Phát triển KCN xanh tạo ra nhiều cơ hội phát triển
Ngày 13/12, tại Hà Nội, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) tổ chức Hội thảo Phát triển KCN xanh ở Việt Nam hướng tới trung hòa carbon, là hội thảo nằm trong chuỗi Hội thảo Phát triển công trình xanh hướng tới trung hòa carbon của AMC.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trần Hữu Hà - Giám đốc AMC cho biết, tại Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhất quán quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sức khỏe con người.
Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau COP26, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa carbon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Số lượng công trình xanh (CTX) dù đã tăng lên đáng kể hàng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển CTX trong thời gian tới. Việc phát triển CTX sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, VLXD xanh, giảm tiêu thụ nước.
Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với CTX, KCN xanh, việc phát triển CTX được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Các loại hình CTX đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, đặc biệt là KCN xanh...
Tại Việt Nam, nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư phát triển các KCN xanh, thân thiện với môi trường. Việc phát triển các cụm, KCN xanh còn là lý do quan trọng giúp các địa phương này có được dòng vốn FDI chất lượng, bền vững.
Tại Hội thảo, các diễn giả Việt Nam và quốc tế giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển xanh đã chia sẻ và đóng góp nhiều nội dung quan trọng liên quan đến xu hướng, thực trạng và kinh nghiệm về phát triển xanh. Đặc biệt là những kinh nghiệm về quy hoạch, cũng như thiết kế các công trình công nghiệp xanh.
Khái quát kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh - trung hòa carbon và chủ đề KCN xanh, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương - Phó giám đốc AMC chỉ ra sự cần thiết phát triển KCN xanh - trung hòa carbon là nội dung quan trọng trong lĩnh vực xây dựng tăng trưởng xanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, việc xanh hóa và phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp ngày nay. Để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, việc “xanh hóa” sản xuất trở thành bước đi không thể thiếu.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương đã chỉ ra điểm chung và riêng giữa KCN xanh và KCN sinh thái. Trong đó, điểm chung giữa hai loại hình KCN này đều tập trung vào bảo vệ môi trường và có mục tiêu phát triển bền vững, nhưng lại có điểm khác biệt nhất định. KCN xanh tập trung giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, và thiết kế hệ thống; các tiêu chí của KCN xanh thường liên quan đến hiệu suất năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm lượng khí thải; Các công nghệ thông minh và tiên tiến thường được tích hợp để tối ưu hóa hoạt động sản xuất và tiết kiệm tài nguyên.

Còn KCN sinh thái chú trọng tạo ra một môi trường sống tốt cho cả con người và tự nhiên, không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn cân nhắc đến môi trường sống xanh cho cộng đồng xung quanh; quan tâm đến việc xây dựng không gian sống, làm việc và giải trí hài hòa với tự nhiên, bao gồm việc xây dựng công viên, hệ thống đường đi bộ, khu vực xanh và không gian giao lưu công cộng. Mục tiêu của KCN sinh thái thường tạo ra không gian sống và làm việc bền vững, hấp dẫn và thân thiện với môi trường cho người dân.
Những thách thức trong việc phát triển KCN xanh
Chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch khu, cụm công nghiệp xanh, thông minh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, TS Hán Minh Cường - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn SGroup Việt Nam cho biết, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến KCN xanh, sinh thái, thông minh vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về tăng tưởng xanh, thông minh đối với các KCN đang chịu chi phối của nhiều bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn.
Đặc biệt, nhiều quy định, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện. Các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất cho lĩnh vực này chưa có khiến việc áp dụng thực tế hiện nay còn mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào khả năng, cũng nhu cầu riêng của doanh nghiệp.

Một trong những bất cập đáng chú ý là việc nhiều quy hoạch KCN tại các địa phương chưa được cập nhật, không theo kịp xu thế phát triển của thế giới. Trong khi môi trường kinh doanh toàn cầu đang chuyển hướng về phát triển KCN sinh thái, xanh, thông minh, nhiều KCN ở Việt Nam vẫn giữ nguyên cấu trúc truyền thống, không tích hợp được các tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
Mặc dù Việt Nam đã cam kết tham gia vào các hiệp định, chương trình, mục tiêu phát triển toàn cầu về bảo vệ môi trường như Net-zero, bảo vệ tài nguyên… nhưng nhiều quy hoạch KCN hiện nay chưa lồng ghép được những mục tiêu này vào quá trình nghiên cứu.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang tập trung vào việc lập quy hoạch để tận dụng tối đa quỹ đất và thu hút nhiều nhà đầu tư nhất có thể. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một số bất cập đáng chú ý. Các nhà đầu tư FDI lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xanh, thông minh, đang đặt ra yêu cầu cao về tiêu chí môi trường và công nghệ trong quá trình đầu tư.
Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư FDI từ Mỹ, châu Âu đã thể hiện mong muốn đầu tư vào các KCN không chỉ với mục tiêu thuận lợi về vị trí địa lý và quy mô, mà còn là khả năng đáp ứng được các tiêu chí xanh và thông minh. Điều này bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, quản lý năng lượng thông minh, và chuẩn mực bảo vệ môi trường cao.
Hầu hết các KCN tại Việt Nam hiện nay đều chưa có một hệ thống thu thập, đo lường, phân tích và quản lý dữ liệu hoàn chỉnh. Các loại dữ liệu như: khối lượng phát thải, tình trạng ô nhiễm môi trường, tiêu thụ năng lượng…đều cần được thu thập và thiết lập thành một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý.
Quy hoạch KCN xanh, thông minh cần một cách thức tiếp cận mới so với cách thức lập các quy hoạch KCN truyền thống trước đây. Quy hoạch cần tiếp cận tổng hợp từ 5 yếu tố: Kinh tế, công nghệ, hạ tầng, môi trường và xã hội.
TS Hán Minh Cường nhấn mạnh, các mục tiêu phát triển và các tiêu chí của KCN xanh, thông minh cần được lồng ghép khi nghiên cứu tiếp cận từ 5 yếu tố này.
Đồng thời, TS Hán Minh Cường cũng đưa ra một số giải pháp cho quy hoạch KCN xanh, thông minh như: Giải pháp về chính sách và pháp lý; xây dựng các quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, thông qua việc xác định các mục tiêu quy hoạch được tính toán dự báo chính xác, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới;
Các giải pháp thiết kế trong quy hoạch nhằm xây dựng KCN xanh, thông minh cần hướng đến các mục tiêu, tiêu chí của KCN; Đề xuất các giải pháp thu gom, xử lý và tái chế nước, chất thải trong KCN ngay từ giai đoạn lập quy hoạch;
Quy hoạch sử dụng năng lượng trong KCN xanh, thông minh tập trung vào việc đầu tư và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và điện khí; Cùng với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành là đòi hỏi tất yếu đối với các KCN hiện đại.