Phát triển đô thị ven biển Quảng Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu

Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong các liên kết và hợp tác kinh tế, tốc độ đô thị hóa của hệ thống đô thị ven biển Quảng Nam khá khiêm tốn, chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Một trong những nguyên nhân là do chưa có quy hoạch riêng biệt cho đô thị ven biển Quảng Nam xứng tầm với vai trò của nó.

Phát triển chuỗi đô thị ven biển 

Hệ thống đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Nam, là điểm tựa để phát triển kinh tế hệ thống đô thị vùng trung du - miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tạo dải liên kết kinh tế đô thị ven biển vùng trọng điểm kinh tế miền Trung (Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Tam Kỳ - Núi Thành - Dung Quất), tạo sự liên kết và hợp tác kinh tế du lịch phạm vi quốc gia (Hội An). 

Tuy nhiên, đến nay, chưa có Quy hoạch đô thị ven biển chính thức được lập riêng cho tỉnh Quảng Nam, mới có một số quy hoạch chỉ thể hiện được một phần các định hướng, nội dung quy hoạch đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam, như: Quy hoạch vùng tỉnh Quảng Nam 2014, Quy hoạch vùng Đông Quảng Nam 2011 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam 2015. 

Hình thái phân bố chung của hệ thống đô thị tỉnh Quảng Nam cũng như đô thị ven biển của các tỉnh là dạng chuỗi đô thị.

Hiện tỉnh Quảng Nam có 15 đô thị (1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V) và 3 khu trung tâm huyện chưa được công nhận thị trấn là Trung Phước (Nông Sơn), Tắc Pỏ (Nam Trà My) và Tơ Viêng (Tây Giang), có một đô thị chuyên ngành là Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Các đô thị phát triển chủ yếu theo dạng ”tuyến - điểm” tập trung tại các trục giao thông chính như Quốc lộ 1A, 14B, 14E, 14D, đường Nam Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường tỉnh. Các đô thị phát triển hàng đầu của tỉnh là các đô thị ven biển (Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành).

Trong đó, đô thị Hội An phát triển từ thương cảng cổ, hạ lưu sông Thu Bồn. Hình thái đô thị gắn với sông nước, các tuyến phố tự nhiên nhưng có thiên hướng dạng ô cờ, có nhiều tuyến hướng ra sông. Hạt nhân đô thị là phố cổ Hội An từ đó lan tỏa ra một số cồn và đảo xung quanh tạo ra đô thị đặc trưng gắn với nước.

Đô thị Tam Kỳ là đô thị phát triển sau so với Hội An, là đô thị trung tâm hành chính của tỉnh nên có cơ hội quy hoạch đồng bộ hơn: quảng trường hành chính đặc trưng đối xứng, tập trung các công trình hành chính chính trị quan trọng của tỉnh, hệ thống giao thông ô cờ vuông vắn. Đô thị chủ yếu tập trung phát triển ở phía Tây Nam sông Tam Kỳ, còn nhiều dư địa cho sự phát triển ở phái Đông Bắc sông Tam Kỳ

Đô thị Núi Thành phát triển dạng dải theo QL1A, Khu vực Đông Bắc là vùng mặt ngập nước của hạ lưu sông Trường Giang tạo hệ thống đầm, nhiều tiềm năng cho phát triển đô thị Núi Thành tại khu vực này, sân bay Chu Lai và hệ thống cảng mang đến những tiềm năng phát triển mô hình đô thị sân bay hoặc đô thị logistic.

So với vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, tỉnh Quảng Nam có tỉ lệ đô thị hóa còn khiêm tốn, đạt 26,3%, chỉ đứng trên Quảng Ngãi là tỉnh có tỉ lệ đô thị hóa thấp nhất. Ở vùng này, có thể coi Quảng Nam là tỉnh có tỉ lệ đô thị hóa ở mức thấp. 

Quảng Nam là tỉnh ven biển, tuy nhiên phần nhiều diện tích phía Tây lại có địa hình tương đồng với các tỉnh Tây Nguyên, các đô thị đều phát triển khó khăn, khả năng kết nối yếu do địa hình chia cắt và quỹ đất thuận lợi cho xây dựng đô thị ít. 

