Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo: Cuộc chạy đua toàn cầu

07:07 07/05/2022
Những năm gần đây, ngành khoa học nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được các nước chú trọng phát triển vì tiềm năng to lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. AI đang trở thành chiến lược toàn cầu trong vai trò tiên phong của cuộc CMCN 4.0.

LTS: Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (4.0) diễn ra ở thế kỷ 21 dựa trên những phát triển của kỹ thuật số. Nó được đánh dấu bởi công nghệ mới đột phá trong một số lĩnh vực, bao gồm cả robotics, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, công nghệ sinh học, internet vạn vật, in 3D, xe tự lái… Đón đầu cơ hội của cuộc CMCN này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Có 8 nhóm chủ trương, chính sách lớn được nêu, trong đó có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi, phát triển. 

“Khát” nhân lực công nghệ cao 

Nhiều nước đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực AI, cả ngắn hạn và dài hạn, mà điển hình là Trung Quốc. Từ năm 2015, kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc đã đầu tư 1.729 tỷ USD vào phát triển AI với mục tiêu vươn lên dẫn đầu ngành công nghiệp AI vào năm 2030. Tiếp đó là Pháp với 1,5 tỷ EUR. CHLB Đức cũng đã tham gia cuộc đua, liên kết với các nước châu Âu với kinh phí 3 tỷ EUR nhằm trở thành AI Powerhouse của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2025.

Có thể nói, thế giới đã và đang bước vào chạy đua AI, trong đó nhiều quốc gia hướng đến mục tiêu dẫn đầu để mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân loại. Nghiên cứu xu thế phát triển AI của các nước trên thế giới, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, Mỹ hiện dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nhân lực công nghệ cao cho AI. Trong khi đó, Trung Quốc có thế mạnh ở mảng lý thuyết với vị thế quốc gia có số lượng bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ và xuất bản khoa học nhiều nhất thế giới. Theo sau đó là các quốc gia EU với đại diện là Vương quốc Anh.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, số liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ năm 2020, nước này có khoảng 1,4 triệu việc làm cho lĩnh vực công nghệ cao (gồm công nghệ thông tin và AI). Tuy nhiên, theo phân tích của tổ chức Code.org, chỉ có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ cao. Cùng với đó, mức lương của kỹ sư máy tính, các ngành liên quan đến máy tính không ngừng tăng. Mức lương trung bình của kỹ sư máy tính ở Mỹ khoảng 85.000 USD/năm, tăng 6% so với 10 năm trước. Nhật Bản cũng cần “nhập khẩu” khoảng 30.000 kỹ sư máy tính những năm tới, đặc biệt là kỹ sư đến từ Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi đó, ở các nước EU, ước tính thiếu đến 913.000 vị trí về công nghệ máy tính năm 2020. Ngay cả ở Ấn Độ, một cường quốc về công nghệ thông tin, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Mới đây, giám đốc điều hành của Công ty Snapdeal (một công ty về thương mại điện tử hàng đầu của Ấn Độ) phải lo ngại vì không tìm đủ kỹ sư máy tính. 

Những phân tích trên cho thấy, có một khoảng cách lớn giữa nhu cầu về nguồn lực công nghệ cao đến từ các doanh nghiệp so với năng lực đào tạo của các trường đại học trên thế giới giai đoạn 2016-2020 và hiện nay.

"Nghị quyết 52 thể hiện quan điểm mới mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước để thích ứng với CMCN 4.0. Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo. Do đó, các cơ sở đào tạo phải thay đổi quan điểm về đào tạo như: trang bị kiến thức tối thiểu hay kiến thức nền tảng để phục vụ tốt nhất cho sự học suốt đời; ngành nghề đào tạo theo hướng nào; thích ứng và ứng phó như thế nào trước những thách thức của AI; không gian sáng tạo, chính sách pháp luật..." - PGS.TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM.

