1. Đặt vấn đề
Phát triển đô thị ở nước ta trong giai đoạn chuyển tiếp nền kinh tế từ hơn 30 năm nay, nhất là những năm gần đây diễn ra với tốc độ nhanh, có thể nói chưa từng có trong lịch sử, trong đó có sự tham gia của các khu đô thị mới (KĐTM).
KĐTM được xây dựng ở nước ta khá đa dạng về quy mô, về chức năng, về không gian quy hoạch và hình thức kiến trúc, đồng thời được xây dựng trên diện rộng, không chỉ ở các đô thị rất lớn, đô thị lớn (đô thị loại I, II) mà cả ở các đô thị trung bình và du lịch, nghỉ dưỡng (đô thị loại III, IV). Ví dụ như ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hạ Long, Thanh Hóa, Vinh, Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Quốc…
Sự phát triển nhanh chóng các KĐTM như một tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, mang lại những mặt tích cực đối với sự phát triển đô thị ở nước ta, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về cần nghiên cứu. Phát triển KĐTM là vấn đề rộng và khó, mang tính tổng hợp đa ngành và liên quan đến nhiều tác nhân, trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về phát triển đô thị cũng như phát triển các KĐTM hiện đại.
Bài viết, vì thế chỉ đề cập về lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc, trong đó nhấn mạnh vấn đề phát huy giá trị văn hóa vùng, miền trong quy hoạch và kiến trúc KĐTM với hy vọng góp phần nhỏ và công việc lớn là xây dựng KĐTM hiện đại và có bản sắc văn hóa địa phương ở nước ta.
2. Phát triển khu đô thị mới với phát triển đô thị ở một số nước trên thế giới
KĐTM, thực chất là khu vực cư trú tập trung ở đô thị, do đó xuất hiện từ rất sớm cùng với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, có thể khẳng định, cơ sở lý luận khá hoàn chỉnh của KĐTM hiện đại có nguồn gốc từ Đơn vị ở láng giềng (Neighbourhood Unit) do Clarence Pery đề xuất năm 1923 ở Mỹ. Bản chất của lý luận Đơn vị ở láng giềng là lấy con người làm trung tâm, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu ở, giao tiếp xã hội và sinh hoạt cơ bản hằng ngày cuả cư dân.
Trong đó, trường phổ thông cấp I, nơi mọi gia đình đều có mối quan tâm chung về việc học hành của con cái, được chọn là cơ sở để tính toán quy mô. Quy mô một trường phổ thông cấp I khoảng 1.000 học sinh trong bán kính đi bộ an toàn, vừa sức và thuận tiện đến trường là khoảng 400 m. Theo đó quy mô dân số của Đơn vị ở láng giềng là khoảng 5.000 người. Đơn vị ở láng giềng trở thành đơn vị đô thị để phát triển đô thị. [1]
Sau này, lý luận Đơn vị ở láng giềng được nhiều nước áp dụng và phát triển thành nhiều mô hình KĐTM khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị và mức độ phát triển đô thị của mỗi nước, nên có những tên gọi khác nhau. Đồng thời có thể khẳng định: Phát triển KĐTM gắn liền với quá trình phát triển đô thị; Phát triển KĐTM là tất yếu, bởi KĐTM, chiếm tỷ lệ lớn về diện tích, là không gian sống của cư dân đô thị và là thành phần quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh của đô thị, trong đó hàm chứa bẳn sắc văn hóa của đô thị.
Để chứng minh, cần thiết tóm lược những đặc điểm chính của quá trình phát triển KĐTM ở một số nước trên thế giới:
Ở châu Âu, từ những năm 1950, do nhu cầu phục hối kinh tế và tái thiết đô thị sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 là rất lớn và cấp bách, nhiều KĐTM được xây dựng nhanh chóng. Mô hình KĐTM phổ biến được xây dựng thường có quy mô lớn (dưới 100 ha), hoặc rất lớn (trên 100 ha) chủ yếu ở khu vực ven đô, nhưng được kết nối với đô thị bằng hệ thống giao thông công cộng.
Mục tiêu quy hoạch các KĐTM thời bấy giờ là không gian và ánh sáng để đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường cư trú. Do đó yêu cầu về hướng nhà và thông thoáng tự nhiên được coi trọng. Để giải quyết nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho số lượng lớn cư dân đô thị, vai trò và sự can thiệp về quản lý và cấp vốn của nhà nước là quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định, nhất là ở khối các nước XHCN.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hàng loạt với giá thành hợp lý bằng lối kiến trúc nhà ở theo đơn nguyên và công nghệ lắp ghép, chủ yếu là tấm lớn là giải pháp được ưu tiên lựa chọn. KĐTM thời kỳ này là hình ảnh phản ánh rõ nhất tinh thần của chủ nghĩa công năng (từ hợp lý đến duy lý) trong quy hoạch và kiến trúc.
