Phát triển thành phố Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của vùng ĐBSCL

TP Cà Mau được xác định là 1 trong 7 trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng.
Phát triển thành phố Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của vùng ĐBSCL
Ảnh minh họa

1. Tỉnh Cà Mau - những lợi thế và thách thức  

Cà Mau có lợi thế nằm ở vị trí địa chiến lược - trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; nằm trên hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng.

Thay vì tư duy Cà Mau là nơi cuối trời cực Nam xa xôi, cách trở thì đây phải là một vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, Với lợi thế là địa phương duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển (chiều dài bờ biển 254 km) giúp Cà Mau trở thành cửa ngõ phía Nam thuận lợi trong giao thương hàng hải quốc tế.

Vùng biển Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước (70.000 km2); có trên 300.000 ha nuôi trồng thủy sản; có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), đặc biệt có Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, là 1 trong 2 cảng biển tổng hợp của vùng ĐBSCL (cùng với Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Cà Mau có lợi thế về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với tiềm năng điện gió vùng ven biển của tỉnh đạt công suất trên 12.000 MW; năng lượng mặt trời 2.150MW; điện khí 10.700MW. Tiềm năng lớn về phát triển du lịch với 2 Vườn Quốc gia, có khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới,…

Hình 1. Quy hoạch tỉnh Cà Mau.

Cà Mau còn nhiều khó khăn mang tính rất đặc thù đó là cách xa các trung tâm kinh tế lớn; ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chất lượng nhân lực chưa cao, nền đất yếu, sông ngòi, kênh rạch nhiều, dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư, chủ yếu là chi phí gia cố nền móng.

Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, cát, thép..., các công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh thường phải mua nguồn vật liệu ngoài địa phương, phát sinh chi phí vận chuyển đến chân công trình rất cao, là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng, toàn bộ 254 km bờ biển đều đã sạt lở hết, đặc biệt là bờ biển phía Đông, có những chỗ sạt lở đến 2 m do chưa có đê kè… hàng ngày, hàng giờ, mất đất, mất rừng, người dân mất sinh kế. 

Nguyên nhân cơ bản hạn chế phát triển của tỉnh là hạ tầng còn yếu kém, chưa có cơ chế đặc thù để phát triển. Từ đó khó thu hút doanh nghiệp; thiếu việc làm, lực lượng lao động suy giảm, thu ngân sách thấp,…

Ngoài ra, tài nguyên nước mặt và nước ngầm của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế trong khai thác tiềm năng, như: Chưa có các dự báo liên quan đến trữ lượng nước dưới đất và đánh giá khả năng khai thác nước dưới đất; vấn đề biến đổi khí hậu; lượng mưa tăng lên vào cả mùa mưa và mùa khô…

2. TP Cà Mau: Trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của tỉnh cà mau và vùng ĐBSCL

2.1. Các căn cứ pháp lý

Quy hoạch vùng ĐBSCL đã xác định: TP Cà Mau là 1 trong 7 trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng (QĐ số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCLthời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050).

Quy hoạch tỉnh Cà Mau: Xây dựng TP Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh (QĐ số 1386/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050).

Chương trình phát triển đô thị TP Cà Mau và đồ án Quy hoạch chung TP Cà Mau xác định: TP Cà Mau là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thương mại và dịch vụ tổng hợp của tỉnh Cà Mau; là cứ điểm quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng bán đảo Cà Mau.  

Căn cứ vào các cơ sở pháp lý ở trên thì TP Cà Mau đã được xác định là đô thị tổng hợp, chuyên ngành.

2.2. Để khẳng định vị thế, vai trò chức năng của một đô thị tổng hợp, chuyên ngành thì địa phương cần phải làm rõ một số nội dung và nhiệm vụ sau:

- Thứ nhất: Về chức năng là Trung tâm tổng hợp

+ Nghiên cứu và bổ sung đủ chức năng tổng hợp theo quy định.

+ Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách và kế hoạch đầu tư phát triển đô thị cụ thể, phù hợp và khả thi để bảo đảm đạt đủ tiêu chuẩn của đô thị loại II và đến 2025 đạt chuẩn đô thị loại I. 

Một số nhiệm vụ cụ thể đặt ra cần phải làm là:

a) Xây dựng đề án phân cấp, nâng loại TP Cà Mau đến năm 2025 đạt chuẩn đô thị loại I. Như vậy cần kiểm đếm các tiêu chuẩn và chỉ tiêu còn thiếu để đạt đủ chuẩn của đô thị loại II, đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đạt một số tiêu chí, chỉ tiêu cơ bản của đô thị loại I.  

b) Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị TP Cà Mau: Cần xác định cụ thể các dự án đầu tư ưu tiên trong có kết hợp với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Cà Mau được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL (QĐ số 816/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

c) Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cà Mau: Trên cơ sở QĐ 287 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐBSCL và QĐ 1386 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Cà Mau tiến hành rà soát lại và hoàn thành Điều chỉnh QHC TP Cà Mau trong đó phạm vi nghiên cứu Quy hoạch xem xét, cân nhắc đưa Khu CN khí điện Đạm Cà Mau thuộc xã Khánh An, huyện U Minh cũng như Trung tâm đầu mối thủy sản dự kiến tại huyện Thới Bình vào TP Cà Mau để bổ sung thêm chức năng là Trung tâm chuyên ngành.

Hình 2. Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cà Mau.