Tuyến đường Hồ Chí Minh là tuyến đối ngoại quan trọng giữa các đô thị Quảng Nam với vùng Tây Nguyên và các đô thị của tỉnh với nhau, tuy nhiên tuyến này chỉ đi qua 3 đô thị trong tỉnh là: Phước Sơn, Thạnh Mỹ và P’ Rao. So với vùng Tây Nguyên, Quảng Nam cũng là tỉnh có tỉ lệ đô thị hóa ở mức trung bình với tỉ lệ 26,3%, đứng trên Đắk Nông và Đắk Lắk, dưới Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai.

Tỉ lệ đô thị hóa khiêm tốn, chênh lệch lớn

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ đô thị hóa của Quảng Nam có sự tăng trưởng khoảng 1,66%, tăng mạnh nhất là khoảng 2019 - 2020 gần 1%, đây cũng là giai đoạn mà thị trường bất động sản đạt đỉnh lịch sử, các dự án bất động sản nở rộ trong cả nước. Dự án bất động sản dân dụng, đặc biệt là bất động sản du lịch phát triển tập trung ở khu vực ven biển với làn sóng dòng tiền đầu tư vào đất ven biển.

Theo thống kê, tỉ lệ đô thị hóa của vùng Đông lớn hơn vùng Tây có sự chênh lệch lớn, trong khi tỉ lệ đô thị hóa vùng Đông (bao trùm vùng đô thị hoá ven biển) đạt 31,77% thì vùng Tây chỉ đạt 13,34%. Tỉ lệ đô thị hóa tại vùng Đông cũng có sự chênh lớn, khi tỉ lệ đô thị hóa chỉ tập trung vào nhất tại 3 đơn vị hành chính TP Tam Kỳ, TP Hội An và thị xã Điện Bàn lần lượt là 75.4%, 74,6% và 41,99%. Đây đều là các đô thị phát triển nhất của tỉnh, là các đô thị ven biển. Tam Kỳ là trung tâm hành chính chính trị của tỉnh,

Hội An là trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng, Điện Bàn là đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, có sự ảnh hưởng lớn từ đô thị hóa của Đà Nẵng. 

Đối với vùng Tây tỉ lệ đô thị hóa khá thấp, cao nhất là huyện Nam Giang, nhưng tỉ lệ đô thị hóa cũng chỉ đạt 29,22%. Mặc dù, Nam Giang cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Nam cũng là của Việt Nam với của khẩu cửa khẩu Đăk Ôc giao thương với nước bạn Lào. Vùng Tây có 03 đơn vị hành chính là Nam Trà My, Nông Sơn và Tây Giang có tỉ lệ đô thị hóa bằng 0%, do các khu vực thị tứ chưa Tắc Pỏ của Huyện Trà My, Tơ Viêng của huyện Tây Giang và Trung Phước của huyện Nông Sơn chưa được nâng cấp để trở thành thị trấn, các đơn vị hành chính này đều thuộc vùng Tây.

Khả năng phát triển bền vững 

Vấn đề môi trường, tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng tỉnh Quảng Nam liên quan trực tiếp và gián tiếp đến phát triển vùng đô thị ven biển Quảng Nam.

Qua nghiên cứu, rà soát Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam 2016 - 2020, Báo cáo hiện trạng rừng tỉnh Quảng Nam năm 2020 và thông tin truyền thông xác định được một số vấn đề vừa là hệ quả của quá trình triển khai các định hướng quy hoạch vùng, đô thị liên quan vừa là vấn đề đã, đang và sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng phát triển bền vững đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam, như: Xu hướng gia tăng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật do gia tăng bất thường về thời tiết, dịch bệnh gây sức ép vấn đề ô nhiễm môi trường đất. Xu hướng gia tăng sạt lở bờ biển (ở Cửa Đại), sạt lở bờ sông (sông Vu Gia - Thu Bồn nhiều điểm sạt lở thuộc Hội An, Điện Bàn), ngập lụt, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn sâu vào đất liền do tác động của BĐKH. 