Ví dụ ở Pháp, là mô hình Khu nhà ở lớn (Grand ensemble). Trong khi, cùng thời gian ở các nước XHCN, KĐTM được gọi là Khu nhà ở, bao gồm nhiều Tiểu khu nhà ở. Ở nước ta từ năm 1957, KĐTM còn được gọi là Khu tập thể. KTT - thuật ngữ này đã trở thành quen thuộc, không dịch ra tiếng nước ngoài trong các tài liệu chuyên môn quốc tế, nhất là ở Pháp.
Sự phát triển đô thị ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây trong bối cảnh toàn cầu hóa cho thấy rõ, mô hình KĐTM gắn liền hữu cơ với mô hình đô thị toàn cầu - kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa. KĐTM, vì thế có những đặc điểm mới.
Toàn cầu hóa về kinh tế thì đã rõ, là xu thế phát triển tất yếu, không tránh khỏi và không loại trừ bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Còn toàn cầu hóa về văn hóa, trong đó có vấn đề phát triển KĐTM và phát triển đô thị, thì trái lại đang đặt ra nhiều vấn đề ngày càng thu hút sự quan tâm nghiêm túc của nhiều người để nghiên cứu và bàn luận.
Đây là vấn đề then chốt đối với sự phát triển nhiều mặt của mỗi quốc gia. Chính vì thế, sự xuất hiện và thịnh hành, không phải ngẫu nhiên một khái niệm mới - Toàn cầu hóa cùng Địa phương hóa trong phát triển (GloCal).
Đây là sự kết hợp giữa hai thuật ngữ Toàn cầu hóa (Globalisation) với Địa phương hóa (Locallisation) đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nghĩa là, trong phát triển đô thị và KĐTM, việc quan trong có ý nghĩa quyết định là vận dụng mô hình đô thị toàn cầu và mô hình KĐTM nào là phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm chính trị - văn hóa - xã hội của địa phương.
Đó cũng chính là bản chất của quá trình phát triển hiện đại mà mỗi quốc gia, trên cơ sở kết hợp ấy và tùy vào điều kiện thực tiễn, lựa chọn cho mình cách phát triển phù hợp.
Mô hình đô thị toàn cầu được hình thành ở Mỹ trong những năm 1950 trên nền tảng của kinh tế định hướng toàn cầu. Đô thị toàn cầu được thể hiện trong cấu trúc đô thị bằng 2 thành phần nhận diện tiêu biểu là: CBD - Trung tâm thương mại dịch vụ (Central Business District) và KĐTM.
Mô hình đô thị toàn cầu, dần dần cùng với tiến bộ của công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế đô thị theo hướng toàn cầu tạo nên mạng lưới đô thị toàn cầu và làm thay đổi nhanh chóng cấu trúc không gian đô thị truyền thống, từ cấu trúc đô thị khép kín đơn tâm thành cấu trúc đô thị mở, đa tâm.
Đô thị toàn cầu, bằng cạnh tranh đô thị, đã đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định vị thế của đô thị toàn cầu trong hệ thống đô thị thế giới, khiến cho đô thị hiện đại, dường như không còn biên giới.
Tuy nhiên, hạn chế căn bản của cách phát triển này là làm mất dần bản sắc (cá tính) của đô thị, cùng với việc gia tăng khoảng cách phân hóa giàu, nghèo trong xã hội; bộc lộ nguy cơ làm mất đặc trưng văn hóa địa phương.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, các nhà khoa học nêu lên 2 mô hình phát triển đô thị thời hội nhập quốc tế. Đó là: Đô thị bền vững và Đô thị sống tốt hay Đô thị An sinh (TS Phạm Sỹ Liêm), Đô thị vị nhân sinh (GS.J.Gehl). [8]
Mô hình thành phố bền vững, khá phổ biến trên thế giới, dựa trên 4 tiêu chí: Bền vững về xã hội; Bền vững về tự nhiên; Bền vững về kỹ thuật và Bền vững về tài chính. Đây là mô hình phát triển đô thị lý tưởng, nhưng trên thực tế không dễ ứng dụng.
