Đặng Huy Huỳnh (2022), Trồng và bảo vệ cây xanh - Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022.
4. Tầm quan trọng của cây xanh với mục tiêu Net zero 2050, Tạp chí Kinh tế Môi trường số 203, 1/2023.

Bình luận