Phát triển Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo, trung tâm phía Đông của TP.HCM

07:15 18/08/2024
Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 nếu được thực hiện tốt sẽ là cơ sở để khắc phục những tồn tại, hạn chế, và đảm bảo đúng định hướng phát triển cho TP Thủ Đức…

Trên đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng thẩm định - tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, diễn ra chiều 17/8 tại Hà Nội.

Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường; đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định.

Xây dựng mô hình đô thị đa trung tâm, phát triển 11 phân vùng đô thị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 là một đồ án quy hoạch quan trọng. Bởi theo định hướng của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM, TP Thủ Đức được xác định phát triển thành cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, trung tâm phía Đông của TP.HCM về nhiều mặt.

Theo dự thảo quy hoạch được liên danh tư vấn trình bày tại Hội nghị, phạm vi khu vực lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Thủ Đức: Phía Đông giáp TP Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp Quận 4, Quận 1, Quận 12 và quận Bình Thạnh, TP.HCM; phía Nam giáp Quận 4, Quận 7, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; phía Bắc giáp TP Dĩ An và TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Quy mô khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.156,9ha.

Thời hạn quy hoạch đến năm 2040.

Dự thảo quy hoạch nêu rõ, TP Thủ Đức có tính chất là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP.HCM; Trung tâm phía Đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.

Đồng thời là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của Thành phố và vùng TP.HCM.

Đây cũng là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Thuận An, Dĩ An, Phú Mỹ, Vũng Tàu.

Quy hoạch dự báo quy mô dân số của TP Thủ Đức đến năm 2030 có khoảng 1.500.000 người; đến năm 2040 có khoảng 2.200.000 người; và sau năm 2040 có khoảng 3.000.000 người.

Khu vực TP. Thủ Đức, TP. HCM. Ảnh vneconomy

Quy hoạch định hướng tổ chức TP Thủ Đức trở thành một đô thị đa trung tâm, với các trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực Trường Thọ, khu vực Long Phước.

Định hướng phát triển TP Thủ Đức theo 11 phân vùng đô thị, tạo thành những khu vực sinh sống gắn với cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống; mỗi phân vùng đô thị gắn với một khu vực trọng điểm phát triển và tổ chức tối thiểu một khu vực trung tâm cấp đô thị.

Trên cơ sở 11 phân vùng đô thị, toàn Thành phố được quản lý theo 36 khu vực quản lý quy hoạch, với các chỉ tiêu xác định cho từng khu vực.  

Đối với chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, đồ án nêu rõ, tập trung tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

Điều chỉnh quy định quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch tại các khu đô thị mới, các khu vực đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Bố trí, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư…

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo đúng định hướng phát triển  

Thường trực Hội đồng thẩm định đánh giá, hồ sơ đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 cơ bản đáp ứng đáp ứng các căn cứ pháp lý và phù hợp với các quy hoạch liên quan.

Các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện đồ án, với việc yêu cầu địa phương rà soát làm rõ hơn về đánh giá hiện trạng, điều kiện tự nhiên, công tác thực hiện quy hoạch đã có trước đây; đồng thời làm rõ các giải pháp tổ chức không gian, dự báo các chỉ tiêu phát triển; quản lý phát triển không gian ngầm; ưu tiên nguồn lực cho hệ thống hạ tầng; vấn đề chống ngập úng và quy hoạch đất nghĩa trang…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh công tác rà soát, đánh giá quy hoạch cũ và các quy hoạch liên quan cần cụ thể hơn, đặc biệt là rà soát thực trạng quỹ đất cho phát triển; cùng với định hướng, tính chất của đô thị, việc thể hiện ra thành các phân khu chức năng cần rõ ràng hơn về các nội dung này, tránh tình trạng chỉ nặng về phát triển đô thị; cùng với đó cần có giải pháp giải quyết các tồn tại, vướng mắc của quy hoạch trước đây.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp thu các ý kiến góp ý, giải trình làm rõ thêm một số nội dung của đồ án.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp thu các ý kiến góp ý, giải trình làm rõ thêm một số nội dung của đồ án và khẳng định tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu mới, định hướng phát triển đảm bảo đúng tính chất của đồ án quy hoạch chung.  

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị kết luận Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, hồ sơ đồ án quy hoạch đảm bảo tuân thủ quy định, kế thừa nội dung các quy hoạch đã được phê duyệt và cập nhật kết quả từ cuộc thi quốc tế về ý tưởng quy hoạch liên quan.

Hội đồng nhất trí thông qua đồ án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi được hoàn thiện, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định.

Để hoàn thiện đồ án quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý địa phương tiếp tục hoàn thiện căn cứ lập đồ án quy hoạch, rà soát đảm bảo thống nhất với các quy hoạch liên quan; đặc biệt là việc đánh giá công tác thực hiện quy hoạch trước đây, quá trình triển khai thực tế, chỉ ra những vướng mắc, bất cập; cùng với đó cần cập nhật số liệu hiện trạng, phân bố dân cư, chất lượng đô thị...

Đối với dự báo phát triển, Bộ trưởng lưu ý cần xác định rõ các chỉ tiêu áp dụng; định hướng phát triển không gian; làm rõ nguyên tắc quản lý, phát triển các phân vùng.

Quy hoạch sử dụng đất cũng cần phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn; làm rõ hành lang bảo vệ nguồn nước các tuyến sông, kênh rạch, giữ gìn cảnh quan đặc trưng sông nước cũng như khả năng tiêu thoát nước; định hình rõ các khu vực trung tâm hành chính, du lịch, thương mại, mạng lưới không gian xanh, công cộng, các trục không gian chính…

Cùng với đó, cần rà soát các chỉ tiêu quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt; mô hình phát triển TOD theo vùng, khu vực, hệ thống giao thông công cộng; làm rõ hơn mô hình hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn.

Đồng thời xác định rõ khu vực phát triển không gian ngầm, khu vực hạn chế, khu vực cấm; đảm bảo đồng hộ hạ tầng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế số, đô thị thông minh; cập nhật các quy định về PCCC…

Đối với các chương trình ưu tiên đầu tư, Bộ trưởng đề nghị địa phương rà soát để đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế. Rà soát hồ sơ đảm bảo tuân thủ quy định, chính xác, đồng bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.   

Bình luận