Điểm tin Quy hoạch - Kiến trúc

Phát triển hệ thống đô thị ven biển miền Trung đạt chuẩn quốc gia và khu vực

09:30 20/05/2024
Tuần qua, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó là một số tin tức đáng chú ý trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc.

Công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Ngày 19/5, tại TP Huế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định Phê duyệt Quy hoạch cho các địa phương. Ảnh: VGP

Quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 04/5/2024.

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước CHDCND Lào.

Tầm nhìn đến năm 2050, là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc.

Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển.

Quy hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch.

Thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060

Tại kỳ họp sáng 19/5, HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung báo cáo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo đó, Thành phố dự kiến hình thành và phát triển 5 phân vùng gồm: Vùng đô thị trung tâm, Vùng đô thị phía Đông, Vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc, Vùng đô thị phía Tây, Vùng đô thị phía Nam.

Về Chiến lược và giải pháp chống ngập, quy hoạch phân chia thành ba vùng chống ngập. Trong đó Vùng 2 là TP Thủ Đức, Vùng 3 là huyện Cần Giờ và Vùng 1 là phần còn lại của Thành phố.

Quy hoạch không gian ngầm cũng được định hướng phân vùng theo 3 khu vực: Khu vực khuyến khích xây dựng không gian ngầm, được xác định chủ yếu trong phân vùng đô thị trung tâm. Khu vực xây dựng không gian ngầm có kiểm soát, bao gồm các khu vực quân sự, các khu vực tự nhiên sinh thái và các khu vực di tích, tôn giáo, văn hóa lịch sử của Thành phố. Khu vực hạn chế phát triển không gian ngầm, gồm các khu vực gần biển và tại các hành lang thoát nước, khu vực hồ điều tiết nước mưa.

Tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Tú

Luật Cấp, thoát nước đã được dự thảo 8 chương, 68 điều; được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật đã báo cáo nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cấp, thoát nước và ghi nhận các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự tham gia cũng như các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.  

Thứ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan rà soát kỹ để xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập; bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi ở dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Quy hoạch định hình không gian phát triển tỉnh Bình Dương thành 3 vùng động lực

Tuần qua, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 34 - khóa XI (mở rộng) đã xem xét, cho ý kiến về đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đồ án Quy hoạch định hình không gian phát triển tỉnh Bình Dương thành 3 vùng động lực.

Trong đó vùng đô thị cửa ngõ là TP Thuận An, TP Dĩ An - 2 địa phương giáp ranh với TP.HCM. Vùng đô thị cửa ngõ sẽ phát triển trở thành đô thị thông minh, hiện đại; trung tâm kinh tế - tài chính cho cả vùng Đông Nam Bộ.  

Vùng lõi trung tâm của Bình Dương được xác định là các thành phố gồm Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng; là vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung.

Trong khi đó, vùng đô thị phía Bắc được xác định là các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên; là vùng dự trữ xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái và phát triển công nghiệp xanh, sinh thái.

Dự kiến, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch trong tháng 6/2024; tổ chức công bố quy hoạch trong tháng 7/2024.

Phát triển Hải Phòng theo hướng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt

UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Quyết định 1274/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

TP Hải Phòng. Ảnh: BQL Khu kinh tế Hải Phòng

Theo đó, TP sẽ mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính quận Hồng Bàng. Thành lập TP Thủy Nguyên trên cơ sở hiện trạng địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và toàn bộ đảo Vũ Yên.  

Đến năm 2030, mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện Kiến Thụy.

Giai đoạn đến năm 2035, tiếp tục phát triển Hải Phòng theo hướng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt; đồng thời phát triển đô thị TP Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II.  

Giai đoạn đến năm 2040, mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang khu vực huyện Cát Hải, thành lập quận Cát Hải (đô thị ở hải đảo).  

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. 

Thanh Hóa quy hoạch đô thị ven biển Diêm Phố quy mô 2.500ha

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản số 1452/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung đô thị ven biển Diêm Phố, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.

Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã: Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc. Diện tích lập điều chỉnh, mở rộng quy hoạch khoảng 2.503ha và nghiên cứu thêm khoảng 250 ha diện tích mặt nước biển.

Đô thị có tính chất, chức năng là đô thị loại V, trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội với định hướng phát triển kinh tế biển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Dân số hiện trạng khoảng 52.539 người, dự báo đến năm 2030 khoảng 60.000 người, đến năm 2045 khoảng 70.000 người.

Hạt nhân phát triển đô thị là khu trung tâm đô thị mới và khu công nghiệp Đa Lộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đô thị ven biển nói riêng và huyện Hậu Lộc nói chung.

Bình luận