Dự án Thành phố xanh: Phát triển đô thị, tăng trưởng xanh và chống chịu khí hậu ở Đông Hà, Quảng Trị, Việt Nam bao gồm 2 hợp phần Dự án đầu tư và Hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, Hợp phần 1: Dự án đầu tư đề xuất thiết lập nền tảng cho cơ sở hạ tầng thành phố được cải thiện, có 3 dự án thành phần: Các dự án kè (có 7 tiểu dự án: Kè xung quanh Hội Sông, 2 tiểu dự án kè bờ Tây sông Thạch Hãn, 3 tiểu dự án kè bờ Bắc sông Vĩnh Phước, kè bờ Nam sông Hiếu), Dự án thoát nước (có 3 tiểu dự án: Cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Khe Mây, Cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Trung Chỉ và Cải thiện hệ thống thoát nước khu thu nhập thấp) và các dự án nâng cấp đô thị (có 2 tiểu dự án: Công viên Bà Triệu và Cải tạo đường phố khu thu nhập thấp).
Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật, sẽ xây dựng dựa trên nền tảng này để tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu thông qua thay đổi gia tăng được thúc đẩy bởi quá trình ra quyết định sáng suốt và tăng cường năng lực kỹ thuật. Hợp phần 2 có 4 tiểu dự án: Hỗ trợ lập kế hoạch sử dụng đất thích ứng với khí hậu và quản lý lũ lụt; Hỗ trợ hoạt động thực hiện chương trình đầu tư; Hỗ trợ chương trình thành phố thí điểm thực hiện kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Hỗ trợ các hoạt động kinh tế địa phương và tạo việc làm xanh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn chỉ ra những lợi ích hạng mục kè đề xuất: Chống sạt lở, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, với tổng chiều dài bờ sông được bảo vệ 11.7 km, ước tính tổng diện tích đất bờ sông được bảo vệ: 23,5 ha, khơi thông và mở rộng dòng chảy; Phòng chống lũ lụt, giảm 6% diện tích ngập lụt đối với các trận mưa tần suất xuất hiện < 10%; Cải thiện điều kiện môi trường sống khu vực ven sông và tạo điều kiện phát triển công viên bờ sông.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của dự án cũng chỉ ra có sự khác biệt so với thiết kế của tư vấn địa phương: Thiết kế sơ bộ được đưa ra dựa trên các số liệu tính toán thủy lực - thủy văn, có xét đến các yếu bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu; Đề xuất các giải pháp can thiệp gồm xám, xám xanh dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới cảnh quan và sinh học dòng sông.
Lợi ích chung của 3 tiểu dự án thoát nước: Tăng tỷ lệ bao phủ cống thoát nước (từ 55% lên 76%), do đó tăng cường vệ sinh môi trường trong thành phố; Tăng diện tích cây xanh, tăng trữ lượng nước mưa, giảm chiếm dụng đất và tạo ra nhiều khu vui chơi giải trí cho cộng đồng với kè mềm (bao gồm cả nạo vét) và cảnh quan xung quanh bờ sông/kênh; Giúp cải tạo dòng chảy, chống ngập úng, chống sạt lở, giải quyết hiệu quả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (giảm được 26% diện tích ngập lụt đối với trường hợp mưa trên diện rộng).
Tham gia ý kiến đối với các hợp phần của dự án, ông Phạm Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đông Hà đề nghị đề đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến đóng góp cho dự án của các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ dự án, bảo đảm hiệu quả của dự án. Trong Hợp phần nâng cao năng lực cho lãnh đạo TP Đông Hà và các ban ngành trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chống chịu, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, có 4 tiểu chương trình, trong đó có tiểu chương trình hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, do quy hoạch sử dụng đất của TP Đông Hà giai đoạn 2021-2030 được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt từ ngày 28/4/2021, nên ông Phạm Văn Dũng đề nghị đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án nghiên cứu thêm các nội dung liên quan đến vấn đề này bởi khi quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo luật pháp khá khó khăn, phải đáp ứng những điều kiện nhất định thì mới được điều chỉnh.
Ông Phạm Văn Dũng đề nghị đơn vị tư vấn và ban quản lý dự án tiếp tục nghiên cứu theo hướng thay thế tiểu chương trình hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất bằng tiểu chương trình về quy hoạch đô thị chống chịu, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm tính khả thi và sự phù hợp.