Thực trạng và vấn đề đặt ra với Việt Nam
Nhận thức được tác động nặng nề của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của hệ thống đô thị nói riêng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề cập ảnh hưởng, thách thức mà biến đổi khí hậu đem tới, từ đó nêu hệ thống nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”(1).
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, đó là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”(2).
Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, đề ra quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Cùng với nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu, lĩnh vực phát triển đô thị cũng đã được Đảng quan tâm và chỉ đạo sát sao, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể: “Hoàn thiện toàn diện... Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị,... sức cạnh tranh của nền kinh tế”; “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương”.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này: Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 06-NQ/TW yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong. Nghị quyết số 06-NQ/TW cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ 4 có nêu “đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022, về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW”, trong đó định hướng: “Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh” và xác định 6 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng, phát triển đô thị có năng lực chống chịu, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển các công trình xanh, khu đô thị xanh trong đô thị, đảm bảo chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh”.
Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực phát triển đô thị, trong đó có nhiều định hướng, chỉ đạo nhằm bảo đảm việc phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam có bước chuyển mình đáng kể kể từ năm 1986 khi đất nước thực hiện chính sách “đổi mới”. Thời gian qua, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ thống đô thị nước ta được phân bố theo mô hình mạng lưới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy luật phát triển kinh tế. Đến hết tháng 12/2023, nước ta có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV, 702 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 42,6%. Hai vùng đô thị lớn (vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh) đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của quốc gia, đóng vai trò là các cực tăng trưởng kinh tế chủ đạo.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp, góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Giao thông công cộng được quan tâm phát triển, trong đó hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại các thành phố lớn đang dần được hình thành. Các vấn đề kết cấu hạ tầng khác, như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị... đều có chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Kết cấu hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ,... tại các đô thị được quan tâm đầu tư. Nhiều địa phương đã triển khai chương trình trồng mới, trồng bổ sung và bảo tồn cây xanh nhằm hướng đến xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Kết cấu hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bên cạnh kết quả đạt được kể trên, công tác phát triển đô thị Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, một trong số đó là tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Với đường bờ biển dài 3.260km, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu đa dạng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và đặc biệt nhạy cảm trước hiện tượng nước biển dâng và bão, áp thấp nhiệt đới trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương(3).
Theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia năm 2020, nếu mực nước biển dâng 100cm thì 47,29% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao; vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung có nguy cơ ngập tương ứng là 13,2% và 1,52% diện tích. Theo kịch bản về nước biển dâng của Việt Nam, năm 2100 có thể dâng cao hơn hiện nay trung bình là 73cm, sẽ gây ngập 34 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, trong đó có 80% diện tích đất của tỉnh Hậu Giang và 40% diện tích đất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa, bão, lũ lụt, hạn hán) xảy ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Hầu hết trên cả nước, lượng mưa hằng năm cũng có xu hướng tăng phổ biến từ 10 - 15% vào giữa thế kỷ XXI và lên tới 10 - 25% vào cuối thế kỷ (kịch bản RCP8.5). Riêng khu vực ven biển Đông Bắc, lượng mưa có thể tăng từ 20 - 30% vào giữa thế kỷ XXI, có thể tăng lên trên 40% vào cuối thế kỷ và lượng mưa cực trị ở đa phần diện tích Bắc Bộ có thể tăng lên đến 40 - 50%. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng, gây ra các đợt nắng nóng kéo dài. Số tháng hạn hán tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ.
Như vậy, với hơn 900 đô thị lớn nhỏ các loại, phân bổ trên cả nước và đóng góp hơn 70% GDP quốc gia, là nơi cư trú của khoảng hơn 41 triệu người; hệ thống đô thị Việt Nam chịu sự tác động của biến đổi khí hậu được chia thành 2 nhóm chính đó là hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đồng bằng và hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên. Hệ thống đô thị ven biển, ven sông và các khu vực đồng bằng (28 tỉnh, thành phố ven biển với khoảng 350 đô thị) có nguy cơ chịu tác động của nước biển dâng, chịu tác động bởi các hiểm họa liên quan đến khí hậu, như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và sạt lở đất. Trong khi đó, hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên (12 tỉnh miền núi, cao nguyên với khoảng 150 đô thị) có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và suy giảm nguồn nước ngầm.
Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu như nêu trên đối với hệ thống đô thị sẽ tác động trực tiếp tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam.
Một số giải pháp
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều kế hoạch, đề án trong lĩnh vực phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến, như Kế hoạch Phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam (Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/01/2018, của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1-8-2018, của Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013 và Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021, với nhiều nội dung liên quan đến quan điểm, mục tiêu và các giải pháp cụ thể về phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đề án này đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai từ năm 2013 đến nay. Phạm vi thực hiện của Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu với hai giai đoạn: 1- Giai đoạn 2013 - 2020, bao gồm các tỉnh, thành phố đại diện cho hệ thống đô thị ven biển, ven sông và các khu vực đồng bằng (28 tỉnh, thành phố ven biển) và hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và suy giảm nguồn nước ngầm (12 tỉnh miền núi, cao nguyên); 2- Giai đoạn 2021 - 2030, mở rộng hơn phạm vi các đô thị chịu ảnh hưởng, thực hiện trên hệ thống 57 đô thị thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển, đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu về nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn và 15 đô thị thuộc 12 tỉnh miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm.
Thông qua việc triển khai 2 đề án phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến nay, Bộ Xây dựng đã cùng các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng đã chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật có lồng ghép nội dung phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về phân loại đô thị. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như dự án Luật Quản lý phát triển đô thị có lồng ghép nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phía các địa phương, thông qua đề án cũng đã nâng cao nhận thức về công tác phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện. Cho đến nay, sau cả hai giai đoạn, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động và chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực phát triển đô thị. Các tỉnh, thành phố cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, việc rà soát đồ án quy hoạch đô thị và bổ sung, lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu đối với đô thị được đánh giá là chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, với 6 chương trình và 23 nhiệm vụ cụ thể của Đề án Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương thông qua đó, triển khai hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức để thực hiện chương trình, đề án về thích ứng với biến đổi khí hậu đối với địa phương cụ thể.
Có thể thấy hiện nay, công tác phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng được triển khai đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương và trải rộng trên mọi miền Tổ quốc, với gần 80 đô thị đại diện cho hệ thống đô thị ven biển, ven sông và các khu vực đồng bằng hay hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và suy giảm nguồn nước ngầm. Phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới do: 1- Nguồn lực trong phát triển đô thị còn rất hạn chế; 2- Biến đổi khí hậu và các hiện tượng của thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo.
Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như đã được xác định rõ trong các nghị quyết, chương trình, đề án,... cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Có sự chung tay này, chúng ta mới có thể xây dựng được đô thị bền vững, an toàn và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ phát triển đô thị Việt Nam bền vững.
Bên cạnh triển khai nhiệm vụ, giải pháp sẵn có, chính quyền đô thị cần bám sát các giải pháp mang tính cơ bản, nguyên tắc trong phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm việc vận dụng hiệu quả và tối ưu hóa nguồn lực phát triển đô thị. Dưới đây là các giải pháp mang tính nguyên tắc:
Thứ nhất, cần quy hoạch đô thị bền vững, xây dựng kế hoạch quy hoạch đô thị tích hợp có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, các đô thị nên được thiết kế với hệ thống thoát nước hiệu quả, khu vực xanh bảo vệ môi trường và khả năng chống chịu cao.
Thứ hai, sử dụng năng lượng mặt trời - gió và thủy điện, tòa nhà và công trình công cộng nên được trang bị hệ thống năng lượng sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Thứ ba, tăng cường hệ thống cảnh báo và ứng phó khẩn cấp, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phương án ứng phó khẩn cấp với tình huống thời tiết cực đoan, đào tạo và nâng cao nhận thức cho người dân về cách đối phó với tình huống khẩn cấp.
Thứ tư, phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu sử dụng xe cá nhân để giảm khí thải và tắc nghẽn giao thông, đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông xanh, như xe bus điện hay tàu điện ngầm và xe đạp công cộng.
Thứ năm, xây dựng công trình xanh, thiết kế và xây dựng tòa nhà thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và công nghệ tiết kiệm năng lượng, công trình xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường, mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị.
---------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 202, 54
(3) Báo cáo của Ngân hàng Thế giới: Tính tổn thương, giảm nhẹ rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam, 2011
Nguồn: Tạp chí Cộng sản