Còn mô hình Thành phố sống tốt (không phải Thành phố đáng sống đang rất được ưa dùng ở nước ta), trái lại lấy con người làm trung tâm, hay nói đúng hơn là đặt trọng tâm vào các vấn đề văn hóa - xã hội thay vì mục tiêu kinh tế. Mọi nỗ lực tập đều trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong đô thị, kể cả những người nghèo, có thu thập thấp.
Vì thế, chủ trương thường trực là khuyến khích mọi người, mọi thiết chế xã hội ở địa phương (xã hội dân sự) cũng như các tổ chức quốc tế cùng tham gia. GS Mike Douglass, Đại học Tổng hợp Hawaii - một trong những người khởi xướng mô hình thành phố sống tốt, nhấn mạnh 3 yếu tố cơ sở: Phát triển cá nhân tốt, không gian xã hội tốt và môi trường tự nhiên tốt.
Đồng thời chỉ ra trong đô thị, môi trường sống tốt, trước hết phải thể hiện trong các khu ở. Mô hình đô thị sống tốt, vì thế mang tính hiện thực, có thể áp dụng hiệu quả ở nhiều nơi tùy từng điều kiện cụ thể. Bởi vì, trên thực tế, chính hoạt động sống của con người trong không gian xã hội đô thị tạo nên những đặc trưng văn hóa xã hội, những giá trị văn hóa phi vật thể của đời sống xã hội đô thị.
Đây là những yếu tố cần phải được tôn trọng trong nghiên cứu đô thị. Còn về kiến trúc đô thị - không gian vật thể của đô thị cũng được chính cộng đồng góp phần tạo ra. Đó là sự kết hợp khôn khéo giữa môi trường xây dựng với môi trường tự nhiên nhằm hoàn thiện môi trường sống của con người.
Mô hình KĐTM hiện đại trong những năm gần đây ở các nước tiên tiến được phát triển dựa trên các nguyên tắc nêu trên. Ngoài tên gọi phổ biến là KĐTM, còn được gọi là Đơn vị đô thị, trong đó cơ 2 mô hình cơ bản là: Đơn vị đô thị phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và Đơn vị đô thị phát triển theo định hướng cho người đi bộ (POD).
Quy mô KĐTM thường lớn hoặc rất lớn vài trăm héc-ta, thậm chí hàng ngàn héc-ta, trở thành Đô thị mới trong đô thị. Ở các nước phát triển, mô hình KĐTM phát triển ổn định, là khu vực cư trú được đảm bảo về chất lượng sống, do đó được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đa dạng về loại hình nhà ở, dịch vụ và không gian công cộng, có tính độc lập tương đối về vị trí và trong tổ chức các hoạt động đô thị, được kết nối thuận tiện với các khu vực khác của đô thị bằng hệ thống giao thông công cộng...
KĐTM hiện đại ở các quốc gia phát triển là hình ảnh của văn minh đô thị, thể hiện trình độ phát triển kinh tế - xã hội đô thị mang đậm tính quốc tế mà thiếu tính địa phương trong ngôn ngữ quy hoạch, kiến trúc. KĐTM hiện đại, vì thế có hình thức gần giống nhau giữa nước này, nước khác.
Hiện nay, có thể thấy, cách tiếp cận và phương pháp quy hoạch đô thị cũng như mô hình KĐTM hiện đại từ Mỹ và phương Tây đã và đang ảnh hưởng rộng khắp các nước trên thế giới. Mô hình CBD và KĐTM là sản phẩm của Toàn cầu hóa. Phải chăng phương Tây đang muốn áp đặt văn hóa của mình đối với phần còn lại của thế giới thông qua mô hình CBD và KĐTM, như đã từng làm trong quá trình thực dân hóa trước đây? Đối với nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển việc xây dựng các KĐTM và truyền bá tư tưởng, lối sống toàn cầu còn là cơ hội để tìm kiếm lợi ích kinh tế!
Điều này thể hiện rõ trong chiến lược marketing và kinh doanh bất động sản của các nhà đầu tư, nhất là các công ty, tập đoàn quốc tế lớn trong việc tạo nên hình ảnh KĐTM với chất lượng sống đẳng cấp quốc tế, toàn cầu nhằm hấp dẫn khách hàng địa phương, đặc biệt đối với đối tượng khách hàng là những người mới giàu lên. Hình ảnh các KĐTM giống nhau dễ dàng bắt gặp ở nhiều nước trên thế giới.
