Phát triển đô thị xanh: Chiến lược bền vững cho tương lai

14:42 12/12/2024
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và gia tăng đô thị hóa nhanh chóng, phát triển đô thị xanh đã trở thành một nhu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tại Việt Nam, nhiều chiến lược và giải pháp đã được triển khai nhằm thúc đẩy xu hướng này.
Phát triển đô thị xanh: Chiến lược bền vững cho tương lai
Quang cảnh Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững.

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, TP Hà Nội, các doanh nghiệp và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch phát triển đô thị. Diễn đàn tập trung thảo luận các khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững.

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc diễn đàn.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị chia sẻ, một trong những trọng tâm quan trọng của diễn đàn lần này là thảo luận, đưa ra các giải pháp phù hợp, hữu hiệu vào quy hoạch và quản lý đô thị nhằm tạo một bước tiến quan trọng, giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà không đánh đổi môi trường sống của thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, sự tham gia và cam kết từ các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến cộng đồng dân cư, cũng là chìa khóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, phát triển đô thị xanh bền vững cần dựa trên ba trụ cột chính.

Thứ nhất, phát triển không gian xanh: Tăng diện tích cây xanh trong quy hoạch đô thị mới, tích hợp công viên, hồ cảnh quan, vườn treo nhằm điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng không khí.

Thứ hai, năng lượng tái tạo: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gó, giảm lượng khí thải carbon, tăng cường hiệu quả năng lượng.

Thứ ba, giao thông bền vững: Đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, giảm tắc nghẹt và khói bụi.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, phát triển đô thị xanh là trách nhiệm kinh tế, xã hội và đạo đức nghề nghiệp, đóng góp vào tiến trình Net Zero toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, nâng cao chất lượng sống.

Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, một đô thị đặc biệt với vai trò là đầu tàu về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế của cả nước. Ông Hà Minh Hải nhấn mạnh cam kết xây dựng Thủ Đô xanh, thông minh, đặc sắc ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, Hà Nội đang tăng cường các dự án giao thông xanh, mở rộng không gian công cộng, áp dụng công nghệ xanh và quy hoạch thông minh.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Các hướng đi nổi bật bao gồm, tăng cường bảo vệ không gian xanh, bảo vệ công viên, vườn hoa, không gian công cộng; Sử dụng vật liệu xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng nhằm tạo nên các công trình bền vững; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bền vững với mạng lưới xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, làn đường xe đạp. Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời, chiếu sáng LED.

Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế được xem là chìa khóa tiếp nhận công nghệ tiên tiến và nguồn lực tài chính từ các quỹ tăng trưởng xanh. Các đô thị hàng đầu thế giới đem lại những mô hình và giải pháp đã được kiểm chứng, giúp Hà Nội thực hiện khát vọng xanh.

Những bước tiến quan trọng

Trong những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong hành trình phát triển đô thị xanh, thể hiện qua các chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. Các bước tiến không chỉ dừng lại ở việc cải thiện hạ tầng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng, giao thông, và quản lý chất thải thể hiện sự quyết tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng trong việc đưa khái niệm đô thị xanh vào thực tiễn.

Theo Quyết định 84/QĐ-TTg, ngày 19/01/2018, Chính phủ đã đề ra khung chiến lược về phát triển đô thị xanh đến năm 2030. TS.KTS Trần Ngọc Linh - Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, các bước nhằm lồng ghép nội dung xanh vào quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư vào hạ tầng xanh đã được thúc đẩy mạnh.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn giảm thiểu tác động môi trường bằng cách tăng cường tái sử dụng và tái chế, TS Nguyễn Đức Tài - Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và Luật pháp, chia sẻ rằng tại Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy tái chế chất thải, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như dệt may và chế biến nông sản.

Từng bước được quan tâm, việc phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện tại nhiều địa phương, TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, công nghệ xử lý chất thải như đốt rác phát điện và tái chế rác thải nhựa đang được triển khai. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, vẫn còn thiếu sự đồng bộ trong hạ tầng và quy trình thực hiện.

Thách thức và giải pháp

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã cũng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại trong tiến trình phát triển đô thị xanh. Đặc biệt, thời gian qua, mặc dù đã đạt được những bước tiến quan trọng, phát triển đô thị xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức cần vượt qua.

Trong đó, vấn đề nhận thức vẫn còn hạn chế, khái niệm đô thị xanh vẫn còn khá mới mẻ với nhiều địa phương, dẫn đến việc thiếu sự đồng thuận và cam kết trong triển khai. Một số khu vực chưa hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp xanh vào quy hoạch và quản lý đô thị.

Đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Diễn đàn.

Đồng thời, đầu tư vào hạ tầng xanh đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi nhiều địa phương đang phải cân đối ngân sách cho các nhu cầu cấp bách khác. Điều này khiến việc triển khai các dự án đô thị xanh gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, các địa phương thường triển khai các sáng kiến xanh một cách rời rạc, thiếu đồng bộ trong quy hoạch, chưa có sự kết nối tốt giữa các dự án. Việc thiếu một hệ thống quy hoạch tổng thể và rõ ràng dẫn đến hiệu quả thấp và khó duy trì lâu dài.

Các chuyên gia chỉ rõ, những thách thức này không chỉ cản trở sự phát triển của đô thị xanh mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đổi mới tư duy, cải thiện cơ chế chính sách, và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi xanh.

Bên cạnh việc chỉ ra các thách thức, các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp khả thi để tăng cường phát triển đô thị bền vững trong tương lai, bao gồm việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính, và xây dựng các quy hoạch đồng bộ hơn.

Để vượt qua những thách thức trong hành trình phát triển đô thị xanh, các chuyên gia và nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như: Tăng cường giáo dục và truyền thông về lợi ích của đô thị xanh là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Các chiến dịch tuyên truyền nên tập trung vào việc giải thích rõ ràng các lợi ích kinh tế, xã hội, và môi trường mà đô thị xanh mang lại, từ đó khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực vào các sáng kiến xanh.

Đặc biệt, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ tài chính nhằm thu hút đầu tư cho các dự án xanh. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khoản vay ưu đãi, giảm thuế hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng xanh, từ năng lượng tái tạo đến các công trình tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ là nền tảng để đảm bảo các dự án đô thị xanh được triển khai hiệu quả. Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng, và các chỉ số xanh áp dụng trong quản lý đô thị. Việc thực thi các quy định này cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp trên, Việt Nam không chỉ có thể vượt qua các thách thức mà còn xây dựng được những đô thị xanh, thông minh, và bền vững hơn trong tương lai.

Phát triển đô thị xanh không chỉ là hướng đi bắt buộc mà còn là giải pháp tất yếu để đảm bảo môi trường sống tốt đẹp hơn cho tương lai. Tại Việt Nam, việc kết hợp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và công nghệ số trong quy hoạch đô thị sẽ là chìa khóa giúp chất lượng đô thị được cải thiện đáng kể.

Bình luận