 

Việt Nam đã sẵn sàng nhập cuộc 

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư và ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu là tập đoàn FPT đã bắt tay vào phát triển AI từ năm 2013, đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp AI của tập đoàn này để phục vụ hơn 14 triệu người. Tập đoàn Vingroup ứng dụng thành công AI vào công nghệ xe tự lái. Viettel sở hữu siêu máy tính có hiệu năng lên đến 20 triệu tỷ phép tính/giây. VNPT ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh cho 30 tỉnh, thành phố. MK Group và Bkav tập trung trọng điểm cho camera AI… 

Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo - Bài 1: Cuộc chạy đua toàn cầu ảnh 1

Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trong giờ học tại Trung tâm giáo dục và đào tạo AI

Ứng dụng cụ thể mới nhất là hệ thống AI VinDr do Trung tâm Xử lý ảnh y tế (thuộc VinBigdata) phát triển, cho phép chẩn đoán hình ảnh về bệnh lý phổi trên X-quang lồng ngực, chẩn đoán ung thư vú trên X-quang tuyến vú, xác định các bất thường trên hình ảnh CT/MRI sọ não và phát hiện bất thường trên phim X-quang cột sống… Qua thử nghiệm lâm sàng tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho thấy nhiều hiệu quả như mong đợi. Theo đánh giá từ đội ngũ chuyên gia y tế của các bệnh viện, VinDr đảm bảo độ chính xác cao, hỗ trợ đắc lực bác sĩ trong chẩn đoán bệnh.  

Được phát triển bởi VinBigdata, trợ lý ảo ViVi trên dòng xe điện mới ra mắt của VinFast (VF e34) đang nhận được sự quan tâm của người dùng. Khi tích hợp trên xe, ViVi cho phép người lái dùng giọng nói thực hiện nhiều tác vụ như dẫn đường, gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc, đọc tin tức, điều khiển các chức năng trên xe… AI ViVi hỗ trợ hỏi đáp thông tin và thực hiện nhiều tác vụ khi đang di chuyển mà không ảnh hưởng đến độ tập trung và thao tác lái xe. Đây là giải pháp giọng nói “thuần Việt”, được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam dưới sự dẫn dắt của GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigData, đồng thời là Giáo sư Toán học tại Đại học Yale (Hoa Kỳ).

Ứng dụng AI trong xử lý ngôn ngữ phải nhắc đến Công ty CP Dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu Vbee với các giải pháp, dịch vụ đã nhận được nhiều giải thưởng về ứng dụng KHCN trong nước. Trong đó, Vbee AI Voice Studio là sản phẩm chuyển đổi văn bản thành giọng nói tự nhiên trên nền tảng AI, cung cấp hơn 40 ngôn ngữ và hàng chục giọng nói để người dùng có thể sử dụng, được ứng dụng tại hệ thống thông báo công cộng, trợ lý ảo (virtual assistant), sách nói, thuyết minh phim; tổng đài nhân tạo AI Call Center, tạo ra các tổng đài viên ảo, tự động tương tác trực tiếp với khách hàng. 

Doanh nghiệp khởi nghiệp ví điện tử MoMo cũng đã âm thầm ứng dụng AI vào các sản phẩm của mình từ năm 2018. Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ MoMo, cho biết: “Năm 2021, trung bình một ngày có 200.000 tin spam, chiếm 50% tổng lượng tin nhắn hệ thống nhưng sau khi áp dụng AI đã giảm chỉ còn 0,2% tổng lượng tin nhắn toàn hệ thống. Đó là cách đội ngũ phát triển MoMo ứng dụng AI để phục vụ người dùng, giúp họ tiện lợi và an toàn”.  

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), học máy sâu (Deep Learning)… công nghệ và ứng dụng AI gần với cuộc sống hơn, tạo nhiều thành tựu làm thay đổi nhiều thứ trong đời sống.

Theo dự báo, năm 2030, AI sẽ đóng góp 15.700 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. AI sẽ hiện diện và phủ khắp mọi lĩnh vực, không chỉ trong đời sống xã hội mà còn trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông... Tuy nhiên, ứng dụng AI ở Việt Nam chưa rõ nét, chưa mang lại hiệu quả kinh tế thật sự. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam cần chủ trương, định hướng, chính sách cụ thể để phát triển nguồn nhân lực AI.

 

Nguồn: Báo SGGP 

Bình luận