Chú ý đến giám sát môi trường, di chuyển thông minh
Kế hoạch này được công ty kiến trúc Mỹ Skidmore, Owings & Merrill (SOM) chia sẻ với CNN, bao gồm 20.000 ngôi nhà, cũng như một trường đại học, trường học, cơ sở y tế và nhà thờ Hồi giáo. Nó dự kiến được xây dựng trên một địa điểm chưa phát triển ở Al-Seeb, cách Muscat vài cây số về phía Tây.
Xin nói thêm, SOM được biết đến với các tòa nhà bao gồm Burj Khalifa, tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, mặc dù họ cũng đã thiết kế quy hoạch tổng thể đô thị tại các địa điểm bao gồm Canary Wharf ở London và Công viên Thiên niên kỷ ở Chicago, nơi công ty đặt trụ sở chính.
Công việc của dự án sẽ bắt đầu vào năm tới và sẽ được hoàn thành trong bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, kéo dài đến năm 2030, sẽ phát triển trung tâm TP rộng 5km2 và 6 trong số 19 khu dân cư được quy hoạch phát triển. Giai đoạn cuối cùng dự kiến hoàn thành vào năm 2045.
Trong một thông cáo báo chí, SOM cho biết dự án sẽ cung cấp “không gian công cộng sôi động, nhà ở chất lượng cao và giá cả phải chăng cũng như khả năng di chuyển trong đô thị thông minh”.
Mặc dù không có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về “TP thông minh”, thuật ngữ này thường mô tả việc sử dụng cảm biến, camera và thiết bị hỗ trợ cái gọi là “Internet vạn vật” (internet of things) để thu thập và sử dụng dữ liệu từ môi trường xây dựng. Trong khi các nhà phê bình nêu lên mối lo ngại về quyền riêng tư, nhiều nhà quy hoạch đô thị tin rằng dữ liệu lớn (big data) có thể giúp các TP cung cấp các dịch vụ công hiệu quả hơn, từ quản lý giao thông đến giám sát môi trường.
Trong một tuyên bố, một trong những lãnh đạo cấp cao của SOM, Bernhard Rettig, nói rằng “cơ sở hạ tầng thông minh” của TP Sultan Haitham sẽ được sử dụng để “giám sát các yếu tố môi trường như chất lượng không khí và quản lý nước”.
Công ty SOM cho biết thêm, các kế hoạch cũng bao gồm một hệ thống quản lý giao thông sẽ sử dụng “dữ liệu, thời gian thực từ camera và cảm biến tốc độ…” để định tuyến lại các phương tiện và kiểm soát luồng giao thông.
Loại bỏ việc sử dụng dầu, tăng cường năng lượng tái tạo
Sự phát triển mới này là một phần của Tầm nhìn Oman 2040 (Oman Vision 2040), một sáng kiến do nhà nước Oman lãnh đạo nhằm mục đích tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc của đất nước vào dầu mỏ, hiện chiếm hơn một nửa doanh thu của chính phủ.
SOM cho biết kế hoạch tổng thể của họ được thiết kế để giảm thiểu “dấu chân sinh thái” (ecological footprint, tức giảm tiêu thụ những sản phẩm mà thế giới tự nhiên cung cấp) của TP, sử dụng các cơ sở năng lượng mặt trời, tái chế nước thải, cơ sở hạ tầng xe điện và các nhà máy biến rác thải thành năng lượng.
Các kiến trúc sư không thể xác định bao nhiêu điện năng của TP sẽ được tạo ra từ năng lượng tái tạo, nhưng chỉ ra mục tiêu toàn quốc của Oman là sản xuất 30% điện năng từ các nguồn năng lượng xanh vào năm 2030.
SOM cho biết thiết kế của nó đáp ứng được nhiệt độ và độ ẩm cao ở Muscat, nơi nhiệt độ được biết là vượt quá 110 độ F (43,3oC). Các bản kết xuất kỹ thuật số mới được phát hành của dự án mô tả những con đường rợp bóng mát được bao quanh bởi các công trình dường như được làm từ gạch và gỗ. Công ty cho biết các con đường và tòa nhà sẽ được định hướng để tối đa hóa bóng râm và khuyến khích thông gió tự nhiên.
Ở những nơi khác, một công viên sẽ nằm ở trung tâm khu vực lân cận, hoàn chỉnh với các quảng trường và “một mạng lưới không gian mở được kết nối với nhau”. Công viên sẽ được xây dựng dọc theo một đoạn sông khô dài 7,5km mà các kiến trúc sư cho biết sẽ được sử dụng để ngăn và thu nước lũ ở vùng ven biển dễ bị ngập lụt theo mùa.
Trong một tuyên bố, Bộ Nhà ở và Quy hoạch Đô thị của Oman (Ministry of Housing and Urban Planning) mô tả sự phát triển này là “sự mở rộng đô thị” của Muscat. TP mới dự kiến sẽ được kết nối với thủ đô của Oman, nằm ở mũi Bán đảo Ả Rập, thông qua hệ thống vận tải công cộng.
Nguồn: Kinh tế& Đô thị