3. Quá trình phát triển KĐTM ở nước ta
Tương tự các nước khác trong khu vực, ở Việt Nam những vấn đề về phát triển đô thị nêu trên thể hiện khá rõ. Tốc độ đô thị hóa nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đặt ra nhu cầu xây dựng các CBD ở trung tâm đô thị với các chức năng thương mại dịch vụ quốc tế và nhiều KĐTM quy mô lớn ở ngoại ô với văn hóa cư trú mới theo kiểu toàn cầu.
Câu hỏi lớn được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có lời giải thỏa đáng là: Lựa chọn mô hình KĐTM nào là phù hợp nhằm giải quyết xung đột và mâu thuẫn giữa hiện đại với truyền thống, giữa giá trị toàn cầu với giá trị địa phương để có thể phát triển KĐTM ở nước ta hiện đại và có bản sắc?
Mô hình KĐTM chính thức được du nhập vào nước ta từ những năm 1990 - những năm đầu của công cuộc Đổi mới. Năm 1999 khái niệm KĐTM lần đầu tiên được xác định trong Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ: “KĐTM là khu xây dựng mới tập trung theo dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ và phát triển nhà toàn khu; Được gắn với một đô thị hiện có hoặc với một đô thị mới đang hình thành; Có ranh giới và chức năng được xác định phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Dự án KĐTM tiên phong theo tinh thần đổi mới và hội nhập quốc tế được nghiên cứu và xây dựng ở nước ta trên diên tích 750 ha. Đây là KĐTM đáng được nhắc đến như một ví dụ tốt hướng tới đẳng cấp quốc tế của một khu ở tại Việt Nam trong buổi ban đầu khi đất nước mở cửa, đang khát khát khao hội nhập quốc tế.
Đó là KĐTM Nam Sài Gòn của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng với đồ án thắng cuộc thi năm 1993 của Công ty Skidmore, Owings and Merril (SOM). Vượt qua KĐTM thông thường, ý tưởng của dự án là muốn xây dựng một đô thị mới tiên tiến, dựa trên nguyên lý của các đơn vị đô thị có quy mô được xác định băng bán kính đi bộ hợp lý, chẳng những phù hợp với điều kiện địa hình của địa điểm mà cả với đặc điểm văn hóa cư trú truyền thống của địa phương.
Những KĐTM đầu tiên tiếp sau được xây dựng ở Hà Nội và TP.HCM vào cuối những năm 1990. Trong đó 2 KĐTM là: Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM (1993) và Linh Đàm ở Hà Nội (1997) đã được Bộ Xây dựng trao danh hiệu là KĐTM kiểu mẫu.
Ở giai đoạn đầu tiên này, hầu hết các chủ dự án là các công ty nhà nước (Trung ương và Thành phố). Quy mô các KĐTM không lớn, thường khoảng từ 30 đến dưới 50 ha. Cách thức tổ chức không gian và chức năng KĐTM chịu ảnh hưởng rõ rệt từ mô hình Tiểu khu nhà ở.
Chiều cao các khối công trình nhà ở không lớn, khoảng 5 tầng. Khoảng cách giữa các khối nhà lớn, tạo không gian xanh, không gian cho các hoạt động công cộng và tạo điều kiện thông thoáng tự nhiên tốt.
Những năm tiếp theo, từ sau năm 2006 thêm nhiều hơn nữa các KĐTM đã được xây dựng tại nhiều đô thị trên cả nước, nhưng nhiều nhất vẫn ở 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Một số đặc điểm chung chủ yếu về không gian quy hoach và kiến trúc của các KĐTM đã được xây dựng là:
- Xây dựng các KĐTM ở nhiều vị trí khác nhau trong thành phố, tùy theo vị trí thực tế có thể được phép xây dựng. Nhiều KĐTM, nhất là các KĐTM cao cấp dành cho các cư dân giàu có thường khép kín, có tường, cổng bảo vệ.
Điều này dẫn đến thực trạng phát triển đô thị theo kiểu “da báo”, không gian đô thị bị chia cắt, chưa nói đến vấn đề xã hội nên khó tạo được hình ảnh đô thị có tổ chức thống nhất, mặc dù xây dựng nhiều;
- Quy mô đất đai trung bình của các KĐTM có sự khác biệt lớn, từ 20 ha, thậm chí nhỏ hơn đến 50 ha và trên 50 ha, tùy theo diện tích thực tế có thể cho phép xây dựng.