Ô nhiễm môi trường nước mặt các hệ thống sông lớn: Vu Gia - Thu Bồn (bởi Fe, TSS, Amoni, Coliform, BOD5, COD), Tam Kỳ (bởi Fe, Amoni và Coliform), Trường Giang (Amoni). Ô nhiễm nước ngầm (Amoni, Coliform, Fe, Mn). Ô nhiễm nước ven biển vào mùa mưa (Fe, TSS). Ô nhiễm môi trường không khí cục bộ (do hoạt động công nghiệp - xây dựng, hệ thống xử lý chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp chưa đảm bảo hợp vệ sinh...).

Xu hướng gia tăng sự cố cháy rừng (năm 2015 có 8 vụ cháy, 2019 có 23 vụ cháy). Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn như áp lực phát triển kinh tế, BĐKH, diễn biến đa dạng sinh học đang có chiều hướng suy giảm (việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm mất diện tích rừng đầu nguồn có tính đa dạng sinh học cao; hệ sinh thái rạn san hô đang đứng trước nguy cơ hủy hoại; diện tích rừng ngập mặn đang suy giảm đáng kể; việc xây dựng các công trình giao thông như tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn làm suy giảm nhiều diện tích rừng tư nhiên và chia cắt nhiều sinh cảnh...).

Có thể thấy, mặc dù có vai trò rất quan trọng trong các liên kết và hợp tác kinh tế nội vùng tỉnh, vùng liên tỉnh và quốc gia, hệ thống đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam vẫn có tốc độ đô thị hoá khiêm tốn và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi nhiều vấn đề môi trường, tài nguyên và tác động tiêu cực của BĐKH, do đó còn khoảng cách khá xa để đến đích mong muốn là phát triển bền vững. 

Nguyên nhân có thể do chưa có quy hoạch riêng biệt cho đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam xứng tầm với vai trò của nó. Các quy hoạch vùng bao trùm đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam chưa thực sự chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt.

Quá trình lập các quy hoạch đô thị chung, phân khu, chi tiết và các dự án đầu tư cụ thể sau các quy hoạch vùng chưa thực sự chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH. Các công cụ quản lý phát triển vùng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch chưa hiệu quả hoặc chưa có quy chế quản lý theo quy hoạch, thể chế chính sách phối hợp đa ngành liên ngành... 

Vì vậy, một số giải pháp có thể là hữu ích, cần được xem xét thực hiện để quy hoạch đô thị ven biển thực sự mang tính kết nối liên vùng theo hướng phát triển bền vững, như: Tăng cường kiểm soát thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong lập quy hoạch đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam theo pháp luật hiện hành. Lập riêng quy hoạch đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam xứng tầm vai trò của nó với cách tiếp cận quy hoạch tích hợp, liên ngành hướng đến tăng trưởng xanh và thích ứng với BĐKH.

Lập quy hoạch toàn bộ dải đô thị ven biển liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi theo cách tiếp cận quy hoạch tích hợp, liên ngành hướng đến tăng trưởng xanh và thích ứng với BĐKH. Lập quy hoạch bảo vệ môi trường, tài nguyên và thích ứng với BĐKH vùng ven biển làm cơ sở cho quy hoạch không gian lãnh thổ, phát triển bền vững kinh tế vùng.

Thực hiện nghiên cứu rà soát và đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách, cơ chế phối hợp đa ngành liên ngành trong quy hoạch, quản lý phát triển bền vững vùng. Nghiên cứu làm rõ nội hàm khái niệm “đô thị ven biển”, chức năng, vai trò, ranh giới đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam, đô thị ven biển vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và toàn bộ đô thị ven biển Việt Nam làm cơ sở cho Quy hoạch phát triển bền vững đới bờ biển Quảng Nam, vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.

Ngoài ra, việc bổ sung xem xét các vấn đề xã hội đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam có thể cung cấp thêm các giải pháp toàn diện, đầy đủ hơn.
 

Bình luận