Quy hoạch để phát triển
Ngày 26/6/2012, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương tầm nhìn đến năm 2030, xác định mô hình chùm đô thị và đô thị vệ tinh, tổ chức không gian địa bàn theo hình thái đô thị phát triển đồng đều theo chiến lược khu vực: Phía nam, phía bắc và trung tâm. Mô hình “chùm đô thị” và đô thị vệ tinh liên kết chặt chẽ với nhau trên nguyên tắc “một đô thị ba chiến lược phát triển kết nối với hành lang xanh” là sự lựa chọn hợp lý và khả thi.
Cụ thể, các huyện, thị, thành phố phía nam xây dựng theo mô hình đô thị nén, mật độ cao. Trong đó, khu đô thị Thuận An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp, đô thị Dĩ An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông. Ở khu vực đô thị trung tâm (TPThủ Dầu Một), xây dựng theo mô hình đa chức năng, đa trung tâm, là khu vực dịch vụ - công nghiệp - thương mại. Khu vực phía bắc, gồm Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, xây dựng theo mô hình đô thị vệ tinh với chức năng công nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Vừa qua, Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy khi được thông qua và triển khai thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng các đô thị để người dân được hưởng thụ tốt nhất về điều kiện hạ tầng kỹ thuật trong đô thị hóa.
Theo dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Bình Dương sẽ tổ chức triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư, như thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, hạ ngầm bó cáp viễn thông, cấp điện, chống ngập nước… Đẩy nhanh công tác tổ chức lập, trình duyệt và phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền gồm quy hoạch chung các đô thị Thuận An, Tân Uyên, Dĩ An, Thủ Dầu Một; quy hoạch vùng các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo. Các đồ án quy hoạch phân khu, các quy hoạch chung, các đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức lập và triển khai các quy hoạch chi tiết 1/500 tại các khu vực cần chỉnh trang, các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan; các điểm nhấn đô thị; khu vực trung tâm các đô thị hiện hữu làm cơ sở lập các dự án đầu tư về cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Kết nối nội, ngoại tỉnh
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Bình Dương đang thực hiện là tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, tạo đột phá từ các công trình hạ tầng mang tính tạo lực, bảo đảm kết nối nội tỉnh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu được tập trung đầu tư kết nối các vùng phát triển công nghiệp và đô thị. Giao thông đối ngoại kết nối với các tỉnh, thành lân cận, kết nối giữa đô thị trung tâm và các đô thị trong tỉnh được chủ động đầu tư theo quy hoạch và cơ bản hoàn thành. Có thể kể đến như Quốc lộ 13 kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây nguyên, đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối TP Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp của tỉnh, đường Phạm Ngọc Thạch - Hùng Vương kết nối khu đô thị hiện hữu và khu đô thị thành phố mới.
Ngoài ra, còn hệ thống các đường tỉnh kết nối các huyện, thị lân cận và hệ thống các đường nội thị được đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị mới và hạ tầng sản xuất đã hình thành theo hướng hiện đại. Hệ thống chiếu sáng đô thị đã được đầu tư ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện và từng bước ngầm hóa. Cây xanh đô thị được cải tạo, chỉnh trang phù hợp thổ nhưỡng và cảnh quan đô thị. Hệ thống cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước sạch cho các đô thị. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống cấp điện, nâng công suất điện và cơ sở vật chất ngành điện nhằm bảo đảm nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các thành phần kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh từng bước được nâng lên. Công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh tiếp tục tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông thôn… Bình Dương tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng với nhiều hình thức BOT, BT.
Tỉnh đang tập trung đầu tư các tuyến giao thông liên đô thị nhằm kết nối với các đô thị trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh - đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1); đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (giai đoạn 1), BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13…
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh từng bước được nâng lên. Công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh tiếp tục tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông thôn… Bình Dương tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng với nhiều hình thức BOT, BT.
Nguồn: Báo Bình Dương