Do chưa có quy định giới hạn tối đa về quy mô diện tích và dân số đối với các dự án KĐTM, nên không ít dự án có quy mô đất đai rất lớn lên tới hàng trăm héc-ta, thậm trí hàng ngàn héc-ta. Với số dân tương ứng, quy mô này không còn là quy mô của một KĐTM mà là quy mô của đô thị loại IV và là một đô thị mới;
- Nhiều chủ đầu tư tham gia thực hiện các dự án phát triển KĐTM. Đó là: Chủ đầu tư nhà nước, Chủ đầu tư tư nhân và Chủ đầu tư nước ngoài hay liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước;
- Cách thức tổ chức không gian quy hoạch các KĐTM đa dạng hơn, tính đồng bộ được trú trọng hơn để đáp ứng nhu cầu của người ở vốn đang phát triển đa dạng với các mức nhu cầu khác nhau.
Các thể lọai công trình nhà ở và công trình dịch vụ cùng chất lượng tiện nghi và chất lượng cảnh quan không gian công cộng được chú trọng, đa dạng hơn về hình thức kiến trúc, và mức độ chất lượng hoàn thiện cũng như quản lý sử dụng. Công trình nhà ở cao tầng phát triển theo chiều cao trên 30 tầng không còn xa lạ, chất lượng môi trường cư trú được chú trọng;
- Các KĐTM thực sự đã góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị hiện đại ở nước ta trong thời kỳ đổi mơi, hội nhập quốc tế. Lối sống đô thị mơi tiến bộ đang dần hình thành tại các KĐTM có chất lượng.
Tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực chủ yếu về quy hoạch và kiến trúc các KĐTM vẫn hiện diện, dễ nhận thấy nhưng chưa có hướng giải quyết. Đó là các vấn đề bất cập như:
- Phát triển KĐTM thiên về lợi nhuận bất động sản nên mật độ xây dựng cao, số lương căn hộ trên một đơn nguyên quá lớn, đồng thời kiến trúc phát triển theo xu hướng quốc tế mà chưa chú ý nghiên cứu để phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và văn hóa địa phương.
Vẫn phục vụ mục đích bán hàng, cách thức quảng cáo, xây dựng thương hiệu quảng bá cho lối sống đẳng cấp quốc tế với cách đặt tên KĐTM theo kiểu: Đô thị quốc tế (trường hợp KĐTM Ciputra, Hà Nội), Royal City, Times City, Ocean Park (Trường hợp của Vingroup)… Các yếu tố cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương hoàn toàn không được chú ý trong cách thức tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và các công trình nghệ thuật công cộng tại các KĐTM.
- Thêm nữa về văn hóa và lối sống đô thị, trong khi văn hóa cư trú mới chưa được định hình thì văn hóa cư trú truyền thống lại đang mất dần đi những giá trị tích cực. Lối sống mới của cư dân tại các KĐTM đang hướng dần tới chủ nghĩa cá nhân kiểu phương Tây.
4. Kết luận
Mặc dù thời gian qua, ở nước ta đô thị phát triển nhanh, nhiều KĐTM đa dạng về quy mô và hình thức quy hoạch, kiến trúc đã và đang được xây dựng. Nhưng câu hỏi lớn là: Lựa chọn và xây dựng mô hình KĐTM hiện đại và bản sắc, phù hợp với điều kiện phát triển ở nước ta vẫn còn bỏ ngỏ.
Kết quả đánh giá sơ bộ thực tiễn quy hoạch, kiến trúc các KĐTM ở nước thời gian gần đây, cho phép nêu lên một số ý kiến như sau:
- Về cách tiếp cận quy hoạch xây dựng KĐTM:
Trong 2 xu hướng quy hoạch vị kỹ thuật và vị văn hóa thì xu hướng vị văn hóa là xu hướng cần được ưu tiên phát triển. Nói cụ thể hơn, đó là xu hướng chú trọng nghiên cứu, khai thác các giá trị tích cực về tự nhiên và văn hóa của địa điểm xây dựng (hay theo KTS Phan Tấn Lộc, đó là sử tính của địa điểm) trong quy hoạch các KĐTM.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cách tiếp cận từ “dưới lên” với sự tham gia trực tiếp và hiệu quả của cộng đồng trong các dự án KĐTM.
Gần đây, có một số phương án dự thi thiết kế quy hoạch KĐTM đoạt giải ở nước ta đã thể hiện rõ cách tiếp cận quy hoạch xây dựng KĐTM theo hướng vị văn hóa. Đây là những ví dụ tham khảo có giá trị. Ví dụ: Quy hoạch KĐTM Gò Găng, Vũng Tàu của Công ty Arep, Pháp (2008), Quy hoạch KĐTM Gia Lâm, Hà Nội của Cty Deso, Pháp (2009) hay đồ án Đảo Việt, Hạ Long của Công ty I+D+E+A+S Giải pháp thiết kế kiến trúc Italia (2011)...
