Chủ nghĩa đa phương trong phát triển xanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, sáng 19/3, tại Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.
Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ. Trong đó, cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, các cam kết về phát triển bền vững được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển. Do đó, để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo xu thế của thời đại và cũng là vấn đề toàn cầu, cần kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả.
Việc phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, lấy con người là trung tâm, chủ thể, con người vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh.
Không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững. Càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần, phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022 kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen, song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỷ USD.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, trong đó có Việt Nam. Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành: (1) Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (3) Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, năm 2023, Bộ TN&MT dự kiến sẽ xây dựng và trình dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay; trong đó có các quy định về phân bổ, sử dụng nguồn nước một cách hài hòa, hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo mục tiêu an ninh nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đang được xây dựng và dự kiến trình Quốc hội ban hành vào năm 2024 sẽ có những quy định thu hút các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn của quốc tế vào lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng, ví dụ như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, khai thác titan ở miền Trung và Bình Thuận, khai thác đất hiếm tại khu vực Tây Bắc của Việt Nam…
Liên quan đến vấn đề BĐKH, để thực hiện mục tiêu lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035 và hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần nguồn vốn rất lớn khoảng 380 tỷ USD, là nguồn lực rất lớn chủ yếu đến từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Bộ TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có chính sách phù hợp nhằm loại bỏ các rủi ro pháp lý, phân bổ các rủi ro khác một cách hiệu quả giúp cho việc đầu tư của doanh nghiệp vào giảm phát thải khí nhà kính có chi phí thấp hơn.
Về phát triển kinh tế biển, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nội dung nhằm khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên biển, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo đó là năng lượng điện gió ngoài khơi…
Quy hoạch Điện VIII - kênh đầu tư tăng trưởng xanh
Cũng tại Diễn đàn, phát biểu của các đại biểu cho thấy các bên tham gia rất hiểu nhau, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau để cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, là minh chứng cho ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự chân thành, tin cậy giữa hai bên.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch Điện VIII là kênh đầu tư cho tăng trưởng xanh. Khuyến nghị áp dụng mua sắm đấu thầu bảo đảm minh bạch và mang tính cạnh tranh nhằm có cách tiếp cận tốt nhất về mua bán điện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể nâng cao năng lực kỹ thuật, thể giảm thiểu những rủi ro cắt giảm công suất.
Việc sẽ phải mất 2 năm để có được khung khổ mua sắm đấu thầu vì phải rà soát các văn bản pháp luật, sẽ là một thời gian tương đối dài. Nên đẩy nhanh tiến trình xây dựng khung khổ này nếu muốn giữ các nhà đầu tư. Đồng thời, cần có khung giá về các dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là hệ thống pin lưu trữ năng lượng, đầu tư vào lưới điện truyền tải, đầu tư nâng cấp lưới điện...
Bà Carolyn Turk khẳng định, có thể hỗ trợ cung cấp nguồn tài chính cho lưới truyền tải và nâng cấp lưới điện. Tuy nhiên, cần đánh giá lại khung pháp lý về vấn đề này.
Về việc xây dựng thị trường phát thải carbon, bà Carolyn Turk đánh giá Việt Nam vẫn chưa tiếp cận đầy đủ tiềm năng của thị trường này và WB có thể hỗ trợ về mặt pháp lý, hỗ trợ khơi thông nguồn tài chính đến từ thị trường carbon tự nguyện cũng như các hoạt động giảm thiểu phát thải carbon…
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đánh giá, trước đây Việt Nam đóng góp khá ít phát thải khí nhà kính nhưng 2 thập niên vừa qua Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần thiết.
WB dự báo, lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững của Việt Nam cần có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD tính tới năm 2040, trong đó cần khoảng 184 tỷ USD từ khu vực tư nhân. Để huy động được nguồn tài chính này Việt Nam phải vượt qua một số rào cản cơ bản về thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải là: Năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có hợp đồng mua điện theo chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài; Cần có thị trường vốn để có được các mô hình huy động trái phiếu bền vững...