- Thứ 2: Về chức năng là Trung tâm chuyên ngành: 

Tại QĐ số 287 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tính chất chuyên ngành bao gồm: TP Cà Mau là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và trung tâm chế biến thủy sản của vùng ….. như vậy các trung tâm này cần phải được cụ thể hóa sau:

- Trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia: Phát triển điện gió, điện mặt trời là lợi thế, khu công nghiệp Khí Điện Đạm Cà Mau ở vị trí thuận lợi tiếp cận đến thành phố chỉ khoảng 15km…. bổ sung quy mô các năng lượng mới khác cũng như nội hàm của dịch vụ dầu khí quốc gia, bao gồm các hoạt động dịch vụ gì sẽ được đặt tại TP Cà Mau?

Hình 3. Khu Khí Điện Đạm Cà Mau.

- Trung tâm du lịch không chỉ là du lịch sinh thái mà còn là trung tâm hậu cần, dịch vụ phục vụ du lịch vậy việc thành lập trung tâm quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh đặt tại TP Cà Mau để làm cầu nối du lịch của tỉnh với các trung tâm du lịch trong vùng và quốc gia/quốc tế là rất cần thiết. 

- Trung tâm chế biến thủy sản của vùng nên đặt tại TP Cà Mau … cần bổ sung xác định rõ hơn thủy sản chủ lực, sản lượng bao nhiêu, vùng nguyên liệu ở đâu và các liên kết sản xuất, chế biến và vùng tiêu thụ sản phẩm cần cụ thể hơn.

2.3 Để hỗ trợ cho đô thị Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với địa phương cần ưu tiên tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển thực hiện đầu tư các dự án thúc đẩy sự liên kết Cà Mau với các vùng/khu vực trong kế hoạch số 816/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ như sau: 

a) Liên kết về đầu tư xây dựng hệ thống giao thông: Trung ương và Bộ GTVT đầu tư xây dựng các tuyến giao thông: (1) Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; (2) Tuyến tránh TP Cà Mau; (3) TP Cà Mau - Năm Căn; (4) Cà Mau - Bạc Liêu; (5) QL63; TP Cà Mau - Đất Mũi; (6) Nâng cấp sân bay Cà Mau nếu các công trình giao thông này hoàn thành theo kế hoạch sẽ góp phần nâng cao vị thế của Cà Mau trong liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.  

b) Liên kết về thủy lợi và cấp nước: Bộ NN&PTNT quan tâm các dự án hệ thống chuyển nước ngọt để tạo nguồn nước cho khu vực các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau; Cải tạo hệ thống kênh trục chính chuyển nước từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau.

c) Liên kết về hạ tầng xã hội và du lịch: 

(1) Bộ Y tế quan tâm đầu tư Bệnh viện Nhi đồng thuộc Bộ tại TP Cà Mau (trở thành Bệnh viện khu vực); 

(2) Bộ VHTT&DL: Dự án phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; 

(3) Bộ TN&MT: Dự án mở rộng kết nối sinh thái vùng U Minh, giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ trở thành vùng sinh thái đất rừng phương Nam đặc thù… 

3. Đề xuất một số cơ chế/chính sách đặc thù cho TP Cà Mau

Hiện nay Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho hơn 10 địa phương bao gồm: Hà Nội, TP.HCM; Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột…tổng hợp các cơ chế chính sách đặc thù chủ yếu phần lớn tập trung vào các lĩnh vực sau:

1. Quản lý tài chính, ngân sách (vay, phát hành trái phiếu, phí và lệ phí..)

2.  Quản lý Đất đai (ủy quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch….

3. Quản lý Quy hoạch (phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch…)

4. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức

5. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn (áp dụng thuế, suất thuế thu nhập doanh nghiệp…%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…)

6. Ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học…  

7. Quy định về tổ chức bộ máy, thành lập tổ chức….

8. Một số địa phương đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện một số dự án cụ thể trên địa bàn…..

Vậy căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội cũng như đặc thù của TP Cà Mau thì UBND tỉnh Cà Mau cần đề xuất những cơ chế cụ thể hơn để trình Thủ tướng Chính phủ  hoặc Quốc hội (thẩm quyền của Quốc hội) xem xét quyết định. 

Đề xuất/gợi ý một số cơ chế đặc thù cho Cà Mau có thể bao gồm: 

(1) Chính phủ hỗ trợ kêu gọi các dự án ODA và thực hiện cơ chế cấp phát 100% vốn hoặc cho vay lại (đối với một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị như Xử lý nước thải; xử lý chất thải rắn hoặc cung cấp nước sạch…..); 

(2) Cho phép phát hành trái phiếu địa phương; Hỗ trợ lãi suất vay từ các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài… 

(3) Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa bàn (áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp…%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…). 

(4) Hướng dẫn và hỗ trợ cơ chế tài chính theo biện pháp giảm phát thải nhà kính.

(5) Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ để xây dựng Cà Mau trở thành Trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí hoạt động hiệu quả...hoặc đầu tư xây dựng Trung tâm đầu mối thủy sản trên địa bàn. 

Kết luận: Xây dựng và phát triển TP Cà Mau thành Trung tâm tổng hợp, chuyên ngành có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển tỉnh Cà Mau và tiểu vùng bán đảo Cà Mau. Vì vậy cần có nghiên cứu sâu hơn để có những đề xuất cụ thể khả thi vừa phát huy nội lực vừa tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương và các Bộ, ngành.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCLthời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
2. Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
3. Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 
4. Chương trình phát triển đô thị TP Cà Mau
5. Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cà Mau
6. Tài liệu Hội thảo tại Cà Mau 17/8/2023 về Xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành.

Bình luận