- Về khai thác, phát huy giá trị văn hóa địa phương trong quy hoạch xây dựng KĐTM:
KĐTM, về bản chất giống như đô thị, là một tập hợp đa văn hóa có đặc trưng, được hình thành theo thời gian và do sự đa dạng về cộng đồng dân cư cùng những thực hành văn hóa của họ. Trải thời gian, thực hành văn hóa, từ những hoạt động đơn giản nhất, đều có giá trị, góp phần định hình bản sắc văn hóa của KĐTM.
Đó là những tập quán tốt đẹp, những giá trị văn hóa tinh thần, lối sống và cách sử dụng không gian của công đồng dân cư đến từ nhiều địa phương khác nhau được phát huy trong cuộc sống hiện đại tại các KĐTM.
Bản sắc văn hóa KĐTM, đến lượt mình lại tạo nên giá trị gia tăng của KĐTM. Đó là sự bền vững về văn hóa rất cần được nghiên cứu, khai thác trong thiết kế các KĐTM. Bên cạnh đó là cách ứng xử tương tự đối với những đặc trưng của cảnh quan thiên nhiên, để hoàn thiện các giá trị văn hóa mới của KĐTM.
Vấn đề văn hóa đô thị, vì thế rất cần được nghiên cứu, để góp phần phát triển các KĐTM phù hợp với điều kiện ở nước ta, trước khi quá muộn. Bởi lẽ, kinh tế lên nhanh, còn văn hóa định hình chậm, nhưng ảnh hưởng lại sâu và lâu. Ở đây, bài học của những nước đi trước, nhất là các nước trong khu vực về hướng này rất cần để tham khảo.
- Về mô hình KĐTM:
Nhiều mô hình KĐTM khác nhau đã và đang được áp dụng ở nước ta. Trong đó mô hình KĐTM Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng) là mô hình tương đối hợp lý, cần được nghiên cứu, đánh giá để tham khảo, khai thác những giá trị tích cực trong quy hoạch các KĐTM ở nước ta.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng các mô hình KĐTM phù hợp với điều kiện phát triển ở nước ta. Thực tế phát triển đô thị ở nước ta cho thấy cần nhiều mô hình KĐTM khác nhau. Ví dụ; Mô hình KĐTM tiêu chuẩn, Mô hình KĐTM xen cấy trong đô thị, Mô hình KĐTM cho phép làng nông trong đô thị cùng phát triển…
Tóm lại, để có câu trả lời thỏa đáng, chắc chắn phải có chương trình nghiên cứu quốc gia về KĐTM, trong đó tập trung tổng kết thực tiễn phát triển các KĐTM ở nước ta, kết hợp với nghiên cứu lý luận về KĐTM tiên tiến trên thế giới. Trên cơ sở đó đề xuất các mô hình KĐTM phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm văn hóa vùng miền ở nước
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Bá (Chủ biên). Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. NXB Xây dung, 1999
2. Hoàng Hữu Phê. Thành phố vệ tinh Bắc An Khánh và việc đi tìm một cấu trúc đô thị thích hợp cho Hà Nội. TCXD số 8/2008, tr 4-9
3. Mike Douglass và Nguyễn Vũ Hiệp. Tiêu chí thành phố sống tốt. TCXD số 9/2007, tr. 12-14
4. World Bank. Cities in transition: World Bank urban and local government strategies. Washington, D.C 2000
5. Nguyễn Thị Thiềng, Phạm Thúy Hương, P. Gubry, F. Castiglioni, J-M. Cuset. Đô thị Việt Nam trong thời kỳ quá độ. NXB Thế giới, 2006
6. Trần Minh Tùng. Chân dung một Hà Nôi quá độ trong chuyển đổi các dạng thức quy hoạch đô thị. NXB Xây dựng, 2016
7. Trần Minh Tùng. Khu đô thị mới tại Hà Nội. Hai thập kỷ nhìn lại một mô hình. NXB Xây dựng, 2016
8. Jan Gehl. Đô thị vị nhân sinh. Người dịch: Nguyễn Minh Huyền và Nguyễn Quang Minh. NXB Xây dựng, ASHUI.com. 2019
9. Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.
10. Ngô Lê Minh (2014). Nhà ở cao tầng trong các đô thị lớn. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật