Phát triển ngành VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững

12:31 09/11/2024
Ngành VLXD với năng lực đã được khẳng định qua nhiều giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển của đất nước, chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại, thích ứng tốt với cơ chế thị trường, bắt nhịp xu hướng thế giới…
Phát triển ngành VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Tú

Trên đây là nhận định của ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo "Phát triển ngành VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững" do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 09/11 tại Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD.

Bước chuyển mình của ngành công nghiệp VLXD

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cho biết, nhằm tiếp nối và lan tỏa bước phát triển của ngành công nghiệp VLXD thời gian qua, đồng thời cùng khẳng định những nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu cụ thể mà ngành phải phấn đấu để đạt được ở hiện tại và tương lai.

Để phát triển ngành VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững, ông Tống Văn Nga mong muốn chính quyền các cấp, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD tiếp tục quan tâm, đi sâu nghiên cứu, để đưa ra những nội dung hiệu quả và bổ ích khi áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Tú

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) khái quát những thành tựu về năng lực sản xuất VLXD trong 40 năm qua, từ các dẫn chứng cho thấy, nhờ ứng dụng KHCN, ngành sản xuất VLXD nước ta đã có những bước tiến vượt bậc về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới.

Trong đó, một số loại sản phẩm VLXD quan trọng như: xi măng, gạch gốm ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, sắt thép,… đã ghi dấu những thành tựu nổi bật như đối với gạch gốm ốp lát, năm 1993 cả nước mới có 01 dây chuyền sản xuất GGOL đầu tư với công suất thiết kế 1 triệu m2/năm. Nhưng đến nay, cả nước đã có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát được đầu tư, công suất 831 triệu m2/năm với nhiều chủng loại Ceramic, Granite, Cotto…

Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới, sản phẩm xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Âu, ASEAN…

Đối với mặt hàng sứ vệ sinh, tổng năng lực sản xuất đã tăng 190 lần, từ 0,14 triệu sản phẩm năm 1994 tăng lên 26,6 triệu sản phẩm vào năm 2023. Mẫu mã chủng loại đa dạng, cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Kính xây dựng cũng đã có những con số ấn tượng, với tổng năng lực sản xuất kính xây dựng tăng 57 lần từ 5,8 triệu m2/năm vào năm 1994 lên 331 triệu m2/năm vào năm 2023…

Ông Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD khái quát những thành tựu về năng lực sản xuất VLXD trong 40 năm qua. Ảnh: Đức Tú

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Hiệp cũng cho biết những bước tiến nổi bật về việc ứng dụng KHCN trong sản xuất VLXD, trong đó nhiều lĩnh vực đã làm chủ được công nghệ sản xuất thông qua việc chủ động hội nhập quốc tế, hướng đến áp dụng những tiến bộ mới, nâng cao tính năng sản phẩm; tận dụng tối đa chất thải rắn làm nguyên liệu thay thế, phát thải carbon thấp; sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh

Đặc biệt, phải kể đến lĩnh vực sản xuất xi măng, nhiều dây chuyền sản xuất đã áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt dư để phát điện. Tính đến nay đã có 36 dây chuyền lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa để phát điện, giảm lượng điện mua từ lưới điện 20-25%. Nhiên liệu thay thế chủ yếu là rác thải công nghiệp thông thường: Nylon, bao bì, mút, vải vụn, da vụn,… (có nhiệt trị cao).

Đối với sản xuất gạch ốp lát, so với trước đây, thiết bị và công nghệ sản xuất gạch gốm ốp lát được đầu tư đồng bộ, tiên tiến từ các nước phát triển như Italia, Tây Ban Nha, Đức với quy mô mỗi nhà máy lên tới hàng chục triệu m2/năm, công suất mỗi dây chuyền từ 5-8 triệu m2/năm.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ sản xuất bằng phương pháp cán ép liên tục thay cho dùng máy nén khuôn phẳng để sản xuất các sản phẩm kích thước lớn. Công nghệ “Continua+” của SACMI Italia sử dụng phương pháp cán ép liên tục giúp tạo ra các sản phẩm gạch có kích thước lớn nhưng có độ phẳng rất cao. 

Nhờ đổi mới công nghệ sản phẩm sứ vệ sinh đã đáp ứng các tiêu chuẩn EN, ASTM, JIS về chất lượng, hình dáng, kích thước, mẫu mã, màu sắc và tính năng sử dụng. Sản phẩm xuất khẩu đi thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu,…

Ông Nguyễn Quang Hiệp cũng cho biết, đến nay, ngành VLXD Việt Nam cũng rất chú trọng trong việc nghiên cứu phát triển các chủng loại VLXD mới, tính năng cao như: VLXD xanh; VLXD ứng dụng nghệ nano trong sản xuất; công nghệ in 3D.

Các doanh nghiệp sản xuất VLXD không những quan tâm đến quá trình chuyển đổi công nghệ, nâng cao năng xuất chất lượng trong quá trình sản xuất mà còn quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường đất, nước, không khí bằng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp…

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu trên, ông Nguyễn Quang Hiệp cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong ngành VLXD Việt Nam hiện nay như: Trình độ chế tạo thiết bị cơ khí cho ngành sản xuất VLXD của nước ta còn thấp. Năng suất, chất lượng lao động còn chưa cao; phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào như tài nguyên khoáng sản, công nghệ của nước ngoài, nhiên liệu, năng lượng và vốn; việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong sản xuất VLXD vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Từ những hạn chế trên, ông Nguyễn Quang Hiệp đã kiến nghị 4 nội dung: Tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại VLXD mới, tính năng cao, các loại vật liệu thân thiện môi trường; phát triển công nghệ sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên kháng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu ban hành hành lang pháp lý (các văn bản quy phạm pháp luật) và hành lang kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật) thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực VLXD.

Nghiên cứu sử dụng tro đốt rác thải sinh hoạt, các phế thải của ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng và bùn thải nạo vét thay thế vật liệu tự nhiên để sản xuất VLXD và làm vật liệu san lấp.

Xây dựng đề án đánh giá lại trữ lượng các khu vực khoáng sản làm VLXD theo các khu vực để làm căn cứ cho đầu tư sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.

Tập trung nguồn lực, gỡ bỏ rào cản để ngành VLXD phát triển

Tại Hội thảo, ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) đã chia sẻ về những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình phát triển ngành VLXD thời gian qua.

Trước hết về thuận lợi, lĩnh vực này luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm như việc phê duyệt nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích phát triển ngành VLXD.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng VLXD trong xây dựng của nước ta còn rất lớn, diện tích nhà ở toàn quốc còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%; hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện. Do đó, đây cũng chính là tiềm năng để ngành VLXD xây dựng phát triển trong thời gian tới.

Ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Đức Tú

Ông Lê Trung Thành cũng nêu lên những khó khăn mà ngành VLXD đang phải đối mặt như: trong những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều sụt giảm dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc của người lao động, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, khó khăn về nhiên liệu sản xuất, điện, nguồn nguyên liệu,… luôn biến động, tăng giá và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Bên cạnh đó, sức ép về bảo vệ môi trường cũng rất lớn với những cam kết quốc tế, mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động giảm phát thải và giảm tiêu hao nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những khó khăn và thách thức trong chi phí đầu tư của doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động sản xuất xanh, giảm phát thải.

Các quy định về hàng rào kỹ thuật tại phần lớn thị trường xuất khẩu, các sản phẩm này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng theo quy định của nước nhập khẩu cũng là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, những cơ chế về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiện nay còn chưa rõ ràng.

Đáng chú ý, về tiêu thụ trong nước cũng rất khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án đầu tư công khởi công chưa được như kỳ vọng; chi phí về vận tải tăng cao; thị trường ngoại nhập cạnh tranh gay gắt. Khó khăn, vướng mắc về tài chính cũng là một trong những khó khăn lớn mà ngành VLXD đang phải đối mặt hiện nay.

Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Từ những khó khăn trên, ông Lê Trung Thành khuyến nghị một số giải pháp nhằm gỡ khó cho ngành VLXD. Trong đó, cơ chế chính sách phát triển ngành cần được rà soát và khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các khách hàng, trong đó có doanh nghiệp VLXD theo quy định pháp luật.

Ban hành các chính sách ưu đãi về sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao,… làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và các VLXD khác.

Nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanhke xi măng bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, đồng thời phù hợp với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá.

Tăng cường các biện pháp về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá đối với các sản phẩm sắt thép, các sản phẩm VLXD như gạch ốp lát nhập khẩu, ván sợi gỗ (LDF/MDF/HDF), sứ vệ sinh, kính xây dựng… nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng và đảm bảo phù hợp với những quy định của Việt Nam và WTO.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực VLXD.

Ngoài ra, các doanh nghiệp VLXD cũng cần tập trung triển khai đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; đa dạng hoá sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau; tăng cường sản xuất các sản phẩm VLXD thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD...

Ông Lê Trung Thành cho rằng, những khó khăn hiện nay đối với ngành VLXD trong cơ chế thị trường với tính cạnh tranh cao cũng là dịp để sàng lọc năng lực và tính hiệu quả đối với các doanh nghiệp và các sản phẩm VLXD của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Lê Trung Thành cũng tin tưởng với năng lực đã được khẳng định, chắc chắn ngành VLXD sẽ vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại, thích ứng tốt với cơ chế thị trường, sự biến động của kinh tế thế giới và phát triển KHCN để vươn mình ra thế giới, xứng đáng với các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Bình luận