Đã phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị
Để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 70-KH/TU ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị, đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết 1/2.000) so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 62,25%; quy hoạch chi tiết 1/500 toàn tỉnh đạt 15,4%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới 100%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 56%. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch toàn tỉnh đạt 96%, trong đó, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 97,83%,…
Hiện nay, Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung lập đồng thời 03 quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (theo định hướng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương).
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị: “Đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị, khu vực dự kiến thành lập quận, phường được quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị nào thì được phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định của loại đô thị tương ứng”.
Như vậy, việc lập Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước phân loại và thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022, làm cơ sở để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành lập, trình thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch, phục vụ mục tiêu thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch này đã một lần nữa khẳng định toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng như là một chỉnh thể đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển về lâu dài của tỉnh.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở pháp lý để tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư hạ tầng khung, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế giàu bản sắc, có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Theo nhiệm vụ quy hoạch đô thị vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á....
Động lực để đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch với các mục tiêu nêu trên là bám sát nội dung Nghị quyết 54-NQ/TW; qua đó đã thể thiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và là kết quả phấn đấu thời gian dài của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến thời điểm hiện tại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Từng bước phát huy được vị thế của trung tâm, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả, đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố văn hóa ASEAN”, “thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “thành phố Xanh quốc gia”; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, quốc phòng an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Nổi bật là, tư duy kinh tế được đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo với du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển; tiềm năng của Vườn Quốc gia Bạch Mã bước đầu được khai thác; thu ngân sách tăng khá; quy mô nền kinh tế được mở rộng.
Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển mạnh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân với những đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế; thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn FDI, góp phần gia tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Hoạt động liên kết của Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng và các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung được chủ động thúc đẩy; bước đầu đã hình thành liên kết phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển du lịch.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hướng tới thành phố vườn, đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”; Huế được ghi nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN; kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, kết nối Huế với các địa phương của Việt Nam và thế giới.
Đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo.
Nhìn chung, công tác lập quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị được tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai trong nhiều năm, đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa to lớn trong quá trình quản lý và phát triển đô thị, quản lý hoạt động xây dựng theo quy hoạch, đáp ứng được phần lớn nhu cầu phát triển trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số vấn đề cần giải quyết như: Thừa Thiên Huế chưa thực sự phát huy được vai trò là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại Xuyên Á theo hướng Đông - Tây, kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam.
Trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận, Thừa Thiên Huế cần phối kết hợp với Đà Nẵng để hình thành cụm cảng biển loại I theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó có thể tương hỗ phát triển trên cơ sở lợi thế về luồng hàng hải của mỗi cảng, không gian hậu cảng và khả năng tiếp cận với khung giao thông quốc gia khác.
Về vấn đề quy hoạch, hiện nay còn khoảng cách giữa dự báo phát triển, nguồn lực và thực trạng đô thị, khu chức năng dẫn đến công tác đồng bộ hóa về chính sách, đầu tư, quy hoạch các cấp chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là các chỉ số chính về dân cư thường trú, vốn đầu tư, mức độ lấp đầy các khu chức năng.
Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa cao, việc lập quy hoạch nhiều nơi vẫn chưa bám sát nhu cầu đầu tư thực tế.
Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình của cả nước, tuy nhiên chất lượng đô thị chưa cao. Trên cơ sở đánh giá của chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, các chỉ tiêu còn yếu thường tập trung vào các nhóm: Quy mô và mật độ dân số, số lượng công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị (nhà tang lễ, tỷ lệ hỏa táng,…), trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Về thu hút đầu tư, tỉnh còn gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án mang tính động lực cấp vùng và quốc gia, dẫn đến các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa đạt được như kỳ vọng, ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế. Một số dự án hạ tầng quan trọng cấp quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cảng Chân Mây, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài chậm được đầu tư nâng cấp. Tỉnh cũng chưa có các nhà đầu tư chiến lược như cách tiếp cận của một số địa phương (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa) để kích hoạt, thúc đẩy các ngành kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng đô thị phát triển toàn diện.
Đây là những vấn đề mà tỉnh hết sức quan tâm và sẽ đặt vấn đề cho đơn vị tư vấn nghiên cứu, giải quyết, đề xuất biện pháp khắc phục trong quá trình lập đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, đồng thời cũng sẽ tham vấn các ý kiến các Bộ ngành trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng dân cư,... để có một sản phẩm quy hoạch chất lượng, xứng tầm, mang tính định hướng về dài hạn, tạo động lực đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu Nghị quyết 54-NQ/TW và Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.